02. Đảng lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc (1945 - 1954)

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

(Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.66)

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền cách mạng mới ra đời chưa có thời gian củng cố, đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, thách thức của “giặc đói”, “giặc dốt”, nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm. Lúc này kẻ thù dân tộc vừa nhiều về số lượng, vừa nham hiểm về dã tâm, được ngụy trang bằng nhiều hình thức khác nhau, mặc dù có những ý đồ riêng để trục lợi, nhưng lại thống nhất cao trong mục tiêu tiêu diệt Đảng Cộng sản, thủ tiêu chính quyền nhân dân.

Để giữ vững thành quả cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp khôn khéo. Ngày 11/11/1945, Đảng ra tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là Đảng rút vào bí mật để bảo vệ Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, Đảng vẫn giữ vững hệ thống tổ chức. Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về “Kháng chiến kiến quốc”. Bản chỉ thị xác định rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”, nhiệm vụ cơ bản lúc này là củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Nhiệm vụ bao trùm là bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng.

Thực hiện chủ trương đó, Đảng ta đã bắt tay giải quyết những khó khăn cấp bách trước mắt của đời sống nhân dân, tăng cường thực lực cách mạng trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Sức mạnh đoàn kết của nhân dân chung quanh Đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng thể hiện trong “Tuần lễ vàng”, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6/1/1946, ở các phong trào “diệt giặc đói” và “diệt giặc dốt” v.v.. Để đối phó với âm mưu nham hiểm của kẻ thù, Đảng đã có đối sách thích hợp với từng kẻ thù: từ 2/9/1945 đến 6/3/1946 kiên quyết phát động kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và thực hiện sách lược nhân nhượng có nguyên tắc với quân Tưởng ở miền Bắc. Từ 6/3/1946, khi tình hình thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ thực hiện hòa hoãn với Pháp để gạt quân Tưởng. Tiếp đó, ký bản Tạm ước 14/9/1946 nhằm cố gắng vãn hồi nền hòa bình và tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cho một cuộc toàn quốc kháng chiến mà Đảng ta biết khó có thể tránh khỏi.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”(1).

Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cả nước đứng lên chống Pháp kiên cường, anh dũng. Ngày 12/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị toàn dân kháng chiến xác định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng đã nhanh chóng tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân. Với chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, chẳng những giữ vững và phát triển căn cứ địa kháng chiến, mà còn làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp”. Cuộc kháng chiến được đẩy lên một bước cao hơn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự. Chính quyền nhân dân tiếp tục được củng cố. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng. Trong lò lửa kháng chiến, Đảng đã tuyển chọn được một đội ngũ đông đảo công nhân, nông dân, trí thức cách mạng ưu tú kết nạp vào Đảng. Năm 1949, Đảng có hơn 70 vạn đảng viên. Quân đội trưởng thành nhanh chóng từng bước tiến lên xây dựng các đại đoàn, tiến dần từ du kích chiến lên du kích vận động chiến, rồi vận động chiến. Nền kinh tế kháng chiến được củng cố, đảm bảo nhu cầu kháng chiến và đời sống nhân dân, những mầm mống nền kinh tế của chế độ mới được xây dựng. Mặt trận ngoại giao thu nhiều thắng lợi: ngày 18/1/1950, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Chính phủ đầu tiên công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, Chính phủ Liên Xô, Chính phủ các nước Đông Âu và Chính phủ các nước Triều Tiên, Mông Cổ đã công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta ngày càng được nhân loại tiến bộ ủng hộ, tình đoàn kết giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương được củng cố, từng bước hình thành nên chiến trường chung.

Ngày 21/1/1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng khai mạc, đề ra 10 nhiệm vụ công tác trong năm 1950, chủ trương đưa chiến tranh chính quy lên ngang với chiến tranh du kích, làm phá sản kế hoạch Revair (Kế hoạch của thực dân Pháp đề ra từ năm 1949, nhằm tập trung nỗ lực giữ vững Bắc bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng, bao vây căn cứ địa Việt Bắc và tăng cường phòng thủ có trọng điểm tuyến biên giới). Trên cơ sở thế và lực được nâng lên, Thu - Đông 1950, Đảng ta chủ động mở Chiến dịch Biên giới phá tan vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ngày càng phát triển, đẩy thực dân Pháp và can thiệp Mỹ vào thế bị động, lúng túng. Với chiến thắng Hòa Bình (1951), kế hoạch De Lattre de Tassigny (Kế hoạch của thực dân Pháp được Mỹ tiếp sức, chủ trương giữ vững Đông Dương, tập trung lực lượng phòng ngự và bình định đồng bằng Bắc bộ, đồng thời tăng cường lực lượng, chuẩn bị phản công giành lại quyền chủ động chiến lược đã bị mất trên chiến trường Bắc bộ) bị phá sản.

Từ ngày 11 đến 19/2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Đại hội đã tổng kết quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới. Đại hội bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, các Hội nghị Trung ương lần 1 (3/1951), lần 2 (từ ngày 27/9 đến 5/10/1951), lần 3 (5/1952), lần 4 (1/1953), lần 5 (11/1953) đã quyết định nhiều vấn đề cụ thể để thúc đẩy cuộc kháng chiến. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất chủ trương thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, Hội nghị Trung ương lần thứ 4 đưa ra Dự thảo cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất và được Hội nghị lần thứ 5 thông qua. Với các chiến thắng ở Tây Bắc, Thượng Lào, đồng bằng Bắc bộ, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, thế chủ động trên chiến trường của ta được giữ vững. Các mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao tiếp tục phát triển. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương nhằm phá tan kế hoạch Navarre của địch (Kế hoạch quân sự Navarre là cố gắng cao nhất của Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương, với hy vọng “chuyển bại thành thắng”, bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng). Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(1).

Phát huy thắng lợi trên chiến trường, với tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn chấm dứt chiến tranh, nêu cao lập trường chính nghĩa, Đảng chủ trương đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao để có thể đi tới kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp hòa bình. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneve về Đông Dương được khai mạc. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thắng lợi. Đánh giá về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”(3).

(1)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 4, Hà Nội, 1995, tr.480.

(2)   Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.90.

(3)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, Hà Nội, 1996, tr.12.