03. ĐẢNG LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG XHCN Ở MIỀN BẮC VÀ CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ NHÂN DÂN Ở MIỀN NAM (1954-1975)
“Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
(Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10/5/1969)
Sau Hiệp định Geneve, đất nước tạm thời chia làm hai miền, phải thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau: miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (từ ngày 15 đến 18/7/1954) đã đánh giá tình hình và chuyển hướng trong đường lối. Hội nghị Bộ Chính trị ngày 5/9/1954 đã cụ thể hóa và bổ sung nhiều quyết sách về khôi phục kinh tế và hoàn thành nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Bắc. Thực hiện chủ trương đó, miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế, trọng tâm là kinh tế nông nghiệp, đồng thời tiến hành cải cách ruộng đất, xóa bỏ quan hệ bóc lột phong kiến, đem lại quyền làm chủ cho nông dân ở nông thôn. Đến 1957, nền kinh tế miền Bắc được phục hồi vượt mức cao nhất dưới thời Pháp thống trị (1939). Trong quá trình cải cách ruộng đất, Đảng đã phát hiện sai lầm, đến tháng 4/1956 có chỉ thị sửa chữa, đến cuối 1957, công tác sửa sai đạt kết quả tốt, nông thôn miền Bắc dần ổn định, lòng tin của quần chúng đối với Đảng được khôi phục.
Sau khi thu được những kết quả quan trọng trong khôi phục kinh tế, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (11/1958) đã vạch ra kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hóa. Việc cải tạo xã hội chủ nghĩa được tiến hành đối với tất cả các thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và kinh tế tư bản tư doanh. Đến 1960, nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa căn bản hoàn thành. Từ ngày 18 đến 31/12/1959, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã nhất trí thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những năm 1958-1960, nền kinh tế miền Bắc có những chuyển biến đáng kể, văn hóa, giáo dục, y tế được phát triển, làm thay đổi một bước diện mạo miền Bắc.
Ở miền Nam, Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva và giữ gìn lực lượng trước sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 6/1956 đã khẳng định một hướng đấu tranh mới: kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang tự vệ. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn ở miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo “Đề cương đường lối cách mạng miền Nam”. Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 15 và sau đó ra Nghị quyết 15 xác định những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng miền Nam, khẳng định “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Nghị quyết 15 mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, xoay chuyển tình thế, dẫn đến phong trào “đồng khởi” đẩy nền thống trị của Mỹ - Diệm vào tình trạng khủng hoảng. Từ trong phong trào đồng khởi, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, đưa ra chương trình hành động tập hợp các lực lượng cách mạng đấu tranh cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần chuyển sang chiến tranh cách mạng.
Từ ngày 5 đến 10/9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập tại Hà Nội. Đại hội đã xác định hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc, vị trí của mỗi miền trong sự nghiệp cách mạng chung, hoạch định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đại hội đã bầu lại đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ sau Đại hội III của Đảng, miền Bắc bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Để cụ thể hóa đường lối Đại hội III về xây dựng kinh tế, Trung ương Đảng đã liên tiếp mở các hội nghị toàn thể Ban Chấp hành để bàn về phát triển nông nghiệp (Hội nghị lần thứ 5, 7-1961), về phát triển công nghiệp (Hội nghị lần thứ 7, 6/1962), về kế hoạch nhà nước (Hội nghị lần thứ 8, 4/1963), về lưu thông, phân phối và giá cả (Hội nghị lần thứ 10, 12/1964). Nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã đề ra một số chủ trương xây dựng Đảng, mở đợt sinh hoạt chính trị mùa xuân 1961, cải tiến công tác giáo dục lý luận và chính trị của Đảng (3/1962), mở cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ “bốn tốt” (6/1962) v.v.. Từ 1961-1965, 30 vạn đảng viên mới được kết nạp, tổ chức Đảng các cấp được tăng cường. Trong 5 năm 1961-1965, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc đạt được nhiều thành tựu quan trọng: quan hệ sản xuất mới tiếp tục được củng cố, cơ sở vật chất được tăng cường, bước đầu có sự tìm tòi cải tiến cung cách làm ăn qua các cuộc vận động “ba xây, ba chống” và “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật”, giáo dục văn hóa, y tế phát triển mạnh mẽ, sức mạnh của Đảng và chính quyền nhân dân được củng cố, có đóng góp vào đấu tranh bảo vệ đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chống chủ nghĩa xét lại. Từ ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Đến cuối năm 1964, miền Bắc đã hoàn thành những mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm (1961-1965). Đánh giá những chuyển biến của miền Bắc, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (27/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”(1).
Ở miền Nam, chủ trương của Đảng là nâng dần mức độ đấu tranh vũ trang, nhưng vẫn hết sức coi trọng đấu tranh chính trị. Ngày 16/2/1962, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam họp Đại hội lần thứ nhất, bầu ra Ủy ban Trung ương chính thức của Mặt trận. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng miền Nam đã giữ vững và phát triển mạnh mẽ, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Các biện pháp bình định bằng quốc sách “ấp chiến lược” và các cố gắng về quân sự của địch đều bị phá sản. Từ những thắng lợi đó, tháng 11/1964, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ II, động viên nhân dân trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đại hội nhất trí bầu lại luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trước sự phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển sang “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và gây chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Trước tình hình mới, Hội nghị lần thứ 11 (3/1965) và 12 (12/1965) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu sâu sắc, toàn diện tình hình, đánh giá mặc dù Mỹ tham chiến nhưng tương quan so sánh lực lượng không thay đổi lớn. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Giữ vững thế tiến công, quân và dân miền Nam tập trung đánh bại các cuộc hành quân mùa khô (1965-1966 và 1966-1967), đặc biệt với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Paris, tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản. Ngày 20/4/1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam được thành lập, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ, cứu nước. Ở miền Bắc, Đảng thực hiện chuyển hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội từ thời bình sang thời chiến, do điều kiện có chiến tranh phá hoại. Quân dân miền Bắc đã vượt qua được thử thách nghiêm trọng của chiến tranh phá hoại, chi viện có hiệu quả cho cách mạng miền Nam, bảo đảm nhu cầu cuộc sống nhân dân miền Bắc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Từ cuối 1968, miền Bắc tiến hành khắc phục hậu quả của chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khôi phục và phát triển một bước nền kinh tế quốc dân để ổn định đời sống nhân dân và chi viện cho miền Nam. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Người đã để lại bản Di chúc lịch sử, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, lực lượng cách mạng từng bước phục hồi, trong những năm 1971, 1972 tiếp tục mở các cuộc tiến công quân sự tạo thế cho việc đàm phán ở Paris, giữ vững độc lập tự chủ trong đấu tranh ngoại giao, tạo nên tình thế “vừa đánh, vừa đàm”. Thắng lợi trong việc bảo vệ miền Bắc trước cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ hai của đế quốc Mỹ, đặc biệt là chiến thắng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
Sau Hiệp định Paris, trong điều kiện bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Ban Chấp hành Trung ương đã có nhiều hội nghị bàn các vấn đề cụ thể của cách mạng hai miền Nam - Bắc: Hội nghị lần thứ 21 (7/1973) bàn về phương hướng và nhiệm vụ cách mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 22 (12/1973) bàn về khôi phục kinh tế miền Bắc, Hội nghị lần thứ 23 (12/1974) về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng... Miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế nhằm bảo đảm nhu cầu nâng cao đời sống nhân dân và chi viện có hiệu quả về sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Nắm vững quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, quân và dân miền Nam tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng, giữ vững thế tiến công, đẩy chế độ ngụy quyền Sài Gòn vào thế bị động, lúng túng. Vào giữa năm 1974, tình thế mới xuất hiện trên chiến trường miền Nam khi so sánh thế và lực đang thay đổi có lợi cho cách mạng, các hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng vào tháng 10/1974 và tháng 1/1975 đã quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976 và dự kiến nếu thời cơ thuận lợi sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột (10, 11/3/1975), biến thắng lợi chiến dịch thành thắng lợi chiến lược. Toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng. Sau Chiến dịch Tây Nguyên, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 24/3/1975 xác định thời cơ chiến lược lớn đã tới, nêu quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian sớm hơn. Theo dõi sát diễn biến chiến trường, Bộ Chính trị đã có các quyết định chính xác để lãnh đạo quân và dân ta nắm chắc thời cơ giải phóng miền Nam. Ngày 26/3/1975 giải phóng Huế, 29/3/1975 giải phóng Đà Nẵng. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn đã tới, quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước một lần nữa ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước, bảo vệ và phát triển những thành tựu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành thống nhất đất nước.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, T.10, tr.224.