4. Kinh tế Cộng hòa Phần Lan
Phần Lan là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong EU trước năm 2009, thị trường tài chính và ngân hàng Phần Lan tránh được những tác động xấu nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kinh tế Phần Lan rơi vào suy thoái trong giai đoạn 2012 - 2014 do xuất khẩu và nội nhu giảm[1], nhưng tăng trưởng trở lại từ 2016 (đạt 1,9%). Tăng trưởng kinh tế năm 2020 đã giảm 2,9%, các ngành dịch vụ giảm mạnh nhất gồm lưu trú, ăn uống và giao thông vận tải do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kinh tế Phần Lan dự kiến hồi phục, tăng trưởng 2,6% năm 2021.
Phần Lan có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như viễn thông điện tử, công nghiệp gỗ giấy (69% diện tích là rừng, là nguồn xuất khẩu quan trọng), đóng tàu và vận tải biển (phía Nam và Tây Nam là vịnh Phần Lan, biển Ban – tích và vịnh Bothnia)… Do ít tài nguyên, nền công nghiệp Phần Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô, nhiên liệu và phụ tùng. Thách thức chính nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Phần Lan là giảm chi phí lao động và tăng xuất khẩu. Chính phủ Phần Lan hiện tập trung các biện pháp cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội, giải quyết vấn đề già hóa dân số, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ Phần Lan cũng đang tích cực quảng bá, mở rộng quan hệ kinh tế sang các nước châu Á, Mỹ La-tinh để hạn chế lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.
[Nguồn: Bộ Ngoại giao]
[1] Ba ngành kinh tế mũi nhọn là công nghiệp rừng, công nghiệp nặng và công nghệ điện thoại di động đều gặp nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt ở thị trường nước ngoài.