30 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Slovenia

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt NamPhạm Minh Chính

Hà Nội (TTXVN 6/6/2024) Việt Nam và Slovenia có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, đặc biệt là quá trình đấu tranh giành độc lập và đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm hiện đại hóa đất nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp hai nước ngày càng xích lại gần nhau, bất chấp khoảng cách về địa lý. Năm 2024 đánh dấu mốc 30 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (7/6/1994-7/6/2024). 30 năm chưa phải là quãng thời gian dài nhưng trong suốt hành trình đó, quan hệ Việt Nam-Slovenia đã phát triển tốt đẹp và đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Tanja Fajon, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia (23/5/2023). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

 * Tăng cường tin cậy chính trị

Tình hữu nghị và sự hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Slovenia khởi nguồn từ nhiều thập niên trước, được lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ nền độc lập của mỗi nước. Đặc biệt, từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/6/1994 đến nay, hoạt động giao lưu hợp tác song phương ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương và một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Đáng chú ý, về phía Slovenia là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia Tanja Fajon vào tháng 5/2023, đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Phó Thủ tướng Slovenia đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1994. Thêm nữa, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đây là lần thứ hai kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia. Điều này thể hiện rằng Slovenia thực sự coi trọng và muốn thúc đẩy thực chất hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

Tiếp đó, vào tháng 9/2023, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, tại New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, nhất là trong năm 2024 khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar khẳng định Slovenia sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực tiềm năng như lao động, khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên nước, dược phẩm, bảo vệ môi trường.

Mới đây nhất, tháng 3/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thăm Slovenia và tiến hành Tham vấn chính trị với Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu của Slovenia Sanja Stiglic. Hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, trên các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Bộ Ngoại giao hai nước khẳng định tiếp tục triển khai Bản ghi nhớ hợp tác ký năm 2023, trong đó có việc tổ chức hiệu quả các hoạt động tham vấn thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, phát huy vai trò kết nối hợp tác hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.

Cùng với đó, Việt Nam và Slovenia cũng tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, đồng thời cùng thúc đẩy phối hợp trong các cơ chế hợp tác của ASEAN và EU, nhất là trong bối cảnh Slovenia đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2024-2025.

  * Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có nhiều triển vọng

Bà Tanja Fajon, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Cộng hoà Slovenia phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Slovenia-Việt Nam (22/5/2023). Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Slovenia hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Balkan và Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn của Slovenia trong ASEAN. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Slovenia chưa cao song kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian qua đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc cả về lượng và chất, trong đó kim ngạch năm sau gấp đôi năm trước liên tục từ năm 2013 tới nay.

Trong những năm qua, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và bất ổn của nền kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai nước vẫn giữ vững đà tăng trưởng, giai đoạn 2020-2022 tăng trung bình 15%/năm, năm 2023 đạt 516 triệu USD. 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt 119 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Slovenia là hàng linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và linh kiện ô tô. Nhóm các mặt hàng này chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Slovenia là dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm (chiếm 75%), máy móc thiết bị phụ tùng, hàng điện gia dụng và linh kiện (chiếm 5,3%).

Về đầu tư, tính luỹ kế đến tháng 4/2024, Slovenia có 3 dự án với tổng vốn đăng ký 2,27 triệu USD, đứng thứ 92/146 quốc gia và và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước đều nhận thấy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và triển vọng của hai nước. Vì vậy, tại cuộc Tham vấn chính trị Việt Nam-Slovenia (tháng 3/2024), hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư qua việc tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA); nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau có mặt nhiều hơn trên thị trường mỗi bên; khuyến khích các doanh nghiệp Slovenia đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Slovenia có thế mạnh như vận tải biển, logistic, năng lượng tái tạo, dược phẩm…

Việt Nam và Slovenia cũng tích cực trao đổi về việc thúc đẩy và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Du lịch cũng là lĩnh vực được hai bên quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới, bởi hai nước đều được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tươi đẹp cùng với nền văn hóa đặc sắc, lâu đời và là địa điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu trên thế giới. Hai bên nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu nhân dân nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cộng đồng người Việt Nam tại Slovenia có khoảng 100 người, sinh sống và học tập chủ yếu tại thủ đô Ljubjana và thành phố Maribor, hội nhập tốt vào sở tại, đóng góp tích cực vào kinh tế, xã hội địa phương, phát huy vai trò cầu nối hợp tác giữa hai nước.

Với sự quan tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Slovenia thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng cường và mở rộng hơn nữa, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước./.

Diệp Ninh (tổng hợp)