45 năm quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ

Hà Nội (TTXVN 6/6/2023) Cách đây 45 năm, ngày 7/6/1978, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa…


* 45 năm quan hệ hợp tác nhiều mặt
Theo Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải, trong lịch sử 45 năm quan hệ, hai nước Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là trong bối cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, đó là sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, chính trị, khoảng cách địa lý và đặc biệt là sự tương đồng về lợi thế so sánh trong thương mại. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, những yếu tố này khiến cho quan hệ hai nước chỉ dừng lại ở mức “tìm hiểu nhau”. Tuy đều là thành viên của Phong trào Không liên kết (NAM), nhưng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích ưu tiên không giống nhau.
Chỉ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những điều chỉnh trong chính sách của cả hai nước đã thúc đẩy quan hệ song phương có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao đến kinh tế-thương mại, từ du lịch đến giáo dục…
Thổ Nhĩ Kỳ mở Đại sứ quán tại Hà Nội vào tháng 2/1997. Tháng 10/1999, Việt Nam mở Văn phòng Đại diện Thương mại tại thành phố Istanbul. Tháng 10/2003, Việt Nam nâng Tổng Lãnh sự quán Istanbul lên Đại sứ quán và chuyển về thủ đô Ankara.
Từ sau khi hai nước nâng tầm quan hệ và mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau, các cuộc họp Ủy ban kinh tế hỗn hợp và các chuyến thăm cấp Bộ trưởng liên quan đến các lĩnh vực hợp tác hai bên được tổ chức. Quan hệ song phương được chính phủ hai nước đánh giá cao, cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong sự ổn định và phát triển trong ASEAN và của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Trung Cận Đông và Bắc Phi.
Hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, như: Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật (năm 1997); Nghị định thư về hợp tác kinh tế và thương mại; Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và giáo dục (1999); Hiệp định khung về hợp tác khoa học kỹ thuật và môi trường (2000); Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép chất ma túy, các chất hướng thần và các loại tội phạm khác (2007); Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư (2014), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2014), Hiệp định hợp tác hàng không, Hiệp định vận tải biển (2015)…
Hai nước đã tổ chức được 7 kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế-thương mại, trong đó kỳ họp lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 7/2017.
Hai bên cũng tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, tăng cường trao đổi đoàn các cấp và mở rộng các hoạt động đối ngoại dưới nhiều hình thức. Cả hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong việc ứng cử vào các vị trí của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Đặc biệt, khi Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu hậu quả nặng nề của trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2/2023, phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc và trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các đoàn công tác gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội và công an đã được cử sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều vật tư, thiết bị để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Cùng với đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara cũng đã có nhiều hoạt động chia sẻ thông điệp đoàn kết, nhân ái và chia buồn sâu sắc với toàn thể người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Trên tinh thần “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, toàn bộ cán bộ, nhân viên và gia đình tại Đại sứ quán đã tổ chức quyên góp, cùng các vật dụng thiết yếu, chăn, quần áo ấm cho các nạn nhân của trận động đất.
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng chia sẻ thông tin và quyên góp quần áo ấm, chăn, màn, lương thực, trao cho cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ để đưa đến các khu vực bị ảnh hưởng.
Trước tình cảm tương thân, tương ái của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, phía Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng cảm động và trân quý tấm lòng sẻ chia của Việt Nam và khẳng định sự hỗ trợ thiết thực của Việt Nam trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn chính là động lực vun đắp và thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển.
Đánh giá về mối quan hệ song phương Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ sau 45 năm, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải cho biết hai nước đã đạt được nhiều thành tựu ngoài mong đợi, song vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ lên một tầm cao mới. Hai nước ngày càng có những điểm tương đồng về lợi ích, không những trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, mà còn cả trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trong khi đó, tại các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương, tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng còn rất lớn vì các chính sách của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng có nhiều điểm chung trong bảo vệ lợi ích quốc gia.

* Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Việt Nam coi hợp tác thương mại, đầu tư là trụ cột quan trọng để phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Với những lợi thế về vị trí địa lý đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cao su, chè, dệt may, giày dép, điện tử, thủ công mỹ nghệ… vào thị trường Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cung cấp cho Việt Nam phôi thép, sắt thép, vật liệu xây dựng, bông, hóa chất, phụ tùng ôtô…
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam được đánh dấu bằng sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu như hơn một thập kỷ trước, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia mới chỉ đạt 600 triệu USD, thì đến năm 2017 đã đánh dấu mốc lịch sử với con số 3,2 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong số các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Malaysia. Đây là một bước nhảy vọt lớn trong quan hệ thương mại của hai nước, tuy nhiên con số này được cho là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của mỗi nước.
Theo Đại sứ Đỗ Sơn Hải, đại dịch COVID-19 phần nào đã ảnh hưởng tới thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ khi năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 1,65 tỷ USD, nhưng đây vẫn là thế mạnh trong quan hệ song phương. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 642,34 triệu USD, tăng 29,7%, trong khi kim ngạch nhập khẩu là 125,86 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới, Đại sứ Đỗ Sơn Hải khẳng định khả năng mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại là rất khả thi. Hai nước đặt mục tiêu hướng tới mốc 4 tỷ USD trao đổi thương mại hai chiều vào năm 2025.
Theo Đại sứ Đỗ Sơn Hải, doanh nghiệp hai nước đang ngày càng quan tâm tới nhau trên rất nhiều lĩnh vực, trước hết là nông nghiệp. Du lịch cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng do có nhiều dư địa cho hợp tác du lịch song phương. Hiện hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines, hãng hàng không lớn thứ 7 thế giới, đã có những đường bay thẳng từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Istanbul, với tần suất 7 chuyến/tuần.
Trên nền tảng đã được xây dựng trong thời gian qua, hai bên cũng hy vọng hợp tác quốc phòng, an ninh sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn. Và nếu được quảng bá sâu rộng hơn, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và thể thao cũng sẽ có thể có nhiều thay đổi tích cực.
Nhìn lại thực tế 45 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thấy mối quan hệ song phương này là cần thiết và có thể phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai gần. Để đạt được mục tiêu này, hai nước cần tăng cường các hoạt động quảng bá về đất nước, con người và thị trường cho người dân mỗi nước, đặc biệt nên chú trọng việc sử dụng công nghệ, truyền thông (nhất là mạng xã hội) cho hoạt động quảng bá.
Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ (7/6/1978-7/6/2023), Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan hữu quan và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trong một số hoạt động hướng tới kỷ niệm sự kiện trọng đại này như: tổ chức Ngày Việt Nam tại thủ đô Ankara, quảng bá những chặng đường phát triển của mối quan hệ song phương tại một số hội chợ ở các thành phố như Ankara, Istanbul, Atalya, phóng sự về 45 năm quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ của hai đài truyền hình quốc gia là VTV của Việt Nam và TRT của Thổ Nhĩ Kỳ…/.          

 An An (tổng hợp)