5. Chính sách đối ngoại Vương quốc Hà Lan
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, Hà Lan tuyên bố trung lập. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hà Lan từ bỏ chính sách trung lập, tham gia kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ, tham gia Liên hợp quốc (10/12/1945), cùng Bỉ và Luxembourg lập Liên minh thuế quan Benelux (1948), tham gia NATO (04/4/1949), thành viên sáng lập EEC năm 1957 (EU hiện nay), tham gia OECD và OSCE.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử hiện đại, Hà Lan xác định hợp tác trong EU là trụ cột của chính sách đối ngoại, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của Hà Lan, giúp tăng cường vai trò địa chính trị của Hà Lan. Về kinh tế, Hà Lan đề cao vai trò của đồng euro trong kết nối tài chính và kinh tế các nước, nhấn mạnh kỷ cương ngân sách, ủng hộ liên kết sâu rộng hơn (ngân hàng, thuế quan…). Trước khó khăn hiện nay, Hà Lan ủng hộ EU đa tốc độ. Về an ninh – quốc phòng, Hà Lan nhấn mạnh hợp tác trong khuôn khổ NATO, EU, Liên hợp quốc và OSCE. Mặc dù xem NATO là hòn đá tảng trong chính sách an ninh, hiện Hà Lan ngày càng chú trọng hơn vai trò của Chính sách An ninh và Quốc phòng chung EU (CSDP).
Là nước tầm trung, Hà Lan theo đuổi chính sách đối ngoại năng động, tích cực, hòa bình, hợp tác, đề cao vai trò của các cơ chế đa phương và các cơ chế hòa giải, tập trung đẩy mạnh hợp tác phát triển và ngoại giao nước (water diplomacy). Hà Lan là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, là nơi đặt trụ sở Tòa Trọng tài quốc tế (PCA, chuyên làm trọng tài giải quyết tranh chấp song phương và đa phương) và Tòa Công lý Quốc tế (ICJ, chuyên xử các tranh chấp giữa các nước thành viên Liên hợp quốc). Do thịnh vượng của Hà Lan gắn liền với ngoại thương, Hà Lan chú trọng thúc đẩy quan hệ quốc tế, khẳng định ngoại giao kinh tế là thành tố quan trọng trong công việc của các Cơ quan đại diện.
Chính sách đối ngoại của Hà Lan dần dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (trong đó có châu Á và Việt Nam), thay thế cho khu vực Đại Tây Dương. Ngày 13/11/2020, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, xem đây là tuyến đường thương mại chiến lược chính do khu vực này là nơi vận chuyển 2/3 lượng dầu và 1/3 lưu lượng hàng hóa toàn cầu và là nơi Hà Lan có nhiều lợi ích kinh tế và địa chính trị (22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Lan đến từ châu Á).
[Nguồn: Bộ Ngoại giao]