Hà Nội (TTXVN 29/10/2015) Là một trong những cây bút xuất sắc của trào lưu hiện thực phê phán thời kỳ 1940-1945 của thế kỷ XX, nhà văn Nam Cao đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ này. Nhiều truyện ngắn của ông được xem như là khuôn thước cho thể loại này.

* Nhà văn của những người cùng khổ

Nam Cao là bút danh của nhà văn - nhà báo - liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ngày 29/10/1915, trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Đây không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn mà còn là nơi ra đời những nguyên mẫu nhân vật nổi tiếng làm nên tên tên tuổi và sự nghiệp văn chương của ông sau này như: Thị Nở, Bá Kiến, Binh Chức, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Trạch Văn Đoành...

Nhà văn Nam Cao (1915-1951)

Năm 1934, khi mới 19 tuổi, Nam Cao bước vào làng văn với những truyện ngắn lãng mạn, như: “Cảnh cuối cùng”, “Hai cái xác”, “Nghèo”, “Những cánh hoa tàn”, “Một bà hào hiệp”, “Cái chết của con Mực”…  Nhưng phải đến khi kiệt tác “Đôi lứa xứng đôi” (mà sau này khi in lại Nam Cao đổi tên thành “Chí Phèo”) ra đời vào năm 1941, phong cách nghệ thuật hiện thực của ông mới được khơi dòng.

Tuy “cập bến” hiện thực muộn hơn so với các tiền bối xuất sắc như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, nhưng ngòi bút của nhà văn Nam Cao đã nhanh chóng bắt được mạch đời và tuôn trào mạnh mẽ. Với hơn hai chục truyện ngắn viết về nông dân (tiêu biểu như: “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Một đám c­ưới”, “Một bữa no”, “Lang Rận”, “Điếu văn”, “Mua danh”, “Tư­ cách mõ”...) Nam Cao đã dựng nên bức tranh về nông thôn Việt Nam những năm 1940-1945. Nhà văn thư­ờng đi vào cuộc sống những người cùng khổ, bị ức hiếp nhiều nhất. Đặc biệt đi sâu vào nỗi khổ của tâm hồn bị đày đoạ, nhân phẩm bị xúc phạm và đã khẳng định mạnh mẽ bản chất đẹp đẽ của họ, ngay cả khi họ bị vùi dập đến mất cả hình ngư­ời, tình ngư­ời.

Trong một lần tâm sự với nhà văn Vũ Bằng, nhà văn Nam Cao đã chia sẻ rằng: “Tôi quan niệm cuộc đời giản dị lắm. Đời không có nhiêu khê như người ta vẫn viết trong tiểu thuyết trữ tình. Đói thì ăn, khát thì uống. Tôi thấy thế nào cứ viết y như thế, không thêm bớt. Thế cũng đủ rồi, lọ là phải bầy đặt thêm ra làm gì”.

Với quan điểm sáng tác nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn phải luôn mở hồn ra để đón những rung động cuộc đời, Nam Cao đã cho ra đời những tác phẩm ngồn ngộn chất hiện thực, có ý nghĩa tố cáo xã hội một cách sâu sắc.

Trong hầu hết các sáng tác của Nam Cao, kể cả khi ông viết về số phận khốn cùng của những người nông dân nghèo túng và đói khát, hay số phận đầy bi kịch của những người trí thức tiểu tư sản, người dân nghèo thành thị túng quẫn, mỏi mòn, bế tắc - thì điều cuối cùng vẫn được toát ra từ trong tác phẩm là vấn đề cứu lấy, giữ lấy và vươn tới cái gọi là nhân phẩm con người. Lý tưởng nhân văn này được Nam Cao gửi gắm qua dòng suy ngẫm của nhân vật Thứ về sự sống: “Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại” ("Sống mòn"). Có lẽ chính vì đã chạm đến cái cơ bản nhất mà văn chương của mọi thời đều hướng tới nên các sáng tác của Nam Cao có sức sống lâu bền đến thế, có sức ám ảnh dai dẳng đến thế trong trái tim, tâm hồn người đọc thuộc nhiều thế hệ.

Coi trọng phương pháp lấy nguyên mẫu con người thật ngoài đời xây dựng trong tác phẩm nên các nhân vật trong tác phẩm Nam Cao rất chân thực, sống động, cứ như ta vừa bắt gặp ở đâu đó. Những chuyện buồn tủi, trớ trêu của cuộc đời Chí Phèo, thị Nở ("Chí Phèo"); Lão Hạc, giáo Thứ ("Sống mòn"); Điền ("Giăng sáng"), Hộ ("Đời thừa"), hay có tinh thần ái quốc như Độ ("Đôi mắt") đều được chắt ra từ chuyện cuộc đời của chính nhà văn.

Hình tượng nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Nam Cao còn đi sâu vào những đau đớn trong tâm hồn của những người tiểu tư­ sản và đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đó là bi kịch của những người khao khát sống cuộc đời có ý nghĩa mà bị những lo lắng cơm áo hàng ngày giày vò, phải sống cuộc sống “đời thừa” vô nghĩa, phải đấu tranh với lối sống ích kỷ, dung tục tiểu tư­ sản để vư­ơn tới lẽ sống nhân đạo. Nổi bật như­ các tác phẩm: “Đời thừa”, “Nước mắt”, “ Trăng sáng”, “Bài học quét nhà”…

Với việc phản ánh đa dạng và rất thành công nhiều kiểu nhân vật, từ bị tước nhân phẩm, đòi lấy lại nhân phẩm, đấu tranh gìn giữ và vươn tới nhân phẩm của con người, cho dù trong hoàn cảnh khó khăn, đen tối nhất, những sáng tác của Nam Cao vẫn mang lại những lại giá trị lớn lao nhiều mặt cho đời sống văn chương nói riêng và cho xã hội nói chung. Từ tác phẩm “Chí Phèo” để lại dấu ấn, đến năm 1944, là thời kỳ sáng tác sung mãn và có hiệu quả nhất trong đời viết văn của Nam Cao. Ông đã đạt tới đỉnh cao chất lượng mới: chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy xã hội và tư duy văn học.

Có thể nói, cùng với những nhà văn hiện thực xuất sắc như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, các tác phẩm của Nam Cao thời kỳ 1941-1944 đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của dòng văn học hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

* Cây bút tiêu biểu của văn xuôi thời kháng chiến chống Pháp

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà văn Nam Cao tiếp tục có những đóng góp mới. Ông tiếp nhận tinh thần Đề cương Văn hóa Việt Nam và tham gia vào Hội Văn hoá Cứu quốc và là Thư­ ký toà soạn tạp chí Tiên Phong của Hội. Với hành trình “Đường vô Nam”, Nam Cao đã có mặt trong đoàn quân Nam tiến, với tư cách là phóng viên, rồi lên chiến khu Việt Bắc làm phóng viên báo Cứu quốc. Năm 1950, ông nhận công tác ở tạp chí Văn Nghệ (thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam) và là Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ­ương. Ông đã sống hết mình với phong trào, với cách mạng.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhà văn Nam Cao đã nêu quyết tâm: “sống đã rồi hãy viết”. “Sống” là cầm súng chiến đấu giải phóng dân tộc, đem ngòi bút phục vụ công nông binh. Ông vui vẻ nhận ra “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”. Lúc này ngòi bút Nam Cao hoạt động với tư cách ngòi bút của một cán bộ làm báo, làm văn. Ngoài viết văn, ông còn viết tin, làm ca dao, soạn kịch ngắn tuyên truyền, viết hoặc dịch sách phổ thông về địa lý, lịch sử, thời sự. Ông coi đó là “những công việc nhũn nhặn, thầm lặng nhưng có ích”.

Ông đã để lại nhiều sáng tác có giá trị đặc sắc và tiêu biểu cho văn xuôi kháng chiến thời kỳ đầu. Trong đó, “Đôi mắt” là truyện ngắn thành công nhất của Nam Cao thời kỳ này. Trong thời kỳ công tác tại Bắc Kạn, ông đã viết “Nhật ký ở rừng” thể hiện niềm yêu th­ương ấm áp đối với người dân miền núi chất phác mà thiết tha với cách mạng, sự quyết tâm và tin t­ưởng của ng­ười nghệ sĩ tiểu t­ư sản trung thực đang nỗ lực vư­ơn lên trong cuộc sống mới. Chuyện biên giới và bút ký “Vài nét ghi qua vùng giải phóng” viết trong dịp ông tham gia chiến dịch Cao Bằng-Lạng Sơn lại là những ký họa sinh động, tràn ngập không khí lạc quan, với  những hình ảnh giản dị, đẹp đẽ về chủ nghĩa anh hùng. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp và sức mạnh tinh thần của bộ đội, nhân dân trong chiến dịch.

Có thể nói, trong các tác phẩm của Nam Cao, nổi bật một phong cách trữ tình, sâu lắng, trào lộng, xót xa, hóm hỉnh mà tế nhị, sang trọng mà bình dị, tinh vi mà khái quát. Với ngòi bút hiện thực tỉnh táo, nghiêm ngặt vừa sắc lạnh, vừa gân guốc, lại vừa thắm thiết trữ tình, nhà văn đã miêu tả tâm lý con ng­ười, nhất là khi đi vào miêu tả diễn biến tâm lý tinh tế, phức tạp. Ngôn ngữ văn xuôi của ông cũng mới mẻ, gần gũi với ngôn ngữ của quần chúng, giản dị mà đậm đà, sống động nhất là trong ngôn ngữ đối thoại. Ở đây có cả văn chương, có cả tâm huyết, có cả tài năng lớn của một ước vọng nhân văn cao đẹp mà nhà văn ký thác với cuộc đời. Các tác phẩm của Nam Cao đã đánh dấu một bư­ớc phát triển mới của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam.

Ngày 30/11/1951, trên đường đi công tác vào vùng địch hậu lLên khu III, nhà văn Nam Cao cùng đoàn cán bộ bị địch phục kích và đã anh dũng hy sinh tại làng Vũ Đại, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, giữa lúc tài năng ở độ chín. Ông ngã xuống khi trang bản thảo cuối cùng của tác phẩm “Định mức” còn chưa khô mực.

Nhà văn Nam Cao được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 1996, cho các tác phẩm: “Nhật ký ở rừng”, “Đôi mắt” (truyện ngắn), “Sống mòn” (tiểu thuyết), “Truyện ngắn chọn lọc” (xuất bản năm 1964), “Chí Phèo” (truyện ngắn), “Nửa đêm” (truyện ngắn)./.

                                                                                                          Hoàng Yến (tổng hợp)