60 năm ngày chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản: Ký ức hào hùng, tương lai tươi sáng
Hà Nội (TTXVN 16/11/2012) Trong cuộc tiến công làm nên chiến thắng lịch sử Chân Mộng-Trạm Thản ngày 17/11/1952, quân và dân tỉnh Phú Thọ đã chiến đấu anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bẻ gãy cuộc hành quân Loren của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đem lại chiến thắng trong Chiến dịch Tây Bắc. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, 60 năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã đoàn kết, chung tay ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Từ một địa phương nghèo, Trạm Thản đã và đang chuyển mình đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
* Quá khứ oai hùng
Trở lại Phù Ninh vào đúng dịp tỉnh Phú Thọ đang nô nức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952 - 17/11/2012), người dân nơi đây đang hân hoan chờ đợi ngày tái hiện lại trận chiến đấu lịch sử năm xưa, để chiến công của đồng bào năm xưa không chỉ là những câu chuyện kể cùng con cháu. Những chiến sĩ trong đoàn quân chiến thắng ngày ấy nay đều đã ngoài tuổi "xưa nay hiếm", nhưng những ký ức hào hùng thì vẫn vẹn nguyên như thể mới diễn ra hôm qua. Cụ Trần Hữu Tề, thị trấn Phong Châu, người trực tiếp tham gia trận đánh kể lại: Cuối năm 1952, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc tấn công, càn quét lên vùng tự do để cướp bóc, vơ vét của cải của nhân dân và bắt thanh niên đi lính. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt với quy mô lớn. Địch mở cuộc hành quân mang tên Loren huy động hơn 30.000 quân đánh lên Phú Thọ - Yên Bái nhằm kéo chủ lực ta phải quay về giữ căn cứ, để cứu nguy cho tuyến phòng thủ còn lại của chúng ở Tây Bắc không bị uy hiếp. Ở các vị trí dã chiến dọc theo quốc lộ số 2, chúng cho quân xây dựng công sở, móc nối với bọn phản động địa phương xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng thời ra sức càn quét triệt phá làng mạc, cướp bóc.
Tại xã Hoa Lư (là xã Liên Hoa và Trạm Thản ngày nay), giặc Pháp đã đóng quân tại làng Thản 12 ngày đêm, lập vành đai trắng, xây dựng 3 lô cốt. Sau khi phân tích đánh giá tình hình, phán đoán âm mưu và hành động của địch, chỉ huy Trung đoàn 36 tổ chức lực lượng chặn đánh địch ở nhiều nơi buộc chúng phải tìm cách rút lui. Khi đó, Trung đoàn hạ quyết tâm phải phục kích đánh địch rút lui trên quãng đường Chân Mộng-Trạm Thản Ông Nguyễn Công Vị, ở xã Hạ Giáp kể tiếp câu chuyện đánh giặc Pháp của cụ Tề: Đây là khu vực lý tưởng trên đường số 2. Hai rặng núi và đồi thắt lại hai đầu bọc kín một cái thung lũng hẹp và dài gần 4 km, những cánh rừng già lấn đến ven đường cái, những nương sắn xanh um mọc la liệt trên các vạt đồi là tấm màn ngụy trang kín đáo che chở cho bộ đội mai phục. Nhưng chính nơi đây địch cắm ba cứ điểm Vân Mộng, Chân Mộng, Năng Yên án ngữ các ngả đường đi tới mà Trung đoàn 36 chỉ có một đêm để dàn thế trận.
Dựa vào sức dân, 2 trung đội du kích của xã Hoa Lư với nhiệm vụ phối hợp chiến đấu và dẫn đường cho bộ đội, 1 trung đội làm nhiệm vụ tải thương, nấu cơm, thu dọn chiến trường, trận đánh đã diễn ra với thế trận hoàn toàn nghiêng về quân ta. Ngày 17/11/1952, quân Pháp từ Đoan Hùng rút về xuôi theo đường quốc lộ số 2. Dân quân du kích xã cùng các lực lượng vũ trang trong huyện và bộ đội chủ lực đã bí mật bố trí phục kích trên các sườn đồi. Đoàn xe dài gần 3 km dần dần lọt vào trận địa phục kích của ta. Từ trên đồi cao, quân ta đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn vào đội hình bộ binh và xe tăng địch, chiếc xe đi đầu trúng đạn và bốc cháy tạo thành chướng ngại vật khiến các xe sau không thoát được. Khi quân địch đang lúng túng thì từ hai bên sườn đồi, hàng trăm chiến sỹ xông ra bất ngờ khiến cho quân địch dẫm đạp lên nhau bỏ chạy.
* Phát triển vượt bậc
Chiến tranh đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội ở xã cách mạng trên quê hương đất Tổ đã có sự thay đổi đáng kể. Bài toán phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong những năm qua được Đảng bộ, chính quyền xã Trạm Thản giải bằng nhiều quyết sách đúng đắn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Xã tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…Hiện toàn xã có 9 hộ làm dịch vụ máy xay sát, 7 hộ làm máy cày bừa, 9 hộ có xưởng chế biến chè búp, 6 cơ sở may mặc, 6 xưởng mộc, 4 cơ sở hàn điện, 5 cơ sở làm mành cọ…Sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi được đầu tư đúng mức và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng giá trị thu nhập của các ngành nông – lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 30,8 tỷ đồng. Xã không còn hộ đói, hộ nghèo còn 7,9%. 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn, 70% có máy điện thoại. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên. 100% khu dân cư có nhà văn hoá, tỷ lệ khu dân cư hàng năm đạt khu dân cư văn hoá từ 90% trở lên. Hộ gia đình đạt văn hóa hàng năm đạt 88% trở lên… Lãnh đạo xã Trạm Thản cho biết, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…, Trạm Thản không quên giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau thông qua các buổi nói chuyện truyền thống, những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thường xuyên quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng…
Ở Trạm Trản hôm nay, người dân vẫn ca vang bài ca Trạm Thản anh hùng: “Ai là dân quân du kích, ai là người dân Trạm Thản mới có niềm tự hào về truyền thống kháng chiến, về truyền thống xây dựng…Quân với dân một ý chí đã làm nên chiến thắng Trạm Thản anh hùng, để hôm nay quê tôi xứng danh anh hùng”./.
Tạ Văn Toàn