3. Thể chế nhà nước và đảng phái chính trị Vương quốc Hà Lan

1. Thể chế nhà nước:

Hiến pháp hoàn chỉnh đầu tiên của Hà Lan có giá trị toàn quốc ra đời năm 1579. Hiến pháp hiện nay của Hà Lan kế thừa Hiến pháp năm 1815, được sửa đổi nhiều lần. Năm 1983, Hiến pháp được viết lại hoàn toàn mới, hủy bỏ và bổ sung nhiều điều khoản. Hiến pháp là nền tảng pháp lý của Hà Lan, quy định những nguyên tắc chính của nhà nước Hà Lan gồm: chế độ quân chủ; nền dân chủ thông qua đại diện; chế độ pháp quyền và phi tập trung hoá. Hà Lan không có Tòa án Hiến pháp.

Theo Hiến pháp, Hà Lan xây dựng chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1815 và dân chủ nghị viện từ năm 1848. Đặc trưng chính trị của Hà Lan là chia sẻ quyền lực và đồng thuận: Hiến pháp quy định Quốc hội và Chính phủ (nhà vua và nội các) chia sẻ quyền lập pháp; tất cả dự án luật phải tham khảo Hội đồng Nhà nước do Hoàng gia đứng đầu; Chính phủ thực thi quyền hành pháp và Hội đồng Kinh tế - Xã hội có quyền đặc biệt thông qua và thực thi luật liên quan đến nông nghiệp; quyền tư pháp được chia thành hai hệ thống tòa án: Tòa án Tối cao độc lập là tòa án dân sự và hình sự cao nhất, Hội đồng Nhà nước là tòa án hành chính cao nhất. Năm 2015, tờ Economist (Anh) bình chọn Hà Lan là nước đứng thứ 10 trên thế giới về dân chủ.

Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu hoàng gia Hà Lan, hiện nay là vua Willem-Alexander (nhà Orange-Nassau) lên ngôi ngày 30/4/2013. Vương triều hiện nay ra đời từ năm 1813. Nhà vua có vai trò lập chính phủ mới và lập pháp (cùng ký để hiệu lực hóa các luật). Trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng, Nhà vua/Nữ hoàng ra quyết định giải tán nội các. Sau khi tham vấn Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và lãnh đạo tất cả các đảng ở Hạ viện, Nhà vua/Nữ hoàng bổ nhiệm nhà thương thuyết (informateur) chủ trì thương lượng giữa các đảng để lập liên minh nội các. Khi thương lượng thành công, Nhà vua/Nữ hoàng bổ nhiệm ứng viên Thủ tướng (formateur, thường là lãnh đạo đảng lớn nhất trong liên minh tương lai) đứng ra đàm phán với các đảng để lập liên minh nội các. Sau khi lập nội các mới, Nhà vua/Nữ hoàng bổ nhiệm các Bộ trưởng. Nhà vua/Nữ hoàng là thành viên Chính phủ, tuy nhiên, các Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm về hoạt động của Chính phủ. Nhà vua/Nữ hoàng có trách nhiệm đọc các bài phát biểu hàng năm, khai mạc Quốc hội và thông qua kế hoạch năm của Chính phủ vào ngày thứ ba tuần thứ ba của tháng 9.

Hoàng gia giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (gồm các thành viên hoàng gia và các nhân vật có kinh nghiệm chính trị, thương mại, ngoại giao hoặc quân sự do hoàng gia bổ nhiệm) tư vấn cho Chính phủ về hiến pháp và tư pháp. Các dự án luật của Chính phủ đều phải được Hội đồng Nhà nước tư vấn.

Về lập pháp, Quốc hội Hà Lan gồm hai viện: Thượng viện (First Chamber hay Senate) gồm 75 thành viên do các thành viên Hội đồng 12 tỉnh bầu nhiệm kỳ 04 năm (diễn ra 03 tháng sau bầu cử hội đồng tỉnh) theo hình thức tỉ lệ đại diện danh sách đảng (party-list proportional representation). Nghị sỹ Thượng viện thường là chính trị gia về hưu hoặc kiêm nhiệm việc khác. Thượng viện họp 01 tuần/lần. Thượng viện có quyền đồng ý hoặc phản đối dự án luật, không có quyền sửa đổi hoặc đề xuất. Sau khi Hạ viện thông qua một dự án luật, dự án luật được gửi đến một Ủy ban Thượng viện để xem xét việc trình trực tiếp trước Thượng viện hoặc nghiên cứu trước khi trình. Thượng viện hiện nay được bầu ra ngày 26/5/2015 gồm 12 đảng, trong đó đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ cầm quyền VVD giữ 13 ghế, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo giữ 12 ghế, đảng Dân chủ D66 giữ 10 ghế; các đảng Tự do cực hữu PVV và đảng Xã hội SP giữ 09 ghế, còn lại là các đảng nhỏ khác. Hạ viện (Second Chamber hay House of Representatives) gồm 150 thành viên, bầu theo hình thức tỉ lệ đại diện danh sách đảng với nhiệm kỳ 04 năm. Hạ viện có trách nhiệm thảo luận các dự án luật và xem xét hoạt động của Chính phủ. Cả Chính phủ và Hạ viện đều có quyền đề xuất dự án luật. Nếu một dự án luật được đa số Hạ viện thông qua, dự án luật sẽ được trình lên Thượng viện. Hạ viện xem xét hoạt động của Chính phủ thông qua việc gửi các kiến nghị đến Chính phủ. Nghị sỹ Hạ viện không được phép là thành viên Chính phủ ngoại trừ trong giai đoạn nội các chuyển tiếp (caretaker cabinet). Hạ viện có trách nhiệm chọn vòng đầu tiên các ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao, bổ nhiệm Tổng Thanh tra (Ombudsman). Do hệ thống đa đảng của Hà Lan, từ năm 1900 đến nay, chưa một đảng đơn lẻ nào chiếm đa số Hạ viện. Hạ viện hiện nay ra đời sau cuộc tổng tuyển cử ngày 15/3/2017, gồm 13 đảng, trong đó đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ cầm quyền VVD giữ 33 ghế; đảng Tự do cực hữu PVVgiữ 20 ghế; các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDA và đảng Dân chủ D66 giữ 19 ghế; đảng Xanh GL và đảng Xã hội SP giữ 14 ghế, còn lại là các đảng nhỏ khác. 

Về hành pháp, Chính phủ gồm Nhà vua, Hội đồng Bộ trưởng (gồm các Bộ trưởng và Bộ trưởng không bộ) và Quốc vụ khanh (tương đương Thứ trưởng, chỉ có ở một số Bộ và không thuộc Hội đồng Bộ trưởng). Nhà vua không tham gia vào công việc hàng ngày của nội các, chỉ có vai trò lập hay giải thể Chính phủ. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu, là Bộ trưởng Bộ Các vấn đề chung (Ministry of General Affairs, gồm cả Văn phòng Chính phủ) có trách nhiệm điều phối chính sách chung của Chính phủ, hàng tuần báo cáo Nhà vua về hoạt động của Chính phủ. Bộ trưởng không được phép là thành viên Quốc hội. Hội đồng Bộ trưởng có quyền đề xuất luật và chính sách, họp vào thứ sáu hàng tuần do Thủ tướng chủ trì, trong đó Thủ tướng và các Bộ trưởng có quyền tranh luận ngang nhau. Khi một chính sách được Hội đồng thông qua, tất cả các thành viên Hội đồng phải có trách nhiệm tuân thủ và tuyên bố ủng hộ trước công chúng. Thông qua cơ chế hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, các quyết sách của Hà Lan đều đạt được đồng thuận rộng rãi. 

Từ năm 1945 đến nay, chưa có nội các nào chỉ gồm một đảng mà đều là liên minh đa đảng (nhiều nhất là 05 đảng và ít nhất là 02 đảng). Từ ngày 15-17/3/2021, Hà Lan tổ chức bầu cử Hạ viện với thắng lợi của đảng cầm quyền VVD (36/150 ghế), Đảng Dân chủ D66 giữ 27 ghế, Đảng Tự do PVV giữ 17 ghế, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo giữ 14 ghế, Đảng Lao động PvdA giữ 9 ghế, Đảng Diễn đàn Dân chủ FvD giữ 8 ghế, Đảng Xã hội SP giữ 8 ghế, Đảng xanh GroenLinks giữ 8 ghế và 07 đảng nhỏ khác chia nhau 23 ghế còn lại. Sau 217 ngày đàm phán, ngày 10/01/2022, Chính phủ Mark Rutte IV đã chính thức được thành lập, bao gồm Liên minh các đảng tương tự như Chính phủ Rutte III (VVD, CDA, D66 và ChristenUnie). Thành phần nội các mới bao gồm 29 lãnh đạo trong đó có  01 Thủ tướng, 03 Phó Thủ tướng; 28 Bộ trưởng và có tỷ lệ tương đồng về giới tính (50% nam - 50% nữ). Trong liên minh cầm quyền chỉ còn 4 gương mặt cũ từ liên minh Rutte III là Thủ tướng Mark Rutte, Bộ trưởng Sigrid Kaad, Bộ trưởng Hugo De Jonge, Bộ trưởng Wopke Hoekstra.

Về tư pháp, Hà Lan có Tòa án Tối cao (lập năm 1838, ra phán quyết cuối cùng về các vụ dân sự, hình sự và luật thuế, có 35 thẩm phán); 11 Tòa án địa phương toàn quốc (District Court, mỗi tòa gồm các phòng hành chính, dân sự, hình sự…); 04 Tòa Phúc thẩm (ở The Hague, Amsterdam, Arnhem-Leeuwarden và ‘s-Hertogenbosch, xử phúc thẩm các vụ của Tòa án địa phương); 03 Tòa án đặc biệt xử lý các vụ hành chính (Tòa Phúc thẩm Trung ương ở Utrecht xử các vụ dân sự và an sinh xã hội, Tòa Phúc thẩm Công nghiệp và Thương mại ở The Hague xử các vụ hành chính kinh tế - xã hội; Cơ quan Thẩm quyền Hành chính của Hội đồng Nhà nước ở The Hague xử  các khiếu nại của tổ chức và công ty đối với các quyết định của chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh và thành phố).

Hà Lan còn có Tòa Kiểm toán (Court of Audits) là cơ quan độc lập, kiểm toán hiệu quả và tính hợp lý của chi tiêu chính phủ. Tòa do Chính phủ bổ nhiệm trên cơ sở tham vấn Hạ viện; Tổng Thanh tra quốc gia (National Ombudsman) xử lý các khiếu nại của công dân đối với các sai phạm của Chính phủ, do Chính phủ bổ nhiệm trên cơ sở tham vấn Hạ viện. Với truyền thống đồng thuận chính trị rộng rãi, các hội đồng tư vấn đóng vai trò quan trọng trong tham vấn cho Chính phủ, trong đó cơ quan quan trọng nhất là Hội đồng Kinh tế - Xã hội (đại diện của Công đoàn, các tổ chức giới chủ và các chuyên gia do Chính phủ bổ nhiệm) tư vấn cho Chính phủ về chính sách tài chính, kinh tế và xã hội. Ngoài ra, còn có các cơ quan tư vấn quan trọng khác gồm Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế (dự báo phát triển kinh tế), Cục Thống kê Trung ương, Văn phòng Hoạch định Xã hội và Văn hóa, Viện Y tế Công cộng và Môi trường Quốc gia, Hội đồng Khoa học về Chính sách của Chính phủ.

Chính quyền địa phương Hà Lan chia thành hai cấp: tỉnh (12 tỉnh) và thành phố (municipality, hiện có 390). Cấp tỉnh có thẩm quyền quy hoạch đô thị, chính sách y tế và văn hóa giải trí, giám sát chính sách và tài chính của các thành phố và cơ quan phụ trách về nước (waterboard). Đứng đầu mỗi tỉnh là Hội đồng tỉnh (thành viên được bầu nhiệm kỳ 04 năm). Hoạt động hành chính của tỉnh do Hội đồng điều hành tỉnh phụ trách (thành viên được chọn ra Hội đồng tỉnh, có nhiệm kỳ 04 năm). Ủy viên của Nhà vua (King’s Commissioner, do Hoàng gia bổ nhiệm, nhiệm kỳ 06 năm) chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Điều hành tỉnh. Ủy viên trên có vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm các thị trưởng thành phố. Cấp thành phố có thẩm quyền về giáo dục, quy hoạch đô thị và an sinh xã hội. Đứng đầu thành phố là thị trưởng do Chính phủ bổ nhiệm với nhiệm kỳ 06 năm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Nội vụ. Hội đồng điều hành thành phố phụ trách công việc hành chính hàng ngày của thành phố. Ngoài ra còn có các hội đồng về nước (waterboard) phụ trách các vùng bên trong đê (polder), đê và các công trình quản lý nước khác (waterwork).

2. Các đảng phái chính trị:

Chế độ bầu cử theo tỉ lệ đại diện và lịch sử đất nước phân hóa phức tạp giữa Công giáo, Tin lành, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do đã dẫn đến đặc trưng đa đảng của nền chính trị Hà Lan. Chính trị truyền thống Hà Lan do 3 đảng lớn chi phối:

(i) Đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) là đảng tự do bảo thủ (kết hợp giữa chính sách tự do thị trường và quan điểm chính trị truyền thống về các vấn đề xã hội và đạo đức), chủ trương ủng hộ doanh nghiệp tư nhân và tự do kinh tế, ưu tiên an ninh hơn tự do dân sự.

 (ii) Công đảng (PvdA) theo xu hướng dân chủ xã hội (ủng hộ can thiệp kinh tế và xã hội để thúc đẩy công bằng xã hội trong khuôn khổ kinh tế chủ nghĩa tư bản), trung tả ôn hòa, tập trung vào các vấn đề việc làm, an sinh xã hội và y tế.

(iii) Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDA) theo xu hướng trung hữu với học thuyết cân bằng giữa “chủ nghĩa cá nhân” của đảng VVD và “chủ nghĩa nhà nước” của đảng PvdA.

Theo kết quả bầu cử Hạ viện ngày 15/3/2021, đảng về nhất là đảng cầm quyền VVD của Thủ tướng Mark Rutte với 36/150 ghế; đứng thứ hai là đảng Dân chủ D66 (27 ghế), đứng thứ ba là đảng cực hữu chống nhập cư PVV (17 ghế), thứ tư là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDA (14 ghế). 

 

[Nguồn: Bộ Ngoại giao]