Hà Nội (TTXVN 23/11/2004)

Nhận lời mời của Tổng thống Nét-xto Kít-xnơ, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã thăm chính thức Ác-hen-ti-na từ 22-23/11/2004, nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Cùng đi với Chủ tịch nước Trần Đức Lương có Chủ nhiệm Văn phòng  Chủ tịch nước, các Bộ trưởng Thương mại và thuỷ sản, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Lãnh đạo một số Bộ/ngành khác  và một đoàn doanh nghiệp quan trọng.

Trong bầu không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau, hai Nguyên thủ đã  hội đàm đánh giá một cách toàn diện mối quan hệ song phương; thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, thảo luận phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên nhấn mạnh rằng việc ký kết nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác trong những năm gần đây, cũng như việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm giữa các quan chức Chính phủ, là minh chứng cho mối quan hệ song phương vững mạnh.

Thừa nhận sự mất cân bằng về chính trị và kinh tế quốc tế của tiến trình toàn cầu hóa, hai Nguyên thủ nêu bật sự cần thiết phải tạo ra những điều kiện tốt nhất để hai nước hội nhập vào tiến trình này, đồng thời khẳng định lại cam kết xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước cũng như sự hợp tác với các nước khác nhằm đối phó với những thách thức mới của toàn cầu hoá, hiểm hoạ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và các thách thức đối với hệ thống quốc tế.

Hai bên nhất trí cho rằng Liên hợp quốc cần đóng vai trò trung tâm trên trường quốc tế, khẳng định lại sự ủng hộ của Chính phủ hai nước đối với việc tăng cường và đổi mới Liên hợp quốc để tổ chức này có thể hoạt động hiệu quả vì hoà bình và an ninh quốc tế, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo. Hai bên cho rằng Liên hợp quốc cần tiếp tục thích ứng với bối cảnh quốc tế mới nhằm đối phó với những thách thức mới một cách hiệu quả. Hai bên bày tỏ mong muốn phối hợp hoạt động nhằm đạt được sự cải tổ toàn diện tổ chức này, trong khi luôn ý thức được sự cần thiết phải đảm bảo rằng kết quả của tiến trình này sẽ phản ánh và đáp ứng được các quan điểm, các mối quan tâm và các lợi ích đa dạng của tất cả các quốc gia thành viên.

Hai Nguyên thủ bày tỏ tin tưởng vững chắc vào sự cần thiết phải ủng hộ một hệ thống quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như ủng hộ những việc làm cụ thể của các cơ quan Liên Hợp quốc trong vấn đề này. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia tại các cơ quan thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Hai bên cho rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe doạ đối với hòa bình và an ninh quốc tế, nhất trí cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn và loại bỏ hiểm hoạ này, trên cơ sở tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, nhân quyền, mục đích và tôn chỉ của Hiến chương Liên hợp quốc.

Hai Nguyên thủ nhấn mạnh vai trò của Diễn đàn Hợp tác Đông Á- Mỹ La-tinh (FEALAC) trong việc đưa hai khu vực xích lại gần nhau, thúc đẩy hoà bình và tăng cường hợp tác quốc tế; bày tỏ hài lòng với những tiến bộ đã đạt được kể từ khi Diễn đàn này được thành lập và khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tương lai của Diễn đàn; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Cuộc họp lần thứ 3 Nhóm Công tác về Kinh tế - Xã hội được tổ chức tại Bu-ê-nốt Ai-rết từ 23-25/11/04 để thúc đẩy hợp tác thương mại và liên kết giữa các khu vực kinh doanh của Đông Á và Mỹ La-tinh.

Hai Nguyên thủ khẳng định lại mong muốn chung phát triển quan hệ giữa hai nước, đẩy mạnh hợp tác trên trường quốc tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của Cơ chế Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập năm 1996 nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề trong nước, khu vực và thế giới.

Hai Nguyên thủ bày tỏ sự hài lòng về những tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Khoa học- Công nghệ và cho rằng sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ là động lực cho mối quan hệ hợp tác song phương. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác Nghiên cứu và Phát triển (R & D) trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và các lĩnh vực khác. Trong khuôn khổ này, hai Nguyên thủ đã kiểm điểm lại sự hợp tác song phương trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và nhất trí cần khuyến khích hơn nữa mối quan hệ hợp tác này.   Hai Nguyên thủ khẳng định lại cam kết của mỗi nước đối với việc không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Hai Nguyên thủ bày tỏ hài lòng về việc kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Thoả thuận này tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào hệ thống  thương mại quốc tế đa phương, mở ra triển vọng bảo đảm sự ổn định và gia tăng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Hai Nguyên thủ nhất trí  tiến hành  những nỗ lực cần thiết để đạt được sự đa dạng hóa và gia tăng hơn nữa thương mại song phương và đồng thời nghiên cứu những cơ hội mới để cho phép doanh nghiệp hai nước xích lại gần nhau hơn.

Hai Nguyên thủ bày tỏ hài lòng về việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Ác-hen-ti-na ký kết Thoả thuận Hợp tác nhằm góp phần gia tăng hơn nữa trao đổi thương mại song phương.

Hai Nguyên thủ nhấn mạnh mối quan tâm của hai Chính phủ tổ chức Cuộc họp lần thứ 2 về Tham khảo Kinh tế song phương (Khoá họp lần thứ 2 Uỷ ban Hợp tác liên Chính phủ) vào năm 2005, cho rằng cuôc họp đó sẽ tạo khuôn khổ để đánh giá, làm sâu sắc và năng động hơn các quan hệ kinh tế song phương.

Tổng thống Ác-hen-ti-na bày tỏ hoan nghênh việc Cục Kiểm dịch Việt Nam thông qua chứng nhận về y tế, cho phép Ác-hen-ti-na xuất khẩu sản phẩm có xuất xứ động vật vào thị trường Việt Nam.

Hai Nguyên thủ cam kết thường xuyên tiến hành các cuộc gặp cấp cao nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ chính trị sẵn có và tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác song phương. Theo hướng đó, hoan nghênh trao đổi và tiếp xúc giữa các Bộ/ngành, Quốc hội, Chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quần chúng của hai nước.

Chủ tịch Trần Đức Lương chân thành cảm ơn Tổng thống Nét-xto Kít-xnơ, Chính phủ và nhân dân Ác-hen-ti-na về sự đón tiếp nồng hậu, lòng mến khách và những tình cảm tốt đẹp mà Chính phủ và Nhân dân Ác-hen-ti-na đã dành cho Chủ tịch và Đoàn Đại biểu Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đức Lương trân trọng mời Tổng thống Kít-xnơ thăm chính thức nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm thuận tiện. Tổng thống Kít-xnơ vui vẻ nhận lời mời, thời gian cụ thể sẽ được thoả thuận thông qua đường ngoại giao./.