Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09/3/1949, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu với nhiệm vụ nghiên cứu các phương pháp chống trả không quân địch. Ngày 01/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Đây là Trung đoàn pháo Cao xạ chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 01 tháng 4 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Phòng không Việt Nam

Ngày 03/3/1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành Quyết định số 15/QĐA thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay (phiên hiệu C-47) trực thuộc Tổng Tham mưu trưởng. Ngày 03/3/1955 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Không quân Việt Nam.

Ngày 15/6/1956, Tiểu đoàn 4 được thành lập (trực thuộc Đại đoàn Pháo cao xạ 367, Bộ Tư lệnh Pháo binh) gồm 34 đồng chí. Đây là những cán bộ chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn 4, tiền thân của Bộ đội Rađa phòng không. Ngày 15/6/1956 được lấy làm ngày thành lập Bộ đội Rađa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Ngày 21/3/1958, thành lập Trung đoàn rađa cảnh giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với tên gọi Trung đoàn đối không cần vụ 260. Đến tháng 9/1960 đổi thành Trung đoàn Rađa tình báo 300, từ tháng 5/1961 mang tên Trung đoàn Rađa 291 (còn gọi là Đoàn Ba Bể), nay thuộc Sư đoàn Phòng không 365. Cũng ngày 21/3/1958, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 047/NĐ, thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không trên cơ sở của Sư đoàn Phòng không 367 và Trung đoàn Đối không cần vụ 260. Ngày 01/3/1959, Trung đoàn Đối không cần vụ 260 bắt đầu phát sóng và ngày này được lấy làm ngày truyền thống của Bộ đội Rađa.

Ngày 24/1/1959, Tổng Tư lệnh ban hành Nghị định số 319/NĐ, thành lập Cục Không quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu trên cơ sở hợp nhất các tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu sân bay và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Ngày 22/10/1963, Quân chủng PK-KQ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân, gồm 3 binh chủng: không quân, pháo phòng không và rađa.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn bộ lực lượng phòng không gồm 5 tiểu đoàn (2 tiểu đoàn pháo phòng không, 3 tiểu đoàn súng máy phòng không thuộc các đại đoàn bộ binh) và một số đại đội khác đã được đưa vào chiến đấu. Trong suốt chiến dịch, lực lượng pháo phòng không đã làm tốt nhiệm vụ hạn chế hoạt động của không quân địch, yểm trợ hiệu quả cho bộ binh và các lực lượng khác tiến công, đập tan các cuộc phản kích của địch, siết chặt vòng vây xung quanh tập đoàn cứ điểm địch; đồng thời tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về bố trí trận địa, cơ động lực lượng và kỹ thuật tác chiến. Trong toàn bộ chiến dịch, các lực lượng phòng không đã cùng với các lực lượng khác bắn rơi 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng phòng không đã được phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và nghệ thuật tác chiến, nhiều loại pháo phòng không hiện đại đã được đưa vào trang bị. Lực lượng phòng không đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay địch trong trận đánh đầu tiên chống lại chiến dịch “Mũi tên xuyên” của địch ngày 05/8/1964, tạo ra niềm tin quân và dân ta có thể đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ngày 30/5/1963, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 18/QĐ thành lập trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên, mang phiên hiệu Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (Trung đoàn Sao Đỏ). Ngày 3/4/1965, Biên đội MiG 17/Trung đoàn Không quân Sao Đỏ xuất kích trận đầu bắn rơi 2 máy bay F-8 của Không quân Mỹ trên khu vực cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá. Ngày 03/4/1965, trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam.

Ngày 07/01/1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 03/QĐ-QP thành lập Trung đoàn cao xạ 236 (Đoàn Sông Đà). Đây là trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh PK-KQ. Các cán bộ của trung đoàn đều từ Đoàn 228B chuyển sang. Ngày này được lấy làm ngày thành lập Bộ đội Tên lửa phòng không. Ngày 24/7/1965, Bộ đội Tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu ở khu vực Trung Hà, Sơn Tây, bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến đấu F-4. Ngày 24/7/1965 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và thứ hai của đế quốc Mỹ, các lực lượng không quân, pháo phòng không, tên lửa phòng không và rađa đã làm chủ các khí tài trang bị kỹ thuật hiện đại, anh dũng, mưu trí sáng tạo, tìm ra những cách đánh mới, phát huy thế mạnh của vũ khí trang bị. Thế trận phòng không nhân dân được phát triển rộng khắp, trận địa phòng không được bố trí nhiều tầng nhiều lớp. Đặc biệt trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972), các lực lượng PK-KQ đã sáng tạo trong cách đánh, giành thế chủ động ngay từ đầu, đập tan chiến dịch Linebacker II của Mỹ. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, ta đã bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, 5 máy bay chiến đấu F-111, bắt sống hàng chục phi công Mỹ, góp phần buộc Mỹ phải ngồi lại bàn đàm phán và ký cam kết rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Trên chiến trường miền Trung và miền Nam, lực lượng phòng không đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt các nguyên tắc tác chiến phòng không, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi cùng bảo vệ đội hình chiến đấu của các đơn vị bộ binh, bảo vệ các đầu mối giao thông trọng yếu, các khu vực bến phà, cầu cống, kho tàng… Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, ngoài một phần lực lượng ở lại nhiều vụ bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở miền Bắc, phần lớn lực lượng phòng không được tung vào chiến trường. Các đơn vị phòng không có nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường giao thông, tiến hành tác chiến phòng không hành tiến bảo vệ đội hình chiến đấu binh chủng hợp thành của các cánh quân, bảo vệ các mục tiêu đã được giải phóng... Lực lượng không quân đã nhanh chóng tiếp thu, làm chủ khí tài, máy bay địch. Ngày 28/4/1975, sử dụng 5 máy bay A-37 của địch, ném bom phá huỷ, làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bộ đội PK-KQ đã tham gia hàng nghìn trận đánh, bắn rơi hàng nghìn máy bay các loại, trong đó có 64 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Ngày 16/5/1977, trước yêu cầu nhiệm vụ, Quân chủng PK-KQ được tách thành hai Quân chủng: Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Từ năm 1977 hai Quân chủng đã phát huy truyền thống vẻ vang đoàn kết hiệp đồng vượt lên mọi khó khăn thử thách, phát huy sức mạnh tổng hợp cùng với toàn quân toàn dân đánh bại 2 cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đồng thời làm tròn nhiệm vụ quốc tế.

Ngày 03/3/1999, Chủ tịch nước có Sắc lệnh số 03/L-CTN về việc hợp nhất Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng PK-KQ. Ngày 01/7/1999, Quân chủng PK-KQ chính thức đi vào hoạt động. Hiện nay, Quân chủng PK-KQ đang được trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại để đáp ứng với yêu cầu tác chiến hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc. Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đảm nhiệm cả nhiệm vụ của bộ đội phòng không quốc gia và của không quân; là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ vùng trời, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm quốc gia, bảo vệ nhân dân; đồng thời tham gia bảo vệ các vùng biển đảo của Tổ quốc. Lực lượng PK-KQ có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ hoặc tham gia tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành. Quân chủng PK-KQ làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không lục quân và không quân thuộc các quân chủng, binh chủng, ngành khác. Lực lượng không quân vận tải ngoài nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu còn tham gia các hoạt động cứu trợ thiên tai và phát triển kinh tế.

Với những thành tích đạt được trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân chủng PK-KQ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 2 Huân chương Sao vàng (Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân); 1 Huân chương Hồ Chí Minh (Quân chủng Phòng không); 5 lần tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Binh chủng Tên lửa được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 11/01/1973, Binh chủng Không quân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 03/6/1976, Binh chủng Rađa được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/10/1976, Binh chủng Cao xạ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/10/1976, Quân chủng Phòng không được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/12/1982).

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng