60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023): Truyền thống “đất mỏ” và những ấn tượng tăng trưởng
Hà Nội (TTXVN 28/10/2023)
Trong lời nói đầu của cuốn Địa chí Quảng Ninh, Giáo sư Vũ Khiêu viết: “Quảng Ninh có thể coi là một trong những mảnh đất kỳ lạ của hành tinh, một sản phẩm có một không hai, vừa là của tạo hóa, vừa là của chính con người.” Quả thật, kể từ ngày thành lập vào ngày 30/10/1963, Quảng Ninh đã không ngừng khẳng định vị thế là một vùng đất đặc biệt, một “Việt Nam thu nhỏ”.
* Một “Việt Nam thu nhỏ”
Tròn 60 năm trước, ngày 30/10/1963, khi thực hiện hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh – nghĩa là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Vùng đất đó là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất của văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ và sự hội tụ, giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc, hình thành nên giá trị cốt lõi của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của người Quảng Ninh…
Nằm ở cực Đông Bắc của Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh nổi tiếng là một vùng "địa linh, nhân kiệt”, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” vì có biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới cả trên bộ và trên biển... Không chỉ có vị trí chiến lược về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại, Quảng Ninh còn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều tài nguyên khoáng sản dồi dào. Kỳ tích của tạo hóa và lịch sử để lại trên mảnh đất này hàng ngàn di tích, trong đó có hơn 500 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, như Vịnh Hạ Long - Di sản, kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; danh thắng Yên Tử - trung tâm Phật giáo của Việt Nam...
Quảng Ninh là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho miền Nam ruột thịt, cùng với nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu, giành những thắng lợi to lớn. Trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, quân và dân Quảng Ninh lập nhiều chiến công vang dội: ra quân đánh thắng ngay trận đầu khi đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày 5/8/1964; trực tiếp đánh trả trên 5.000 trận tập kích, bắn rơi 200 máy bay, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cả dân tộc.
* Những ấn tượng tăng trưởng
Tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá đã được truyền lửa qua các thế hệ người dân đất mỏ. Nhờ đó, Quảng Ninh ngày nay đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Theo dữ liệu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Quảng Ninh là một trong 2 tỉnh của cả nước có tới 4 thành phố, bao gồm Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí. Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 thì đến năm 2025, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn).
Khai thác được lợi thế về vị trí và thế mạnh về tài nguyên, nhân lực, Quảng Ninh đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong đó phải kể đến những trụ cột là Trung tâm sản xuất công nghiệp (khai thác than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng…) phục vụ đầu vào trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; Trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, thu hút hàng triệu khách quốc tế mỗi năm với những điểm du lịch độc đáo, hút khách như di sản vịnh Hạ Long - một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, vùng đất thiêng Yên Tử - nơi khai sinh ra phái Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - dòng Phật giáo đặc trưng nổi tiếng tại Việt Nam; Trung tâm thương mại dịch vụ cửa khẩu quốc tế, trong đó cửa khẩu Móng Cái đã từng là nơi được Trung ương lựa chọn và thí điểm thành công chính sách mở cửa biên giới năm 1996 và hiện là cửa ngõ quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 2023 chiếm 30% GRDP của tỉnh. Trước năm 2020 kinh tế số của Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP, năm 2022 con số này đã tăng lên 8% và dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP. Với hướng đi đúng đắn, triển khai quyết liệt, mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh đang dần được thực hiện.
Không chỉ luôn mạnh mẽ phát triển, Quảng Ninh còn vững vàng chủ động trong khó khăn thách thức. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19, Quảng Ninh luôn là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch, đồng thời giữ được đà tăng trưởng kinh tế GRDP hơn hai con số trong 7 năm liên tiếp (từ 2016 đến 2022). Đây có thể coi là một “kỳ tích” trong bối cảnh chung của cả nước lúc bấy giờ.
9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu ấn nổi bật với tốc độ tăng trưởng trên 9,9%. Có thể nói, mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh trên 11% cả năm 2023 đã ở trong tầm tay.
Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh. Đây là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Từ chiến tranh đến hòa bình, từ quá khứ đến hiện tại, Quảng Ninh vẫn luôn là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, là “phên dậu” che chắn khu vực Đông Bắc của Tổ quốc. Đây cũng là phòng tuyến hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế với hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng. Quảng Ninh hiện duy trì mối quan hệ đối ngoại hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố thuộc các nước Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống với hiện đại, cùng với sự giao thoa văn hóa hội nhập quốc tế đã tạo nên cốt cách con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, văn minh, thân thiện. Đó là thế mạnh, là nguồn lực to lớn để làm nên sức mạnh trường tồn của vùng đất phên dậu Tổ quốc, là tiền đề để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu "xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc", ngày càng nâng cao hơn vị thế của mình trước sự thay đổi, cạnh tranh, phát triển toàn diện, mạnh mẽ của thế giới./.
Thu Hạnh (tổng hợp)
- Từ khóa:
- Quảng Ninh