4. Tình hình Uganda

1. Chính trị nội bộ

Tình hình Uganda nhìn chung tương đối ổn định. Ông Mu-xê-vê-ni lên nắm quyền từ năm 1986 và tái đắc cử tại cuộc bầu cử các năm 2006, 2011, 2016, 2021. Ông là Tổng thống nắm quyền lâu nhất tại Uganda.

Năm 2007, Chính phủ Uganda đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn Quốc gia về “Chuyển đổi Uganda từ một xã hội nông nghiệp thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng trong vòng 30 năm”. Ngày 18/4/2013, Uganda đề ra Tầm nhìn Uganda 2040 (Uganda Vision 2040) với các mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn này với 06 lĩnh vực ưu tiên gồm: cơ sở hạ tầng; khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới; sử dụng và quản lý đất đai; đô thị hóa; phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm hòa bình, an ninh và quốc phòng. Các mục tiêu của Tầm nhìn 2040 được thực hiện thông qua các Kế hoạch phát triển quốc gia (NDP) 5 năm, đến nay đã có Kế hoạch phát triển quốc gia 5 năm lần thứ I (2010/11-2014/2015), lần thứ II (2015/16-2019/2020) và hiện là lần thứ III (2020/2021-2024/2025).

2. Kinh tế - Xã hội

- Uganda có nguồn tài nguyên phong phú gồm đất canh tác, mỏ đồng, cô-ban. Tháng 4/2010, một trữ lượng dầu lửa lên tới 700 triệu thùng đã được phát hiện ở Đông U-gan-đa, và các nhà khai thác nhận định nước này có thể khai thác lượng dầu mỏ ước lượng trên 1,4 tỷ thùng[1].

Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, thu hút trên 80% lực lượng lao động với sản phẩm chính gồm cà phê, chè, ngô, chuối, đường. Ngoài ra, Uganda còn có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá và công nghiệp chế biến sữa[2].

Công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến, tiếp đó là dệt may, sản xuất xi-măng, sắt, thép, phụ tùng xe vận tải, phân bón, sản xuất hàng mỹ nghệ...

Uganda đang thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ, ưu tiên phát triển nông nghiệp và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), thực hiện Tầm nhìn 2040 trở thành nước có thu nhập trung bình, triển khai các chính sách thương mại-đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.

Năm 2018, kinh tế Uganda bắt đầu khởi sắc, tăng trưởng GDP đạt 6,1% (tăng 30% so với giai đoạn từ 2010-2016) và đã được Liên hợp quốc ghi nhận nỗ lực giảm tỷ lệ nghèo đói trung bình từ 70% xuống còn khoảng 20% dân số.

Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid, Uganda vẫn nằm trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 với 3%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Uganda 3,4%, GDP đạt 40,43 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 894 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới).  

Nền kinh tế của Uganda dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% năm 2022 do mở cửa hoàn toàn vào tháng 01 năm 2022 sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa liên quan đến đại dịch. Các ngành dịch vụ và công nghiệp dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính năm 2022.

+ Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 71.9%, công nghiệp 4.4%, dịch vụ 23.7%.

+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Cà phê, các sản phẩm từ cá, chè, bông, vàng…

+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Trang thiết bị, xe cộ, xăng dầu, vật tư y tế, ngũ cốc...

+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Mỹ, Kê-ni-a, UAE, Ấn Độ, Nhật Bản…

- Uganda xếp hạng 159/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Giáo giục tiểu học là bắt buộc và miễn phí cho trẻ em dưới 14 tuổi. Tỷ lệ biết đọc và viết tương đối cao với khoảng 76,53% tổng dân số trên 15 tuổi biết chữ. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Uganda được xếp hạng 149/191 quốc gia trên thế giới. Tuổi thọ trung bình ước tính 63,4 tuổi.

[1] Về tiềm năng dầu khí, khu vực dưới mặt nước và trên bờ Hồ Albert có chiều dài 160km, nối liền U-gan-đa và Cộng hòa Dân chủ Công-gô có trữ lượng 6,5 tỷ thùng dầu thô, trong đó có 1,4 tỷ thùng có thể khai thác được.
Với sản lượng ước tính 230.000 thùng/ngày, trữ lượng của U-gan-đa có thể kéo dài từ 25 đến 30 năm.

[2] Ngành công nghiệp chế biến sữa ở U-gan-đa còn non trẻ, đang phát triển nhanh chóng và sôi động. Tính đến tháng 12/2021, U-gan-đa sản xuất 2,81 tỷ lít sữa hàng năm với 800 triệu lít tiêu thụ trong nước và hơn 2 tỷ lít xuất khẩu, mang về hơn 130 triệu USD cho U-gan-đa.

[Nguồn: Bộ Ngoại giao]