2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng Nhật Bản

Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản trải qua các giai đoạn: nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay). Hiện tại Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới.

Từ tháng 10/2021, Thủ tướng Kishida Fumio lên nắm quyền sau khi đắc cử Chủ tịch đảng LDP (30/9/2021). Liên minh cầm quyền LDP và Công Minh giành thắng lợi tại bầu cử Hạ viện (31/10/2021) và Thượng viện (10/7/2022). Về chính sách, Thủ tướng Kishida nêu các ưu tiên: (i) phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêm phòng[1] và cải thiện hệ thống y tế; (ii) thực hiện “chủ nghĩa tư bản kiểu mới” với 02 trục song hành là Chiến lược tăng trưởng[2] Chiến lược phân phối[3]; (iii) tăng cường thể chế bảo đảm an toàn người dân và an ninh quốc gia, sửa đổi các văn kiện quan trọng về chiến lược an ninh để tăng cường cơ bản sức mạnh phòng thủ trong năm 2022; (iv) thúc đẩy chính sách an ninh kinh tế; (v) ứng phó với tình trạng vật giá gia tăng.

Năm 2020, kinh tế lần đầu sau bốn năm rưỡi rơi vào suy thoái (GDP giảm 4,5%, mức giảm cao nhất kể từ năm 1995). Năm 2021, Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% dù có tới 02 Quý tăng trưởng âm; kim ngạch thương mại đạt 167.658 tỷ yên (xuất khẩu đạt 83.093 tỷ yên[4], tăng 21,5% và nhập khẩu đạt 84.565 tỷ yên[5], tăng 24,3%). Từ đầu năm 2022, đà tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 mới, xung đột Nga - Ukraine, vật giá gia tăng, đồng yên giảm mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ[6]. Chính phủ hạ dự báo tăng trưởng GDP thực năm 2022 xuống 2%, nâng dự báo lạm phát từ 0,9% lên 2,6%.

  Ngân sách năm tài khóa 2022 là 107.596 tỷ yên (940 tỷ USD), cao kỷ lục, tăng năm thứ 10 liên tiếp; tập trung các khoản chi an sinh xã hội với 36.273 tỷ yên, quốc phòng 5.368 tỷ yên, dự phòng quỹ Covid-19 5.000 tỷ yên… Ngân hàng Trung ương giữ nguyên chính sách tài chính siêu lỏng.

Về an ninh quốc phòng, sửa đổi 03 văn kiện quan trọng trong năm 2022 gồm: Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược phòng vệ quốc gia và Kế hoạch trang bị phòng vệ; một số điểm đáng chú ý như sở hữu năng lực phản công, tăng ngân sách quốc phòng, đầu tư mạnh cho trang bị năng lực phòng vệ tầm xa.

Dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội của Nhật Bản. Tính đến nay, trên toàn Nhật Bản có 29.798.835 ca nhiễm, 58.496 ca tử vong, 67% dân số đã tiêm 3 mũi (tính đến 5/1/2023). Giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã ban hành các gói ứng phó khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử, tổng trị giá khoảng 3.000 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp, bảo vệ công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống của người dân (bao gồm cả người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản), cải thiện hệ thống y tế, an sinh xã hội, phát triển thuốc/vắc-xin điều trị... Trong các gói ứng phó khẩn cấp nêu trên, Chính phủ Nhật Bản dành 220 tỷ yên (2 tỷ USD) hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sản xuất trở lại trong nước và 23,5 tỷ yên (0,2 tỷ USD) hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa sản xuất sang nước thứ 3.


[1] Tính đến tháng 8/2022 có 81% dân số đã tiêm 3 mũi (81 triệu người) và 20% trẻ em từ 5-11 tuổi đã tiêm 2 mũi  (1,5 triệu người).

[2] Thúc đẩy các chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, số hóa, đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như xanh hóa, trí tuệ nhân tạo, lượng tử, sinh học… thực hiện xây dựng quốc gia khoa học kỹ thuật; thúc đẩy số hóa, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và địa phương nhằm thực hiện sáng kiến “quốc gia đô thị điền viên kỹ thuật số”; chú trọng an ninh kinh tế, thúc đẩy các biện pháp ngăn ngừa rò rỉ công nghệ, bảo đảm tự chủ vật tư và công nghệ chiến lược; xây dựng chế độ thuế và chính sách an sinh xã hội nhằm thực hiện chế độ bảo hiểm cho tất cả người lao động.

[3](i) tăng cường phân phối thu nhập cho người lao động, bảo đảm phân phối cân bằng thành quả kinh tế giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ (tăng lương, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp…), tăng cường thể chế và cải thiện môi trường thông qua đầu tư nhân lực, đào tạo khởi nghiệp; (ii) tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu, có chính sách giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm; (iii) xem xét lại căn bản đãi ngộ khu vực công, hướng tới tăng thu nhập cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên, giáo viên mầm non và mẫu giáo; (iv) thúc đẩy khoa học công nghệ, đảm bảo an ninh kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng trọng điểm. 

[4] Các nhóm hàng tăng mạnh gồm: sắt thép (48%), ô tô (11,9%), thiết bị sản xuất chất bán dẫn (33%).

[5] Các nhóm hàng tăng mạnh gồm: dầu thô (49%), phi kim (64,3%), khí tự nhiên (33%).

[6] Tỷ giá của đồng yên so với đồng USD rẻ nhất  kể từ năm 1998 với mức 1 USD đổi 139,2 yên vào ngày 14/7 và tiếp tục mất giá.

[Nguồn: Bộ Ngoại giao]