4 năm WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu: Chưa thể lơ là với dịch bệnh

Hà Nội (TTXVN 11/3/2024) Cách đây 4 năm, ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu. Sau 4 năm, mặc dù đại dịch này đã được WHO dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của WHO - song đến nay WHO vẫn nêu rõ điều này không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa đối với y tế toàn cầu và thế giới vẫn cần hết sức thận trọng.

 
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

   * COVID-19 và những thiệt hại chưa từng có

Đại dịch COVID-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2 bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc và có thể nói, trong suốt lịch sử, thế giới chưa từng ghi nhận virus nào có tốc độ lây lan “chóng mặt” như virus SARS-CoV-2. 

Ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) về sự bùng phát toàn cầu của COVID-19.  Đây là mức báo động cao nhất theo luật pháp quốc tế đối với một dịch bệnh.

Đến ngày 11/3/2020, WHO chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới. Khi đó, WHO quan ngại sâu sắc, cả về mức độ lây lan cũng như mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, và tình trạng báo động về việc các nhà lãnh đạo thế giới chưa tích cực trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Do vậy, WHO đã quyết định đánh giá COVID-19 mang đặc điểm của một đại dịch. Vào thời điểm đó, virus SARS-CoV-2 có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 121.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 4.300 ca tử vong. Thế nhưng, chỉ 1 năm sau số ca nhiễm trên thế giới đã tăng tới hơn 1.500 lần, lên hơn 181,7 triệu ca và số ca tử vong tăng hơn 630 lần, lên hơn 2,6 triệu ca. Trong hơn 4 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã “mở rộng phạm vi hoạt động” tới hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, WHO ước tính trên phạm vi toàn cầu, số người tử vong do COVID-19 có thể lên tới "ít nhất 20 triệu người", cao gần gấp 3 lần số liệu thống kê chính thức khoảng 7 triệu người tử vong. 

Kể từ ngày WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến cụm từ "đại dịch" (pandemic) được các phương tiện truyền thông và người dân sử dụng nhiều đến như vậy. Thế giới đã chứng kiến diễn tiến dịch bệnh theo đồ thị hình sin do virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công bằng chủng gốc mà đã biến đổi thành 5 “biến thể đáng quan ngại” (VOC), gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron, cùng hàng chục “biến thể đáng quan tâm”. Các biến thể sau dường như vượt trội hơn các biến thể trước về khả năng “né tránh” vaccine, kéo theo tốc độ lây nhiễm cao hơn, đẩy số ca nhiễm mới liên tục lập kỷ lục. 

Sự biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2 kể từ sau khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu đã khiến thế giới gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Ngoài thiệt hại về người, COVID-19 còn gây ra rất nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng đến hệ thống quản lý và chính trị của nhiều quốc gia khi gây ra sự gián đoạn  các hoạt động lập pháp, các cuộc bầu cử phải hoãn do lo ngại virus SARS-CoV-2 lây lan. Dịch bệnh cũng khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; giảm cả tổng cầu và tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng, làm gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu lâu hơn dự kiến; cũng như làm tăng khó khăn cho các chính phủ trước áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho đến cả các nước kém phát triển nhất thế giới. Và không thể phủ nhận rằng các chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe là những điều thay đổi nhiều nhất trong đại dịch COVID-19…

   * Không thể lơ là

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Jakarta, Indonesia, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Bên cạnh những thiệt hại do COVID-19 gây ra, 4 năm qua cũng chứng kiến những nỗ lực tăng tốc phòng chống đại dịch ở cả phạm vi từng quốc gia lẫn quy mô toàn cầu. Để ứng phó với đại dịch, ban đầu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách đóng cửa, kêu gọi giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, cách ly các ca bệnh, kêu gọi rửa tay, khử trùng và tiến hành bảo vệ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhưng từ năm 2021, nhờ những nỗ lực chạy đua nghiên cứu sản xuất vaccine và tăng tốc chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 trên toàn cầu, đã giúp thế giới  bước vào giai đoạn “bình thường mới”, thích ứng linh hoạt với COVID-19. 

Với các chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đẩy nhanh tỷ lệ người dân được bao phủ vaccine ngừa COVID-19, số ca bệnh nặng và tử vong trên thế giới đã biến động tỷ lệ nghịch với số ca nhiễm mới, chứng minh hiệu quả mà vaccine mang lại đối với cuộc chiến chống COVID-19 là không thể phủ nhận.

Sau 4 năm, hàng tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho người lớn và trẻ em trên khắp thế giới. WHO ước tính gần 90% dân số toàn cầu đã có được kháng thể chống lại virus COVID-19 thông qua tiêm chủng hay đã từng mắc COVID-19 trước đó. Nhờ vậy mà đại dịch đã trên đà giảm và xu hướng này cho phép phần lớn các quốc gia quay trở lại cuộc sống như trước khi COVID-19 xuất hiện. Thậm chí, nhiều nước cònngày 11/3/2020 tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc.

Trong một diễn biến tích cực, ngày 5/5/2023, WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC)-mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh. WHO cho biết, việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế là dấu hiệu cho thấy những tiến bộ thế giới đã đạt được trong những lĩnh vực này.  Đây là một bước quan trọng hướng tới chấm dứt đại dịch đã cướp đi tính mạng của hơn 6,9 triệu người, làm gián đoạn kinh tế toàn cầu và tàn phá nhiều cộng đồng trên thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm này WHO cũng nêu rõ quyết định dỡ bỏ PHEIC không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa đối với y tế toàn cầu và vẫn cần hết sức thận trọng.

Thật vậy, dù COVID-19 hiện không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn từ căn bệnh này vẫn luôn rình rập, đe dọa làm đảo lộn cuộc sống của người dân và ảnh hưởng tới nỗ lực phục hồi kinh tế-xã hội. Từ cuối năm 2023-đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh đang có chiều hướng gia tăng ở mức báo động tại nhiều nước, cho thấy thế giới không thể lơ là, chủ quan với thách thức y tế nà

Theo số liệu của WHO, khoảng 10.000 ca tử vong vì COVID-19 đã được ghi nhận trong tháng cuối cùng của năm 2023. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sự lây truyền của virus SARS-CoV-2 gia tăng trong tháng 12/2023 do các hoạt động tiếp xúc trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, mặc dù 10.000 ca tử vong một tháng là ít hơn nhiều so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng con số này đã có thể thấp hơn nếu chúng ta có sự phòng ngừa.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang phòng ngừa và kiểm soát dài hạn đối với COVID-19, WHO kêu gọi cần duy trì các nỗ lực xét nghiệm, giải trình tự gien và báo cáo về dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, sự hoành hành của đại dịch COVID-19 trong những năm qua cho thấy điểm yếu của hệ thống y tế toàn cầu, mà nổi bật là sự tiếp cận không công bằng về dịch vụ y tế. Những mất mát mà dịch bệnh này từng gây ra đã giúp thế giới nhận thức rõ về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết, chia sẻ và hợp tác.

Gần đây, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất vaccine cho châu Phi, nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, vốn gây khó khăn cho châu lục này trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. GAVI cũng phê duyệt kế hoạch trị giá khoảng 290 triệu USD nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng định kỳ cho trẻ em - vốn bị gián đoạn do dịch bệnh, và quỹ ứng phó ban đầu trị giá 500 triệu USD giúp bảo đảm có kinh phí ngay lập tức để chủ động ứng phó trong trường hợp bùng phát dịch bệnh mới.

Hiểm họa từ dịch COVID-19 luôn hiện hữu bởi virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi. Theo giới chuyên gia, hiện thế giới có thể chưa đối mặt với biến thể có khả năng lây truyền cao nhất trong khi khả năng miễn dịch từ vaccine ngừa COVID-19 đến nay thì đã suy giảm đáng kể. Ðiều này đòi hỏi các nước phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản về dịch bệnh.

Công tác phòng chống dịch trên toàn cầu, vì vậy, phải được tiếp tục cẩn trọng để không tạo cơ hội cho virus lây lan, khiến dịch bệnh bùng phát và hoành hành trở lại./.

Trọng Đức (tổng hợp)