Hà Nội (TTXVN 16/7/2024) Tròn 70 năm trước, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết. Đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc ta trong thế kỷ XX; đồng thời cũng là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, là thành quả lớn đầu tiên của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam trên vũ đài quốc tế. Từ đó đến nay, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trải qua nhiều chặng đường lịch sử, song ý nghĩa lịch sử và bài học từ Hội nghị Geneva đối với công tác đối ngoại phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

* Quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao

Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã liên tiếp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được. Với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, với ý chí quật cường, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động mọi nguồn lực quyết tâm đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Ảnh: TTXVN

Cuối năm 1953, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao. Ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó” [1].

Trong khi đó, tình hình thế giới đầu những năm 1950, trong xu thế hòa hoãn, các nước lớn bắt đầu thỏa hiệp, muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp thỏa thuận sẽ triệu tập Hội nghị quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneva khai mạc. Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia của Việt Nam.

Ngày 1/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 2/5/1954, Anh, Pháp, Mỹ thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam. Đến ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chỉ một ngày sau đó, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương.

* 1 trong 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược

Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương (1954) chụp ảnh chung tại Trụ sở phái đoàn ở Villa Cadre. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo đó, thành phần tham dự Hội nghị gồm 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương Quốc Lào và Vương Quốc Campuchia. Hội nghị diễn ra qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (từ 8/5 đến 19/6/1954): Trong giai đoạn này, ngoài việc trao đổi chương trình nghị sự, các Đoàn trình bày lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Sau 4 phiên họp toàn thể và 8 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 29/5/1954, Hội nghị Geneva ra quyết định: (1) Ngừng bắn toàn diện và đồng thời; (2) Đại diện hai bên gặp nhau ở Geneve để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng việc phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam. Do lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm. Đến ngày 19/6/1954, Mendès France lên cầm quyền, hứa với Quốc hội Pháp trong vòng một tháng sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là sự kiện quan trọng góp phần phá vỡ bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển.

Tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội Việt Nam chiều 7/5/1954 được truyền đến Geneva và ngay sáng sớm ngày 8/5 (giờ Geneva), vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự. Ảnh: Tư liệu TTXVN

- Giai đoạn 2 (từ 20/6 đến 10/7/1954): Trong giai đoạn này, hầu hết các Trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở lại. Các Quyền trưởng đoàn tổ chức các cuộc họp hẹp và họp Tiểu ban quân sự Việt - Pháp bàn vấn đề tập kết, chuyển quân, thả tù binh và việc đi lại giữa hai miền. Vấn đề phân định vĩ tuyến tại Việt Nam trở thành nội dung đàm phán chính với các hoạt động gặp gỡ, trao đổi quan điểm của các bên. Nhìn chung, các cuộc họp hẹp ở Geneva trong giai đoạn này không có tiến triển gì đáng kể.

- Giai đoạn 3 (từ ngày 11 đến 21/7/1954): Trong 10 ngày cuối của Hội nghị đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi hai bên, ba bên hoặc nhiều bên giữa các Trưởng đoàn. Các phiên họp chủ yếu đàm phán, thỏa thuận về phân chia vĩ tuyến làm ranh giới tạm thời; thông qua các văn kiện, kể cả các điều khoản thi hành Hiệp định. Cuối cùng là phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị. Các văn bản được ký kết tại Hội nghị, gồm: 3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; 1 bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; 2 bản tuyên bố riêng của đoàn Mỹ và đoàn Pháp; Các công hàm trao đổi giữa Việt Nam và Pháp.

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tại phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, sáng 8/5/1954 với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Vậy là, trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Geneva đã được ký kết với nhiều nội dung.

Trong đó, nội dung đối với riêng Việt Nam bao gồm: những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình: ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ...

Bên cạnh đó là những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào.

Những điều khoản chính trị: Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; Hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử vào tháng 7/1956; tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.

Ngoài ra còn có những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành Hiệp định là Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập.

* Thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam

Hiệp định Geneva là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 (giờ Geneva), tức sáng 21/7/1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Hiệp định Geneva đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.

Hội nghị Geneva để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Một là, luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hai là, tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý cũng như nhân dân thế giới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế; ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của Nhân dân Việt Nam và Nhân dân thế giới.

* Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử

Nhìn lại 7 thập kỷ kể từ ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, đặc biệt từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của đông đảo người dân Thủ đô. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Đến nay, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên gấp nhiều lần; đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Việt Nam hiện đứng thứ 35 trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD. Việt Nam cũng nằm trong top 20 về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần 200% so với quy mô GDP, Việt Nam là nền kinh tế năng động trong ASEAN.

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Sức mạnh tổng hợp, cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), APEC, ASEAM, WTO… nhất là: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 (với số phiếu kỷ lục 192/193); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023-2025, Ủy ban Liên Chính phủ Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể của UNESCO; Ủy ban Luật pháp Quốc tế nhiệm kỳ 2023-2027, Chủ tịch ASEAN các năm 1998, 2010, 2020… đóng góp tích cực cho công cuộc gìn giữ hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới.

“Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như ngày nay” [2].

Phát huy bài học kinh nghiệm từ việc ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; tiếp tục phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Minh Duyên (tổng hợp)

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr.340-341.
[2] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32.