2. Các tổ chức Công hội sơ khai ở Việt Nam trước năm 1925
Năm 1921, đồng chí Tôn Đức Thắng bắt tay vào cuộc vận động thành lập Công hội Ba Son. Mục đích của hội là: Đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản. Công hội đỏ đã trở thành linh hồn của phong trào bãi công của công nhân Ba Son, Sài Gòn-Chợ Lớn vào những năm 1920-1925, mà điển hình là cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8 năm 1925. Cuộc bãi công này ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Thượng Hải, Trung Quốc. Vì thế đây là cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân ta mang tính chính trị quốc tế.
Ngoài tổ chức Công hội Đỏ do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập, còn có Liên đoàn công nhân lái tàu trên các bến Viễn Đông (gọi tắt là Hải viên công hội). Tôn chỉ, mục đích của hội là “Mưu lợi ích và giúp đỡ anh em lao động Hải viên, đòi những điều kiện cần thiết cho anh em lao động Hải viên, đoàn kết toàn thể anh chị em lao động”. Hải viên công hội đã thu hút phần lớn các thuỷ thủ Việt Nam làm trên những con tàu chạy từ Pháp qua Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác.
Khoảng năm 1922, trên tàu biển của hãng hàng hải Pháp có hàng nghìn thủy thủ Việt Nam tổ chức Hội ái hữu để tương trợ giúp đỡ nhau khi xa quê hương. Thủy thủ người Pháp và người Việt Nam trên các con tàu chạy từ Pháp đến Việt Nam đã liên lạc với một bộ phận công nhân Việt Nam trên đất liền Sài Gòn-Chợ Lớn. Trong cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi đấu tranh của thủy thủ trên 8 tàu buôn Pháp đậu tại Cảng Sài Gòn năm 1922 đã nêu khẩu hiệu “Công đoàn muôn năm”. Sài Gòn-Chợ Lớn đã hưởng ứng khẩu hiệu đó và cùng nhau bí mật tổ chức ra Hội tương tế, ái hữu của mình.
Khác với công đoàn ở các nước dân chủ tư sản, các tổ chức công đoàn sơ khai ở Việt Nam ngay từ khi ra đời đã phải hoạt động bí mật. Song, bằng nhiều biện pháp khôn khéo các tổ chức này đã gắn bó mật thiết với công nhân, lao động góp phần rút ngắn giai đoạn đấu tranh “tự phát” của phong trào công nhân Việt Nam.