70 năm Bộ đội Pháo cao xạ (1/4/1953-1/4/2023): “Thà chết chứ nhất định không chịu rời mâm pháo”

Đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là phải có lực lượng phòng không mạnh để đánh máy bay địch, bảo vệ đội hình chiến đấu và người dân cùng các tuyến giao thông, ngày 1/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 - Trung đoàn Pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, ngày 1/4 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Pháo cao xạ.
Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367 ngày 10/6/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Trong hoàn cảnh một đất nước, một quân đội chưa có không quân, thì Binh chủng Pháo cao xạ lại càng rất quan trọng. Trung đoàn 367 là một trong những đơn vị có trang bị tương đối hiện đại đầu tiên của Quân đội ta, sẽ làm cơ sở và nòng cốt cho việc phát triển lực lượng phòng không to lớn sau này. Sự ra đời của Pháo cao xạ đánh dấu một bước trưởng thành của Quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy hiện đại”.

* “Thà chết chứ nhất định không chịu rời mâm pháo”
Ngày 15/4/1953, tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, được sự ủy nhiệm của Bộ Quốc phòng, đồng chí Ngô Từ Vân công bố Quyết định thành lập Trung đoàn 367 và sơ bộ biên chế thành các trung đội, đại đội, tiểu đoàn.
Theo Quyết định 06/QĐ, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được biên chế gồm 6 tiểu đoàn hỏa lực mang các phiên hiệu 381, 383, 385, 392, 394, 396. Mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội pháo 37mm (12 khẩu) và 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm (12 khẩu). Một tiểu đoàn lái xe kéo pháo, xe vận tải và thợ sửa chữa mang phiên hiệu tiểu đoàn 690. Ban chỉ huy Trung đoàn đầu tiên do đồng chí Lê Văn Tri làm Trung đoàn trưởng và đồng chí Đoàn Phụng là Chính ủy.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với quyết tâm cắt đứt “cầu hàng không” tiếp viện của địch, bám sát và yểm trợ đội hình tiến công của bộ binh, ròng rã 9 đêm liền, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367 đã cùng các đơn vị bạn dùng sức người kéo từng khẩu pháo vượt qua nhiều đồi cao, vực sâu để vào trận địa; rồi lại bằng sức người kéo từng khẩu pháo ra chuẩn bị lại để đánh chắc thắng, thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Kéo pháo vào đã khó khăn nhưng kéo pháo ra còn gian khổ và khó khăn hơn nhiều. Địch đã phát hiện ra đường kéo pháo của ta, chúng đánh phá suốt ngày đêm, nhất là những nơi hiểm trở. Đêm ngày 1/2/1954, trong lúc kéo pháo ra, Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện (Đại đội 827, Tiểu đoàn 394) đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình chèn bánh pháo. Đây là người anh hùng Lực lượng vũ trang Phòng không đầu tiên của Quân đội ta và của bộ đội Phòng không-Không quân ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 14/3/1954, đại đội Pháo cao xạ 815 lần đầu nổ súng, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát “Mo ran” đầu tiên của địch tại Điện Biên Phủ. Với chiến công xuất sắc này, Đại đội 815 được Ban chỉ huy Trung đoàn tặng cờ “Lập công đầu” và Bộ tổng Tư lệnh thưởng Huân chương Quân công Hạng Ba.
Sự xuất hiện của Pháo cao xạ làm tăng thêm niềm phấn khởi, tin tưởng và cổ vũ cán bộ, chiến sĩ thi đua lập công trên khắp các mặt trận, đồng thời làm cho thực dân Pháp bàng hoàng, khiếp sợ. Chúng tăng cường chống phá và mở chiến dịch “tiêu diệt pháo cao xạ Việt Minh”. Trong mưa bom, bão đạn, các chiến sĩ Trung đoàn Pháo cao xạ 367 nêu cao khẩu hiệu “Còn một người, còn một khẩu pháo, còn một viên đạn còn chiến đấu”, “Thà chết chứ nhất định không chịu rời mâm pháo”. Với ý chí quyết tâm ấy, sau 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, Bộ đội pháo cao xạ cùng các tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm của các Đại đoàn Bộ binh ở Điện Biên Phủ đã bám sát đội hình chiến đấu của chiến dịch, đập tan ưu thế tuyệt đối về không quân của thực dân Pháp, chặt đứt cầu hàng không chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các chiến sĩ pháo cao xạ đã bắn rơi 52 máy bay trong tổng số 62 máy bay địch, bắn bị thương 117 chiếc; trong đó, bắn rơi cả loại B.24 cải tiến mà thực dân Pháp thường huênh hoang là “pháo đài bay”, “không súng phòng không nào có thể bắn hạ”.
Chiến thắng của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 ở Điện Biên Phủ đã khẳng định sự trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt của Bộ đội Phòng không Việt Nam. Từ những tổ săn máy bay nhỏ lẻ, tiến lên tham gia chiến dịch hiệp đồng binh chủng, bước đầu hình thành nghệ thuật tác chiến phòng không, thể hiện ý chí kiên cường, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của bộ đội Phòng không Việt Nam.

* Lập nhiều chiến công xuất sắc
Từ những hạt giống đỏ của Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên, đến đầu những năm 1960, lực lượng pháo cao xạ đã phát triển thành một binh chủng hiện đại với hàng chục Trung đoàn gồm cả tầm trung và tầm thấp, trở thành lực lượng có vai trò quan trọng trong đội hình chiến đấu của Quân chủng Phòng không-Không quân, trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không chống lại cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ, đặc biệt là đập tan cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B.52 vào tháng 12/1972. Trong chiến dịch 12 ngày đêm này, Bộ đội pháo cao xạ là lực lượng chủ yếu đánh ban ngày với các loại máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ, bảo vệ an toàn cho các sân bay, các trận địa tên lửa ra đa và các mục tiêu trọng yếu khác, ban đêm trực tiếp tham gia đánh các loại máy bay gây nhiễu, hộ tống cho đội hình B.52. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, bộ đội pháo cao xạ đã đánh 1.191 trận, bắn rơi 28 máy bay (trong đó có 3 máy bay B.52), tạo điều kiện cho các đơn vị tên lửa, không quân lập công, hạn chế sự đánh phá ác liệt của các loại máy bay cường kích, góp phần làm nên Chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội pháo cao xạ đã có mặt trong đội hình các chiến dịch và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, các lực lượng Pháo cao xạ đã bắn rơi 51 máy bay địch, trong đó có 19 chiếc rơi tại chỗ. Trong chiến dịch Huế-Đà Nẵng tháng 4/1975, lực lượng Pháo cao xạ đánh 90 trận trên không, bắn rơi 14 máy bay địch, và đánh 137 trận mặt đất, mặt nước, diệt 30 lô cốt, 2 xe bọc thép, bắn chìm 2 tàu chiến. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4 đến 30/4/1975), các lực lượng pháo phòng không nhanh chóng cơ động, bám sát các mũi tấn công của các binh đoàn chủ lực, hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 43 máy bay địch, trong đó có 14 chiếc rơi tại chỗ, bảo vệ an toàn đội hình tấn công của bộ binh trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các lực lượng pháo cao xạ của ba thứ quân đã bắn rơi gần 3.100 máy bay, gồm các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ, chiếm gần 75% số máy bay của Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi. Trong đó, Bộ đội pháo cao xạ của Quân chủng Phòng không-Không quân đã bắn rơi 1.502 chiếc, bằng 57% tổng số máy bay Mỹ bị Quân chủng Phòng không-Không quân bắn rơi, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những chiến công và thành tích xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng, Binh chủng pháo cao xạ (trước đây), 19 đơn vị cấp Trung, Lữ đoàn, 26 lượt/25 đơn vị cấp tiểu đoàn, đại đội và 15 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều huân, huy chương các loại.

* Xây dựng lực lượng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
Trải qua 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân, Bộ đội pháo cao xạ Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều, từ thô sơ đến hiện đại, vượt qua mọi khó khăn thử thách chiến đấu hy sinh, càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó.
Ngày nay, mặc dù tác chiến đường không đã có sự thay đổi căn bản và đặt ra yêu cầu rất cao, song với sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, vai trò của pháo cao xạ trong lực lượng phòng không ba thứ quân vẫn hết sức quan trọng. Pháo cao xạ là một trong các lực lượng chủ yếu của thế trận phòng không nhân dân tiêu diệt các phương tiện đột nhập, tiến công đường không, bảo vệ các mục tiêu yếu địa của Tổ quốc và tham gia bảo vệ các lực lượng trong từng khu vực phòng thủ của đất nước. Pháo cao xạ cùng với các lực lượng tên lửa phòng không, không quân và các loại hỏa lực phòng không khác tạo nên một hệ thống hỏa lực liên hoàn, rộng khắp nhiều tầng, nhiều lớp, có hiệu quả, tiêu diệt các phương tiện xâm nhập và tập kích đường không của các thế lực thù địch.
Để bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, phát huy truyền thống của Bộ đội pháo cao xạ anh hùng, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng pháo cao xạ không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xử lý các tình huống phức tạp trên biển, đảo và biên giới đất liền, khu vực trọng điểm, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Cùng với huấn luyện, lực lượng pháo cao xạ tiếp tục tích cực, chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhanh chóng tiếp thu làm chủ vũ khí trang bị mới, hiện đại; đồng thời tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó, đặc biệt là tác chiến điện tử trong chiến tranh công nghệ cao.
Với truyền thống vẻ vang của mình, lực lượng pháo cao xạ hôm nay sẽ kế tục xứng đáng các thế hệ cha anh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh./.

Hoàng Yến (tháng 3/2023)