Hà Nội (TTXVN 21/3/2004)

     Tương đồng  về lịch sử, văn hóa và truyền thống đấu tranh bất khuất vì độc lập, tự do là khởi nguồn của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyến thống giữa Việt Nam và khu vực Nam Á, trong đó có Cộng hòa Nhân dân Bănglađét và Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan.

      Tuyên bố độc lập ngày 26/3/1971, Bănglađét là quốc gia trẻ nhất ở khu vực Nam Á, được chia thành  5 khu vực hành chính, 64 quận, 464 tổng và 4.500 xã. Trước năm 1947, đất nước này là một phần lãnh thổ của Ấn Độ và có lịch sử, văn hóa gắn liền với lịch sử, văn hóa của nước láng giềng này. Về kinh tế, Bănglađét cơ bản vẫn là nước nông nghiệp và kém phát triển với 2/3 dân số lao động trong khu vực này. Thu nhập bình quân theo đầu người  là 386 USD/năm và khoảng 50% dân số sống trong tình trạng nghèo khổ. Mấy năm gần đây, Bănglađét đã có những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và xuất khẩu. Hiện nay, Bănglađét cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước và kim ngạch xuất khẩu đạt 6,55 tỷ USD. Năm 2003, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,3% và năm 2004 dự kiến đạt 5,7%.

    Nhân dân Bănglađét luôn ủng hộ và bày tỏ khâm phục đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta. Kể từ 11/2/1973, khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống  Việt Nam - Bănglađét đang từng bước được cải thiện, thể hiện qua việc ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ và văn hóa giữa hai nước, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn đứng ở mức khiêm tốn so với đất nước Bănglađét l31 triệu dân và Việt Nam hơn 80 triệu dân. Năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 20 triệu USD và nếu có những biện pháp khuyến khích phù hợp, khả năng hợp tác kinh tế song phương có thể tăng lên trong thời gian tới. Bên cạnh những tiềm năng hợp tác truyền thống như lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ, khai khoáng... hai nước đang nghiên cứu khả năng  hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, thể thao và du lịch. Cuộc họp mới đây của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam và Bănglađét xác định thêm một số lĩnh vực mà hai bên có thể mở rộng hợp tác như công nghệ sinh học, thông tin và tăng cường trao đổi cấp cao, bộ ngành và các doanh nghiệp, đặc biệt trao đổi thông tin, kinh nghiệm nhằm tìm ra những biện pháp hợp tác cụ thể, hiệu quả hơn trong nhiều lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh.

     Nhân chuyến thăm hữu nghị Việt Nam (tháng 5/2001), Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Pervez Musharraf nhấn mạnh: "Nhân dân Việt Nam có truyền thống đấu tranh anh dũng vì độc lập và tự do. Mối quan hệ Pakixtan -Việt Nam  là biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác truyền thống và góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới ". Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Á, chính thức tuyên bố độc lập ngày 23/3/1956 nhưng tách từ Ấn Độ vào ngày 14/8/1947. Nhìn chung, Pakixtan vẫn là nước nghèo do dân số đông (151 triệu người), thiếu đầu tư nước ngoài và chi phí quốc phòng cao. Kinh tế phát triển chậm do nợ nước ngoài cao và phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ quốc tế. Nông nghiệp là ngành kinh tế lớn nhất, chiếm 40% GDP, trong khi đó ngành khai khoáng và dầu khí của Pakixtan tương đối phát triển và chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế của nước này. Từ năm 2000, kinh tế của quốc gia này bắt đầu có dấu hiệu phát triển sau hai năm có mức tăng trưởng âm. Năm 2003, GDP đã tăng 5,1% và năm 2004 có thể tăng 5,3%. Hiện nay Pakixtan thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế, nhất là tăng cường hợp tác với Mỹ, Phương tây về chống khủng bố và coi trọng quan hệ với Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

     Hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (kể từ 8/11/1972), quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng củng cố, phát triển. Tuy nhiên quan hệ kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của mỗi nước. Mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư  và nâng kim ngạch thương mại song phương lên khoảng 100 triệu USD/năm trong những năm tới có nhiều triển vọng, nhưng hai nước cần đưa ra các chính sách, biện pháp khuyến khích hiệu quả để tìm kiếm cơ hội hợp tác và tận dụng thế mạnh kinh tế của mỗi nước. Pakixtan là nước nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có chè, cà phê, dầu ăn và hạt tiêu, trong khi ta lại có thế mạnh về các sản phẩm này. Bạn có tiềm năng về xuất khẩu các mặt hàng như sợi, bông, hàng dệt và da. Thời gian gần đây, quan hệ kinh tế song phương đã có những bước phát triển mới, đặc biệt sau khi hai nước thành lập Ủy ban hợp tác chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong từng giai đoạn cụ thể. Nhân chuyến thăm Pakixtan của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai nước sẽ ký kết Hiệp định khung về hợp tác khoa học và công nghệ, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Thỏa thuận ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa hai Bộ Ngọai giao và MOU về hợp tác ngân hàng trung ương của hai nước.

    Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bănglađét và Pakixtan của Chủ tịch nước Trần Đức Lương sắp tới sẽ góp phần quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và khu vực Nam Á vì hòa bình, ổn định, hợp tác và  cùng có lợi./.

                                                                                                                           Mạnh Hùng