Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm thuộc làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại Kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đã từng làm đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê.

Với tài năng thiên bẩm, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn học vô cùng quý giá. Với hàng trăm tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã phác họa, chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống xã hội đương thời, xót thương cho những thân phận khổ đau, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người, tiêu biểu như "Thanh hiên thi tập", "Nam trung tạp ngâm", "Bắc hành tạp lục" và đỉnh cao là "Truyện Kiều", một kiệt tác thơ của mọi thời đại, có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi giá trị tư tưởng cao đẹp và giá trị nghệ thuật đặc sắc của một thiên tiểu thuyết bằng thơ.

"Truyện Kiều" của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ với trên 60 bản dịch khác nhau. Tại mỗi quốc gia, tác phẩm để đời này đều được đón tiếp nồng nhiệt và đều có một đời sống riêng.

Bên cạnh tư cách một nhà thơ, Nguyễn Du còn là danh nhân có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh liệt với tiếng mẹ đẻ. Dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để sáng tác bằng Việt văn. Nguyễn Du đã đưa tiếng Việt và ngôn ngữ Việt trở thành ngôn ngữ văn học chính thống của quốc gia.

Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 Danh nhân văn hóa toàn thế giới./.