01. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

“Đảng ra đời là một mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự kết hợp lý luận giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam
trong những năm 20 của thế kỷ XX”. 

(Các Đại hội và Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2018), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.23)

Năm 1858 thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX Pháp áp đặt chế độ cai trị trực tiếp, đồng thời vẫn duy trì chế độ phong kiến làm chỗ dựa cho sự thống trị của chúng. Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một thuộc địa nửa phong kiến.

Chính sách thống trị về chính trị, nô dịch về văn hóa cộng với các chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp phát triển gay gắt. Các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược liên tục nổ ra trên địa bàn cả nước. Sự thất bại của phong trào Cần Vương đã chấm dứt thời kỳ đấu tranh chống xâm lược theo hệ tư tưởng phong kiến. Đầu thế kỷ XX, phong trào nông dân của Hoàng Hoa Thám và các phong trào yêu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh diễn ra sôi nổi. Tuy vậy, “các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại” (1) vì thiếu đường lối thích hợp, thiếu tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh toàn dân tộc.
Trong lúc các phong trào cứu nước bế tắc, tháng 6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Sau khi đã đi nghiên cứu, tìm hiểu các cuộc đấu tranh của nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới, tìm hiểu xã hội tư bản, năm 1917, Người trở lại nước Pháp. Tại đây, Người từng bước học tập lý luận, tham gia Đảng Xã hội Pháp, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi Bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles tháng 6/1919. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin trên báo L’Humanité (Nhân đạo) và đã tìm thấy trong tư tưởng của Lênin con đường giải phóng đúng đắn và triệt để cho dân tộc Việt Nam, “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2). Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tán thành đường lối của Quốc tế Cộng sản. Từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp tinh thần yêu nước với lập trường của giai cấp vô sản, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Con đường cứu nước mà Người khẳng định là gắn giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và con người. “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”(3).

Từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm 1921-1923, tại Pháp, Người sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa và ra báo Le Paria (Người cùng khổ). Hoạt động của Hội và tờ báo đã tích cực truyền bá lý luận cách mạng vào các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô và năm 1924 tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản. Tháng 11/1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925), ra báo Thanh niên (21/6/1925) và trong những năm 1925-1927 mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ. Đó là sự chuẩn bị tích cực về tổ chức và cán bộ cho việc thành lập Đảng Cộng sản. Trong các tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927), cùng nhiều công trình, bài báo khác, Người đã nêu lên một cách có hệ thống những quan điểm của một đường lối cách mạng đúng đắn, chuẩn bị cho Cương lĩnh của Đảng.

Với sự soi sáng của lý luận Mác - Lênin và đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam những năm 1920 phát triển mạnh mẽ. Phong trào công nhân chuyển dần từ tự phát thành tự giác. Sự phát triển của phong trào cách mạng dẫn đến sự ra đời của những tổ chức cộng sản. Tháng 3/1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội (tại số nhà 5D, phố Hàm Long). Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng - đã có vai trò tích cực thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển song không còn thích hợp trước sự phát triển về chất của phong trào. Sau Đại hội tháng 5/1929 của Hội, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam. Tháng 6/1929 thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (tại 312 Khâm Thiên - Hà Nội); tháng 11/1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Những người ưu tú trong Đảng Tân Việt đã ra tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1/1/1930). Những sự kiện quan trọng đó phản ánh đòi hỏi khách quan phải có một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Từ ngày 6/1 đến 7/2/1930, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng gồm: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo(4).

Ngay sau khi ra đời, Đảng quy tụ các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh, tạo nên một phong trào cách mạng rộng lớn trong những năm 1930-1931. Đến tháng 9/1930, phong trào lên cao ở Nghệ - Tĩnh, ra đời một hình thức chính quyền kiểu Xô viết thực hành chuyên chính với bọn đế quốc và tay sai, thực hiện các chính sách tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong lúc cao trào cách mạng của quần chúng đang diễn ra mạnh mẽ thì Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập tại Hương Cảng, Trung Quốc (từ 14 đến 31/10/1930), quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương chính trị, các nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ cần kíp và vận động các đối tượng quần chúng cụ thể. Luận cương chính trị đã làm sáng tỏ một số vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng, do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.

Thực tiễn cao trào đấu tranh cách mạng đã đặt ra yêu cầu phải thiết lập một hình thức tổ chức tập hợp được quảng đại quần chúng rộng rãi chống đế quốc. Vì vậy, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh Đông Dương.

Cao trào cách mạng 1930-1931 bị thực dân Pháp khủng bố, nhưng nó đã khẳng định trong thực tế đường lối cách mạng Việt Nam do Đảng ta đề ra là đúng đắn và để lại nhiều bài học quý báu về liên minh công nông và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, về tổ chức quần chúng đấu tranh, về đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền, về khắc phục bệnh “tả” khuynh... “Không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930-1931, trong đó công nông đã vung ra nghị lực cách mạng phi thường của mình, thì không thể có cao trào những năm 1936-1939”(5).

Trước tình hình bị thực dân Pháp khủng bố tàn khốc, năm 1932, Đảng ra Chương trình hành động để khôi phục tổ chức và lãnh đạo đấu tranh. Từ 1932-1935, Đảng tiến hành đấu tranh giữ gìn và khôi phục lực lượng. Tháng 3/1934 lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Đến Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương (từ ngày 27 đến 31/3/1935 ở phố Quan Công, Ma Cao, Trung Quốc), cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục tổ chức đã căn bản thắng lợi, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cho Đảng bước vào một cao trào cách mạng mới. Đại hội lần thứ nhất đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 ủy viên, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư.

Giữa những năm 30 của thế kỷ XX, trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít và thực hiện sự chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7/1935), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 7/1936 đã chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, xác định mục tiêu trước mắt là chống chiến tranh, chống phát xít và chống bọn phản động thuộc địa, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, sử dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh phù hợp. Tại Hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được cử giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Chủ trương của Đảng đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của nhân dân lúc bấy giờ, dấy lên các phong trào đấu tranh quần chúng sâu rộng, như đòi triệu tập Đại hội Đông Dương, phong trào đấu tranh trên báo chí, phong trào đấu tranh nghị trường, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Năm 1938, lần đầu tiên ở Việt Nam, Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố, thị xã trong cả nước. Tiêu biểu là cuộc mít tinh kỷ niệm ngày 1/5/1938 ở thành phố Hà Nội, có 25.000 người tham dự. Trong quá trình lãnh đạo đấu tranh cũng xuất hiện những lệch lạc. Vì vậy, từ ngày 29 đến 30/3/1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp rút kinh nghiệm và tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Những lệch lạc trong củng cố tổ chức và lãnh đạo đấu tranh, nhất là giải quyết mối quan hệ giữa đấu tranh cho mục tiêu trước mắt và lâu dài, trong hình thức tổ chức đấu tranh, trong hợp tác vô nguyên tắc với tờrốtkít, về sau được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trình bày trong cuốn “Tự chỉ trích” (7/1939).

Cao trào đấu tranh dân chủ 1936- 1939 đã giác ngộ hàng triệu quần chúng, xây dựng được lực lượng chính trị đông đảo, chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940-1945.

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố tàn khốc, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Năm 1940, Nhật vào Đông Dương, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Các Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939), lần thứ 7 (11/1940) chủ trương đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã hoàn chỉnh đường lối chỉ đạo chiến lược, đề cao hơn nữa vấn đề dân tộc, chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết hết thảy mọi người Việt Nam yêu nước, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Trên cơ sở chuyển hướng chiến lược ấy, Đảng ta từng bước bắt tay chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Về lực lượng chính trị, Đảng phát triển mạnh mẽ các tổ chức “cứu quốc”, bố trí trên mọi địa bàn, tạo nên thế đứng vững chắc để khi thời cơ xuất hiện có thể khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định. Hội nghị Thường vụ Trung ương tháng 2/1943 chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng chính trị ở các thành phố, đặc biệt trong công nhân. Cũng năm 1943, Đảng công bố Đề cương văn hóa Việt Nam nêu lên những nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa, tập hợp văn nghệ sĩ và trí thức vào Hội văn hóa cứu quốc theo cùng mục tiêu giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng. Về lực lượng vũ trang, Đảng duy trì đội du kích Bắc Sơn, phát triển thành Cứu quốc quân, hoạt động ở vùng căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Từ các đội tự vệ ở Cao Bằng, ngày 22/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Đảng ra bản Chỉ thị lịch sử: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945) phát động phong trào kháng Nhật cứu nước trên toàn quốc. Khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, các chiến khu, căn cứ địa được đẩy mạnh xây dựng. Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương triệu tập ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) “đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ cần kíp khác”, theo đó, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân được thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Phong trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, làm lung lay nền thống trị của quân phiệt Nhật và tay sai.

Nắm bắt thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (từ ngày 14 đến 15/8/1945) đã kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội Quốc dân được triệu tập, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày (từ ngày 14 đến 28/8/1945), chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng ngàn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang tài tình của Đảng, phát triển và làm phong phú lý luận cách mạng giải phóng dân tộc. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (6).

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.109.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, T.10, tr.127.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.1, tr.416.

(4) Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) đã quyết định lấy ngày 3 tháng 2 hằng năm là ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

(5) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội , 1975, tr.39.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr.159.