4. Kinh tế Vương quốc Hà Lan

Nền kinh tế Hà Lan có trình độ phát triển cao và độ mở lớn, ngoại thương đóng góp tỉ trọng đáng kể. Đặc điểm địa lý và dân cư Hà Lan cùng với lịch sử phát triển kinh tế quốc dân, đặc biệt là Kỷ nguyên Vàng (Gold Age) của Hà Lan trong thế kỷ XVII đã định hình nền kinh tế Hà Lan ngày nay.

Bằng việc tận dụng thế mạnh quốc gia ven biển, cửa khẩu của 3 con sông lớn ở Tây Âu để xây dựng cảng biển, phát triển giao thương và xây dựng hệ thống kênh đào; vị trí chiến lược nằm giữa các cường quốc kinh tế Anh - Pháp - Đức; đất đai mầu mỡ, khí hậu ôn hòa cũng như khắc phục các khó khăn về điều kiện tự nhiên, đầu tư sâu rộng vào nghiên cứu và phát triển (R&D), Hà Lan đã đẩy mạnh phát triển ngành nông sản và thực phẩm, ngành làm vườn, quản lý nước, vận tải logistics, cảng biển năng lượng, hóa chất, công nghệ cao, khoa học đời sống và y tế. Đây là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn hàng đầu của Hà Lan, đưa Hà Lan trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới về phát triển.

Các tập đoàn kinh tế lớn:

Hà Lan sở hữu nhiều tập đoàn quy mô toàn cầu: Royal Philips Electronics (một trong những tập đoàn điện tử và thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới); KLM Royal Dutch Airlines (hàng không); Royal Dutch Shell (dầu khí, liên doanh với Anh); Unilever (sản xuất thực phẩm, đồ uống, chất tẩy rửa và chăm sóc cá nhân, liên doanh với Anh); ING Group (ngân hàng, tài chính); Aegon (bảo hiểm); Heineken và Amstel (sản xuất bia); Akzo Nobel (sản phẩm y tế, hóa chất)…

Tình hình kinh tế - xã hội quốc gia:

Hà Lan đứng thứ bảy thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng dòng đầu tư vào và ra đạt 266 tỷ USD (sau Hoa Kỳ (690 tỷ USD) và Trung Quốc (317 tỷ USD); thứ năm thế giới về chỉ số sáng tạo toàn cầu (sau Thụy Sỹ và Thụy Điển, Mỹ và Anh); thứ nhất trong EU về mức độ cạnh tranh của nền kinh tế và thứ 10 thế giới về chỉ số phát triển con người (sau Na Uy, Australia, Thụy Sỹ, Đức, Đan Mạch và Singapore).

Năm 2019, Hà Lan là nền kinh tế lớn thứ sáu EU (sau Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha); đứng thứ 18 trên thế giới; đứng thứ 12 thế giới về thu nhập GDP bình quân đầu người. GDP năm 2017 tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm nay, đạt mức 3,1% (tăng gần 1% so với năm 2016); tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4,9% năm 2017 (thấp nhất kể từ năm 2007); xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5% so với năm 2016; tiêu dùng nội địa tăng 1,8% so với năm 2016.

Kinh tế đối ngoại:

Hà Lan đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 5 trong EU về quy mô GDP, nằm trong số 10 nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, nền kinh tế có độ mở cao và ngoại thương phát triển. Hà Lan có thế mạnh hàng đầu thế giới về quản lý nước, dịch vụ hậu cần - cảng biển và nông nghiệp. Hà Lan Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hà Lan chiếm 81,4% GDP. Năm 2016 - 2019, kinh tế Hà Lan tăng trưởng trung bình 2,1% - 3,1%/năm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (khoảng 3,3% giai đoạn 2019),  thặng dư ngân sách 1,8% và lạm phát 1,7%. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, GDP Hà giảm 3,3%[1], tỉ lệ thất nghiệp 3,8%, thâm hụt ngân sách 4,20%. Năm 2021 và 2022, kinh tế Hà Lan được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trở lại với GDP tăng từ 2,7 - 3,7%./năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Lan bao gồm máy móc và thiết bị, hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm và nông nghiệp; gần 80% xuất khẩu của Hà Lan là sang Tây Âu (chủ yếu là Đức, Bỉ, Anh, Pháp và Italy); các mặt hàng nhập khẩu bao gồm các mặt hàng máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm, quần áo, chủ yếu từ Đức, Bỉ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Đức là bạn hàng lớn nhất của Hà Lan.

Ưu tiên phát triển hiện nay:

Hiện nay, nền kinh tế Hà Lan đã và đang hướng đến tăng trưởng xanh. Chính phủ xem tăng trưởng xanh là cần thiết để duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường và lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên đang dần khan hiếm. Trong báo cáo Chương trình Xanh của Chính phủ (Green Deal Program), Chính phủ tập trung vào tám lĩnh vực tăng trưởng xanh gồm năng lượng, kinh tế dựa trên nguồn lực sinh học, khí hậu, biến chất thải thành nguồn lực, nền kinh tế xoay vòng, môi trường, thực phẩm và tính cơ động. Căn cứ theo ba lĩnh vực tăng trưởng xanh do OECD đề ra (hiệu quả về môi trường, hiệu quả về nguồn lực, các công cụ chính sách xanh và các cơ hội kinh tế), các lĩnh vực kinh tế hàng đầu của Hà Lan kể trên chiếm 40-80% hiệu quả về môi trường và hiệu quả về nguồn lực của nền kinh tế quốc dân.


[1] Mức giảm thấp nhất kể từ sau Thế chiến thứ II 

[Nguồn: Bộ Ngoại giao]