04. ĐẢNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT VÀ XHCN (1975-1986)
“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời là thành quả vĩ đại của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta. Đó là một nước Việt Nam có lịch sử hết sức vẻ vang, có nền móng vững chắc, có tài nguyên phong phú, có tiềm lực dồi dào, có khả năng to lớn, có tiền đồ xán lạn”...
(Trích Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ IV)
Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam: thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24, khóa III (9/1975) chủ trương hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước (Quốc hội khóa VI) ngày 25/4/1976 với 23 triệu cử tri (chiếm 98,8% cử tri cả nước) đi bỏ phiếu. Từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội để bầu các chức vụ cao cấp của Nhà nước và quyết định đổi tên nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô là Hà Nội, thành phố Sài Gòn - Gia Định được đổi thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 14 đến 20/12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã họp tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá ý nghĩa thắng lợi và những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại hội đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hướng vào mục tiêu xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực hiện đường lối của Đại hội IV, cả nước sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm khôi phục và phát triển kinh tế (1976-1980). Miền Nam tiến hành công cuộc cải tạo các thành phần kinh tế, xác lập ưu thế tuyệt đối của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa với hai hình thức quốc doanh và tập thể. Miền Bắc đẩy mạnh nhiệm vụ củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, nhân dân Việt Nam lại phải chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của tập đoàn Pol Pot (Campuchia) ở biên giới Tây Nam, bảo vệ Tổ quốc và cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng (1975-1979) và hồi sinh đất nước, tiếp đó giành chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền ở biên giới phía Bắc từ 17/2 đến 18/3/1979 và kéo dài đến năm 1989, đặc biệt là mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 12/7/1984. Với những hậu quả nặng nề của chiến tranh, những khó khăn thử thách mới phát sinh, nhất là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề, cùng với những sai lầm khuyết điểm chủ quan nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, chậm chuyển đổi cơ chế quản lý, đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội vào cuối những năm 1970. Mục tiêu Đại hội IV đề ra 21 triệu tấn lương thực/năm, nhưng trong những năm 1976-1980 chỉ đạt 13,4 triệu tấn/năm. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm chỉ đạt 0,4%.
Để vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thắn đánh giá tình hình và tìm phương hướng khắc phục. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (8/1979) đã chủ trương “Phải sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, nhất là chính sách về lưu thông, phân phối, nhằm làm cho sản xuất bung ra”. Có thể coi đây là chủ trương khởi đầu của quá trình tìm tòi con đường Đổi mới ở Việt Nam.
Ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI kỳ họp thứ 7 đã thông qua Hiến pháp mới. Hiến pháp 1980 đã thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đảng và Chính phủ chú trọng nghiên cứu lý luận, khoa học quản lý kinh tế - xã hội và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương, cơ sở để có những chính sách phù hợp. Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TƯ về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Ngày 21/1/1981, Chính phủ có Quyết định 25/CP và 26/ CP về xây dựng kế hoạch 3 phần, bước đầu đề cao tinh thần tự chủ, năng động của người quản lý và người lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Đó là những bước đi quan trọng trong đổi mới cơ chế quản lý và của quá trình đổi mới từng phần để đi tới đổi mới đồng bộ và toàn diện.
Từ 27 đến 31/3/1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở Hà Nội. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Đại hội V của Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, điều chỉnh bước đi và quy mô của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Đại hội cũng xác định nước ta đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Sau Đại hội V, các ngành kinh tế, các địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh sôi nổi trong đổi mới cơ chế quản lý và tìm tòi cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống người lao động. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa V (7/1984) bàn về nhiệm vụ cấp bách trong cải tiến quản lý kinh tế. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) họp tháng 6/1985 đã cho rằng “Phải dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ và hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa thì mới đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh có hiệu quả”.
Hội nghị coi xóa bỏ quan liêu bao cấp trong giá và lương là khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa V (6/1986) đã đánh giá tình hình sau cuộc điều chỉnh giá - lương - tiền (9/1985) và khẳng định chính thức đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Ngày 10/7/1986, đồng chí Lê Duẩn từ trần. Ngày 14/7/1986, Trung ương Đảng họp và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (11/1986) đã hoàn tất những công việc chuẩn bị văn kiện trình Đại hội VI của Đảng.
Với những bước đi đổi mới từng phần theo những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những sáng kiến, sự năng động, sáng tạo của nhân dân của các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam những năm 1981- 1985 có bước phát triển khá. Sản lượng lương thực bình quân mỗi năm đạt 17 triệu tấn, sản lượng công nghiệp tăng bình quân 9,5%/năm. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hàng năm là 6,4%. Cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội được xây dựng đáng kể với hàng trăm công trình tự động hóa và hàng nghìn công trình vừa và nhỏ, trong đó có những cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi măng, cơ khí, dệt, giao thông. Về năng lực sản xuất, đã tăng thêm 456.000 kW điện, 2,5 triệu tấn than, 2,4 triệu tấn xi măng, 33 nghìn tấn sợi, 58 nghìn tấn giấy, thêm 309 nghìn ha được tưới nước, 186 nghìn ha được tiêu úng. Độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia được giữ vững. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn có nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế - xã hội vẫn trầm trọng. Tình hình đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm đổi mới toàn diện và triệt để thể hiện trong đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra (12/1986).