Hà Nội (TTXVN 14/10/2001) Trong những ngày từ 14-16/10/2001, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ thăm chính thức Vương quốc Hà Lan theo lời mời của Thủ tướng Wim Kok.

           Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và  từ năm 1990 trở lại đây, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Hai bên  đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, nổi bật là Thủ tướng Hà Lan Wim Kok  thăm Việt Nam năm 1995; Phó Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hà Lan năm  1995; Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân thăm Hà Lan năm 2000; Chủ  tịch ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Lan thăm Việt Nam tháng 1/2001. Và  chuyến thăm chính thức Hà Lan lần này của Thủ tướng Phan Văn Khải,  là một sự kiện quan trọng, một minh chứng sống động về quan hệ hợp  tác Việt Nam - Hà Lan đang ngày càng phát triển.

           Đến nay, hai nước đã ký nhiều Hiệp định hợp tác: Hiệp định  hợp tác hàng không, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Hiệp  định tránh đánh thuế hai lần, Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, khoa học  kỹ thuật... tạo cơ sở pháp lý cho phát triển hợp tác Việt Nam - Hà  Lan trên nhiều lĩnh vực.

           Ngay từ những năm đầu thiết lập quan hệ, Hà Lan đã là một  trong những nước Tây Âu viện trợ khá lớn cho Việt Nam với khoảng 130  triệu USD trong giai đoạn 1973-1979. Hà Lan xếp Việt Nam vào danh  sách các nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển. Từ năm 1994 đến hết  năm 2000, tổng viện trợ ODA của Hà Lan dành cho Việt Nam trong các dự  án đã và đang thực hiện là hơn 114 triệu USD. Hiện ODA của Hà Lan cho  Việt Nam chiếm 4,77% viện trợ của EC và các nước EU dành cho Việt  Nam. Trong giai đoạn 2001-2003, ngân quỹ ODA của Hà Lan dành cho  Việt Nam sẽ tăng lên. Mục tiêu viện trợ của Hà Lan là hỗ trợ Việt  Nam trong các lĩnh vực lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học, quản  lý nguồn nước và giao thông đường thủy, y tế. Chính phủ Hà Lan còn  dành cho Việt Nam sự giúp đỡ tích cực, mỗi khi nhân dân gặp khó khăn  do thiên tai bão lũ. Năm 1999, bạn giúp 300.000 USD cùng với sáng  kiến hỗ trợ miền Trung phòng chống thiên tai. Năm 2000, Chính phủ Hà  Lan dành khoản viện trợ khẩn cấp 770.000 USD và Hội Chữ thập đỏ Hà  Lan viện trợ 283.000 USD để giúp đỡ đồng bào ta đang gặp khó khăn.  Ngoài viện trợ không hoàn lại, Hà Lan còn có các chương trình tín  dụng hỗn hợp Miliev và Oret, theo đó Chính phủ Hà Lan viện trợ không  hoàn lại 35% tổng giá trị hợp đồng với nhà thầu Hà Lan (từ năm 1998  về trước, dự án Miliev được viện trợ 60% và dự án Oret được viện trợ  45%), còn lại 65% là đóng góp từ phía Việt Nam. Chương trình này chủ  yếu sử dụng cho các dự án cấp nước, lâm nghiệp, dệt may, sản xuất  thức ăn gia súc... theo tiêu chuẩn không làm hại đến môi trường, gắn  liền với chính sách phát triển và đóng góp vào quan hệ kinh tế Hà Lan  - Việt Nam.

           Hà Lan là bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam ở Tây Âu (sau Đức,  Anh, Pháp). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước chiếm khoảng  9,3% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - EU. Năm 1998, Việt Nam có  kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan đạt 236 triệu USD, nhập 32 triệu USD.  Năm 1999, Việt Nam xuất 290 triệu USD, nhập 31,8 triệu USD và năm  2000, xuất 328 triệu USD, nhập 73 triệu USD. Hà Lan nhập từ Việt Nam  các mặt hàng thủy sản, giầy dép, dệt may, cà phê, gạo, hạt điều và  xuất sang Việt Nam máy móc, dược phẩm, thiết bị y tế, vật liệu ngành  may. Tính đến 31/8/2001, Hà Lan có 43 dự án còn hiệu lực với tổng số  vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, đứng thứ 7 trong tổng số 60 nước và vùng  lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam và là nhà đầu tư lớn nhất Châu Âu.  Các dự án đầu tư của Hà Lan chủ yếu trong các lĩnh vực: công nghiệp  thực phẩm, thăm dò và khai thác dầu khí, hóa dầu, hóa chất, mỹ phẩm,  kinh doanh khách sạn, văn phòng, xây dựng... Trong đó nhiều dự án  hoạt động rất hiệu quả, với các công ty nổi tiếng như Heineken,  Unilever (hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa...), Royal Dutch Shell, Foremost  (sữa), Philips... và các ngân hàng lớn như ABN-AMBRO, Rabobank,  Fortis Bank...

           Hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước cũng phát triển tốt  với nhiều dự án hỗ trợ của Hà Lan như: Chương trình hợp tác liên  đại học Việt Nam - Hà Lan, chương trình học bổng Hà Lan (khoảng 25  học bổng ngắn hạn hàng năm), chương trình tăng cường khả năng giảng  dạy và nghiên cứu dành cho Đại học Cần Thơ...

           Tuy là một nước hẹp chỉ có khoảng gần 16 triệu dân, lại không  có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng Hà Lan vẫn là 1 trong 4 nước  xuất khẩu nhiều nhất của EU và là 1 trong 10 nước xuất khẩu lớn nhất  thế giới (năm 2000 đạt kim ngạch xuất khẩu 266 tỷ euros). Hà Lan có  nhiều ngành công nghiệp phát triển như chế tạo máy, công nghiệp xây  dựng. Nông nghiệp của Hà Lan được cơ khí hóa cao, với hơn 60% sản  phẩm được chế biến, nổi tiếng là các sản phẩm hoa, quả, sữa, thịt. Hà  Lan còn rất phát triển về dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng và tư  vấn. Hơn 30% khối lượng hàng hóa ra vào EU được bốc dỡ qua các cảng  của Hà Lan. Cảng Rotterdam là cảng lớn nhất thế giới với công suất  300 triệu tấn/năm. Sân bay Amsterdam là sân bay lớn thứ 3 ở Tây Âu.  Theo bình chọn của tạp chí Porbes (Mỹ) năm 1999, Hà Lan có 14 doanh  nghiệp trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

           Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương  hóa của Đảng, Nhà nước ta, chuyến thăm chính thức Hà Lan lần này của  Thủ tướng Phan Văn Khải nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương  mại, đầu tư giữa hai nước; đồng thời tranh thủ công nghệ tiến tiến  trong những lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh, đáp ứng nhu cầu phát  triển của Việt Nam. Đây là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo cấp cao  hai nước bàn thảo phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác  Việt Nam - Hà Lan ngày càng phát triển, phù hợp với nguyện vọng, lợi  ích của nhân dân hai nước và góp phần vào sự phát triển chung ở hai  khu vực cũng như toàn thế giới./.

                                          Nguyễn Thị Sự