Đồng Tháp (TTXVN 23/2/2024) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa nghề làm bột gạo Sa Đéc ở xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian.
Hiện nay, nghề làm bột Sa Đéc có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Thị trường tiêu thụ bột ngày càng phát triển, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân hàng trăm tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo…
Nghề làm bột gạo Sa Đéc là đầu mối cung ứng bột cho khắp các tỉnh miền Tây, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và một số nước châu Âu. Nghề này đã tạo ra việc làm cho 2.000 lao động, sản xuất trên 50 ngàn tấn bột/năm.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp Phan Thị Vũ Quyên cho biết, với cách làm thủ công truyền thống, nhiều cơ sở làm bột cho ra sản phẩm bột luôn đạt chất lượng ngon, dẻo dai, trắng mịn. Nghề làm bột gạo phải trải qua 10 công đoạn như: Lựa chọn tấm (gạo), làm sạch tấm (gạo), xay tấm (gạo), dằn bột, đánh tơi bột, lắng gạn, hớt bột, chia bột và bẻ bột, phơi bột và đóng gói thành phẩm.

Nghề làm bột là kết tinh của sự kế thừa, truyền nghề từ “cha truyền con nối”. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những người thuộc thế hệ đầu tiên khai mở cho làng nghề, điển hình có ông Nguyễn Văn Tao  sinh năm 1861, ông trở thành tấm gương cho con cháu và nhiều thế hệ trong gia tộc noi theo để giữ gìn, phát huy nghề làm bột. Những người làm bột nối tiếp có ông Nguyễn Văn Mẫn (sinh năm 1891) đã truyền nghề cho con là Nguyễn Thị Tám (sinh năm 1933), đến đời cháu là Huỳnh Văn Cười (sinh năm 1973) giữ nghề làm bột của gia đình cho đến nay.

Trong những gia đình làm bột, kinh doanh và thành đạt từ bột còn có gia đình của ông Đàm Thước Bảy, Đàm Thước Tám từ những năm giữa thế kỷ XX, con cháu hiện nay gây dựng nên thương hiệu bột “Hòa Hưng” và tham gia thành viên của “Hội quán Làng Bột” tạo dựng làng nghề truyền thống làm bột gạo Sa Đéc.

Chính nhờ vào áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghề làm bột gạo Sa Đéc đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường, đưa nghề làm bột có tiếng trong thời kỳ mới công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Từ bột gạo Sa Đéc hiện nay chế biến ra hàng trăm sản phẩm rất hấp dẫn như: phở, hủ tiếu, miến, bún, cháo… đồng thời tạo ra hàng trăm món bánh dân gian như: bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối, bánh bò…, cùng với các loại chè như: chè trôi nước, chè bà ba, chè đậu, chè bắp… Những món ăn tạo nên hương vị riêng biệt từ bột gạo sa Đéc nổi tiếng của Đồng Tháp mà không phải nơi nào cũng có được.

Những sản phẩm sản xuất sau bột như: hủ tiếu, bánh canh... và các thực phẩm khác được sản xuất chế biến từ bột đã được các Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Cổ phần tinh bột xanh, Cơ sở thực phẩm Phú Khang 2... đưa sản phẩm sau bột xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện tại, Sa Đéc đã hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả một điểm du lịch cộng đồng tại làng nghề truyền thống sản xuất bột gạo. Tại đây, trưng bày giới thiệu quy trình sản xuất bột gạo Sa Đéc qua các thời kỳ, sản phẩm sau bột và ẩm thực các món ăn chế biến từ bột gạo. Các sản phẩm OCOP làm từ bột Sa Đéc được xếp hạng 4 sao như: bột gạo lứt lúa mạch hạt sen, bánh hỏi khô, bột bánh xèo cốt dừa, nui gạo, bún gạo lứt, phở gạo lứt, hủ tiếu khô, phở khô… Những sản phẩm OCOP làm từ bột gạo đã thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp cho người tiêu dùng.

Sản phẩm bột gạo Sa Đéc đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, bởi bất kỳ du khách nào đến Sa Đéc đều tỏ ra khá thích thú và ấn tượng bởi nét văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú chế biến từ bột. Du khách hiểu được sự hình thành và phát triển của nghề làm bột hơn 100 năm và vì sao được xứng danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Nguyễn Văn Trí