2. Khái quát về lịch sử Vương quốc Hà Lan

1384-1482:  Vùng đất Thấp (Low Countries, gồm Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và phía Bắc nước Pháp ngày nay) do nhà Burgundy (Pháp) cai quản. Năm 1482, Vùng đất Thấp rơi vào tay nhà Habsburg của Áo, gọi là Habsburg Netherlands. Năm 1543-1581, vùng đất Mười bảy Tỉnh ra đời theo Hiệp ước Venlo. Năm 1568, Hoàng tử William (nhà Orange) lãnh đạo các tỉnh phía bắc đứng lên chống lại ách thống trị của vua Philip II (Tây Ban Nha), mở đầu giai đoạn “chiến tranh 80 năm” (1568-1648). 

Thế kỷ XVII:  Kỷ nguyên vàng (Gold Age) phát triển rực rỡ của Hà Lan. Hà Lan dẫn đầu thế giới về thương mại, công nghiệp, nghệ thuật, khoa học và quân sự; đội thương thuyền thống trị thế giới và thuộc địa rộng lớn; trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới. Năm 1602, Công ty Đông Ấn Hà Lan ra đời, là tập đoàn đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và là tập đoàn thương mại lớn nhất thế giới trong thế kỷ XVII. Năm 1621, Hà Lan lập Công ty Tây Ấn. Đông Ấn đã giúp Hà Lan thống trị thị trường Châu Á trong hai thế kỷ. Amsterdam, Utrecht và Rotterdam trở thành các thành phố cảng thương mại quan trọng.

1795-1806: Cộng hòa Batavia ra đời trên cơ sở lật đổ Cộng hòa Hà Lan do Cộng hòa Pháp hỗ trợ vũ trang. Batavia trở thành quốc gia phụ thuộc vào Pháp (client state). Vương quốc Hà Lan (ra đời năm 1806) giải thể năm 1810 và sáp nhập vào Pháp đến năm 1813. Vương quốc Hà Lan giai đoạn này gồm lãnh thổ Hà Lan ngày nay (trừ Limburg, một số phần của Zeeland, thêm phần Đông Frisia ngày nay thuộc Đức).

1813:  Trong cuộc chiến Napoleon, quân Phổ và Nga đã giải phóng Hà Lan khỏi Pháp. Vùng đất Độc lập Thống nhất Hà Lan ra đời (Sovereign Principality of the United Netherlands) do Thái tử nhà Orange-Nassau William Frededrick trị vì. Hội nghị Vienna quyết định Pháp phải từ bỏ quyền cai trị Nam Netherlands. Ngày 16/3/1815, Thái tử William tuyên bố lập Vương quốc Hà Lan với tên hiệu Vua William I (vị vua đầu tiên của Vương quốc Hà Lan ngày nay) và lãnh thổ gồm Cộng hòa Bảy tỉnh Thống nhất Hà Lan trước đây ở phía bắc, vùng Austrian/Southern Netherlands ở phía nam (trừ vùng Flanders vẫn thuộc Pháp) và vùng Liège. Công quốc Luxembourg tự trị và thuộc Liên bang Đức (German Confederation).

1830:  Các tỉnh phía nam (vùng Austrian/Southern Netherlands) nổi dậy lập ra Vương quốc Bỉ trung lập, theo Công giáo và nói tiếng Pháp. Năm 1839, Hiệp ước London công nhận quy chế độc lập hoàn toàn của Đại Công quốc Luxembourg và liên minh cá nhân với vua Hà Lan. Năm 1890, Hà Lan từ bỏ liên minh cá nhân đối với Luxembourg sau khi vua William III qua đời.

1914-1918, 1939-1945:  Hà Lan tuyên bố trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, dù Đức xâm lược Bỉ và gây chiến ở các nước xung quanh. Hà Lan cũng tuyên bố trung lập trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) và đất nước bị tàn phá nặng nề khi chiến tranh kết thúc.

Thập niên 60-90: Đời sống văn hóa xã hội của các nước phương Tây và Hà Lan biến động sâu sắc, dẫn đến sự thay đổi lớn về nữ quyền, kinh tế, môi trường... Thập niên 80 và 90, Hà Lan chứng kiến dòng người di cư mạnh mẽ vào tìm việc làm, dẫn đến sự đa dạng về ẩm thực, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Những năm 1990, Hà Lan tiến hành cải cách hệ thống an sinh xã hội, cắt giảm chi tiêu công. Trong khuôn khổ EU, Hà Lan ủng hộ mạnh mẽ một ngân hàng trung ương Châu Âu độc lập, lạm phát thấp và đồng tiền ổn định.

Từ năm 2000 đến nay: Chính trị Hà Lan chủ yếu tranh luận về hội nhập của lao động di cư vào xã hội. Hà Lan tiếp tục phát triển thịnh vượng và trở thành một trong những nước đáng sống nhất thế giới. 

[Nguồn: Bộ Ngoại giao]