70 năm Cảnh vệ công an nhân dân (16/2/1953-2023): Bài 1: Một chương mới của lực lượng Cảnh vệ công an nhân dân

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 13/02/2023) Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Cục Cảnh vệ từ một số chiến sỹ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ. Sau này, ngày 16/2 được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.

        Trong bảy thập kỷ qua, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ cũng như trong thời kỳ hòa bình, đổi mới và xây dựng đất nước, lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Cảnh vệ luôn tỏ rõ bản lĩnh kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, kiên cường, mưu trí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

       * Một chương mới của lực lượng Cảnh vệ

Bác Hồ cùng các chiến sỹ cảnh vệ trên đường đi công tác ở Định Hóa (Thái Nguyên) năm 1947

         Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc. Ngay từ thời điểm đó đã có một tổ công tác đi theo Người làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ. Đây là những chiến sĩ Cảnh vệ được vinh dự bảo vệ Bác Hồ và cũng là những nhân tố đầu tiên đặt nền móng xây dựng lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam. Kể từ đây, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo và khu căn cứ qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, lực lượng Cảnh vệ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.         

        Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 28/1/1941, Ban Công tác đội đã cử tổ công tác sang Côn Minh (Trung Quốc) bảo vệ và đón Bác về nước. Tổ công tác gồm các đồng chí Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc, Thế An… Đây là những chiến sĩ Cảnh vệ đầu tiên vinh dự được bảo vệ Bác Hồ. Tháng 5/1941, Ban Công tác đội đã phối hợp với Đội tự vệ, du kích địa phương bảo vệ an toàn Hội nghị Trung ương 8 do Bác chủ trì tại Pác Bó.

      Để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 5/1945, Bác từ Pác Bó (Cao Bằng) chuyển về căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang). Phương án bảo vệ Người lúc này được tổ chức chặt chẽ hơn, lực lượng bảo vệ được chia ra làm nhiều tổ và nhiều vòng. Tổ bảo vệ trực tiếp gồm các đồng chí Đinh Đại Toàn, Văn Lâm, Trần Đình, Ngọc Hà… Đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Thường trực Ủy ban quân sự Bắc Kỳ (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân) được Trung ương giao trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ Bác và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương.

        Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng và Bác chuyển về Hà Nội. Công tác bảo vệ Bác từ Tân Trào về Thủ đô đã được tiến hành theo phương án hết sức chặt chẽ và chia thành nhiều chặng, mỗi chặng đều có bộ phận tiền trạm đi trước để liên hệ và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức công tác điều tra nắm tình hình và tiến hành bảo vệ.

        Ngày 25/8/1945, Tổ bảo vệ đã đưa Bác chuyển về số 48 phố Hàng Ngang - Hà Nội. Để bảo vệ địa điểm bí mật này, tổ bảo vệ đã phối hợp với lực lượng của Sở Liêm phóng Bắc Bộ do đồng chí Chu Đình Xương phụ trách. Công tác chuẩn bị phương tiện đi lại cho Người do lực lượng điệp báo nội thành phụ trách.

        Ngày 2/9/1945, Lễ mít tinh lịch sử được tổ chức tại Vườn hoa Ba Đình. Tại đây, Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bảo vệ tiếp cận Bác trong buổi lễ là đồng chí Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ và các đồng chí trong tổ bảo vệ phối hợp với các chiến sĩ thuộc đơn vị của đồng chí Đàm Quang Trung từ Chiến khu về.

        Trong thời gian cuối 1945 và năm 1946, vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Ban Thường vụ kháng chiến (sau này là Phó Chủ tịch nước giai đoạn 1969-1979) được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ Bác và các đồng chí Thường vụ Trung ương đã bố trí nhiều địa điểm bí mật ở nội thành và ngoại thành Hà Nội, kịp thời thay đổi địa điểm khi có yêu cầu. Mặc dù công tác bảo vệ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Tổ bảo vệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Chính phủ trở lại chiến khu Việt Bắc. Trên đường trở lại chiến khu, để thể hiện đường lối và ý chí kháng chiến của dân tộc ta, ngày 5/3/1947, tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Bác đã đặt tên cho 8 chiến sỹ Cảnh vệ là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Đây là những chiến sĩ Cảnh vệ tiền bối vinh dự được Bác Hồ đặt tên, sau này đã trở thành các đồng chí lãnh đạo giữ những vị trí chủ chốt của các cơ quan, đơn vị đã đi vào lịch sử truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.

       Với yêu cầu bảo vệ tuyệt đối an toàn khu và đập tan âm mưu xâm nhập ám sát, phá hoại của gián điệp, cuối năm 1949, Nha Công an thành lập một Đại đội vũ trang với tên gọi Đại đội Độc lập (hay còn gọi là Đại đội Hoàng Hữu Nam, Đại đội 123) quân số khoảng 80 người làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ, chốt chặn các trạm ra vào khu căn cứ. Cũng vào thời gian này, lực lượng vũ trang chuyên trách bảo vệ Bác được thành lập, lấy tên là Tiểu đội AD và AT, sau đó phát triển thành Đại đội 32, Tiểu đoàn 600 (nay là Trung đoàn 600 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Ngoài việc bảo vệ tuyệt đối an toàn an toàn khu và Bác, công tác bảo vệ còn đảm bảo an toàn các chuyến đi trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch của Bác và các đồng chí Thường vụ Trung ương giai đoạn này.

        Trước bối cảnh trường kỳ đòi hỏi phải có lực lượng đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ, ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 141 thành lập Cục Cảnh vệ. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời và trưởng thành, đồng thời mở ra một chương mới của lực lượng Cảnh vệ, góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ghi thêm một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.

        Tại chương trình giao lưu nghệ thuật với các nhân chứng lịch sử mang tên “Cảnh vệ Công an nhân dân - 70 mùa hoa chiến công” (ngày 25/11/2022), Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND nhấn mạnh, việc ra đời của lực lượng Cảnh vệ CAND có rất nhiều ý nghĩa, vừa để đáp ứng một yêu cầu của nhiệm vụ thời điểm đó là tăng cường bảo vệ đảng; vừa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công tác cảnh vệ, việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ chuyên trách.

       “Việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ thời kỳ này gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ đối mặt với những khó khăn chung thời kỳ đó như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh sốt rét, điều kiện sinh hoạt kham khổ, giao thông khó khăn, lực lượng Cảnh vệ luôn phải đối mặt với rất nhiều nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ do công việc, lịch trình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ thời kỳ đó rất bộn bề. Mặt khác, do mới ra đời nên biên chế lực lượng rất ít, những tri thức và kinh nghiệm về công tác cảnh vệ gần như chưa có. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều chưa được đào tạo chuyên sâu, những điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho công tác cảnh vệ gần như chưa có gì, đều phải dùng bằng trí và sức người, phải dựa vào nhân dân, khó khăn muôn vàn. Nhưng lịch sử đã ghi nhận, lực lượng Cảnh vệ đã vượt qua tất cả những khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban khẳng định.

        * Công tác cảnh vệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

       Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. Theo Hiệp định, đất nước ta tạm thời bị chia làm hai miền Nam-Bắc. Trong bối cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ đã cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thi đua thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực chi viện và đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

        - Ở miền Bắc

        Cục Cảnh vệ đã phối hợp với Công an các đơn vị địa phương, với các cấp, các ngành bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan đầu não Trung ương, Chính phủ, các cuộc mít tinh, hội nghị do Đảng, Nhà nước tổ chức, bảo vệ Đại sứ quán các nước và các đoàn chuyên gia của các nước xã hội chủ nghĩa sang giúp Việt Nam.

      Ngày 20/11/1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 57/NQ-TW quy định về chế độ bảo vệ. Đây là văn bản đầu tiên của Trung ương Đảng quy định về công tác cảnh vệ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công tác cảnh vệ.

      Ngày 7/2/1962, nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác năm của Cục Cảnh vệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh vệ tại trụ sở của đơn vị, số 1 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Người đã căn dặn: “… Muốn bảo vệ thì người bảo vệ: Phải biết đánh địch; Phải biết võ giỏi; Phải khỏe; Phải bắn súng giỏi; Muốn bảo vệ tốt: Phải có kỹ thuật; Phải giữ được bí mật và phải có thái độ tốt đối với đồng bào…”. Lời chỉ dạy của Bác, đã được cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ luôn lấy đó làm quan điểm, phương châm, biện pháp và yêu cầu công tác để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Bác và Nhân dân giao phó.

       Ngày 18/01/1964, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 18 đã chỉ rõ: “Phải tăng cường công tác bảo vệ lãnh tụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong tình hình bình thường cũng như khi có tình huống đột xuất xảy ra. Nghiên cứu, cải tiến hơn nữa các phương án bảo vệ, quan hệ giữa lực lượng Cảnh vệ với lực lượng vũ trang để vừa hợp lý về tổ chức, vừa tránh được sơ hở trong công tác”. Quán triệt sâu sắc quan điểm này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ đã mang hết tinh thần trách nhiệm, trung thành tận tụy, không quản hy sinh gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong công tác đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, đó là đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Đoàn dũng cảm lấy thân mình che chở cho nữ Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Vê-nê-zu-ê-la khi bị máy bay Mỹ đánh phá (năm 1966); đồng chí Trần Văn Nhỏ nêu cao tinh thần tận tụy phục vụ công tác, 9 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

       Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, trước những thay đổi mau lẹ của tình hình, cùng với hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta diễn ra rất khẩn trương, liên tục, không những ở trong nước mà còn sang thăm các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đặc biệt là chuyến thăm Liên Xô và Trung Quốc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 1973 do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu. Tuy khó khăn, nhưng lực lượng Cảnh vệ vẫn đảm bảo an toàn, đáp ứng tốt yêu cầu chính trị và ngoại giao.

        Đặc biệt, Cục Cảnh vệ được phân công bảo vệ 2 phái đoàn dự Hội nghị Paris (Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Hội nghị kéo dài gần 5 năm, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 phiên họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng trăm cuộc gặp gỡ chính khách, lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, Việt kiều và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Dù công tác bảo vệ các phái đoàn Việt Nam được tiến hành tại nước Pháp, có rất nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn 2 phái đoàn đàm phán, bảo vệ tốt các tài liệu bí mật, các kế hoạch đấu tranh trên bàn đàm phán, đảm bảo bí mật nội dung thông tin liên lạc của ta ở Parsi và Hà Nội, góp phần quan trọng vào thành công Hội nghị.

         - Ở miền Nam

       Sau năm 1954, Mỹ hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp cách mạng Việt Nam với âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Do tính chất phức tạp của cuộc chiến tranh nên yêu cầu bảo vệ an toàn Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Trung ương Cục) đặt ra cho công tác cảnh vệ ở miền Nam vô cùng nặng nề. Trước tình hình đó, ngày 18/10/1956, Xứ ủy Nam Bộ đã quyết định thành lập đơn vị bảo vệ, phiên hiệu là C80 - An ninh vũ trang (sau này đổi tên là Đoàn 180 - tiền thân của Phòng Bảo vệ 180, nay là Phòng Cảnh vệ miền Nam - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) có nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và căn cứ địa cách mạng.

        Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, Đoàn 180 đã cùng với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 23 lần di chuyển cơ quan, bảo vệ an toàn 1.277 lượt các đồng chí lãnh đạo đi công tác đường xa, bảo vệ và phục vụ hàng trăm hội nghị lớn nhỏ tại khu căn cứ. Đơn vị đã xây dựng được 46 căn cứ và hàng trăm căn nhà, đào hàng trăm căn hầm kiên cố và hàng nghìn mét giao thông hào. Để bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo và cơ quan đầu não Trung ương Cục, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tham gia chiến đấu 413 trận lớn nhỏ; góp phần vào thành tích chung của lực lượng CAND, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

       Trong chiến đấu và bảo vệ đã có biết bao tấm gương hy sinh anh dũng, tận tụy quên mình để bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo và khu căn cứ, tiêu biểu là Anh hùng, liệt sỹ Phạm Thành Lượng, Anh hùng Đoàn Phước Truyền, Anh hùng Trần Văn Năm, Anh hùng Ngô Thanh Nguyên cùng gần 500 cán bộ, chiến sĩ ưu tú đã anh dũng hy sinh hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, máu đào của các anh đã tô thắm thêm lá cờ truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân./.

Phương Dung

Bài 2: Xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân