75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam: Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Hà Nội (TTXVN 8/1/2025) 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo, dìu dắt của Bác Hồ kính yêu, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng là người bạn đồng hành của sinh viên Việt Nam. Những cống hiến to lớn của các thế hệ học sinh, sinh viên, mà biểu tượng sáng ngời là tinh thần bất khuất và sự hy sinh anh dũng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Ơn trong sự kiện lịch sử ngày 9/1/1950 đã góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc.
* Trang sử hào hùng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Vận mệnh của dân tộc, sự phát triển của đất nước tùy thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của thanh niên. Thanh niên là một lực lượng to lớn, là đội quân xung kích trên mọi mặt trận của cách mạng. Đồng thời, chỉ rõ: Muốn đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi đến thắng lợi phải có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản, phải tổ chức lực lượng toàn dân tham gia cách mạng. Muốn vậy, trước tiên phải giác ngộ cách mạng cho thanh niên, từ thức tỉnh thanh niên để thức tỉnh dân tộc, hướng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản.
Theo đó, trong giai đoạn 1925-1945, được Người giác ngộ, nhiều tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời: Học sinh Đoàn, Sinh hội đỏ, Tổng Hội Sinh viên… đã đoàn kết, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho học sinh, sinh viên; tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên góp phần làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám - thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong tình thế như "ngàn cân treo sợi tóc", Người động viên và giao nhiệm vụ cho thanh niên cả nước đi đầu trong việc tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ, thực hành đời sống mới, khẳng định thanh niên là lực lượng chính trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Những năm 1947-1949, ở Sài Gòn, Huế và Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đang dạng, như: bãi khoá, yêu sách cải tổ chính sách giáo dục, yêu sách chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh, trả tự do cho các học sinh bị bắt… Tiêu biểu là ngày 9/1/1950, hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập, trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Trong cuộc đấu tranh ấy, người thanh niên Trần Văn Ơn đã hy sinh anh dũng… Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 làm Ngày truyền thống học sinh-sinh viên.
Ngọn lửa trong tim người học trò dũng cảm Trần Văn Ơn đã lan tỏa, bừng cháy thành những ánh đuốc soi đường cho học sinh-sinh viên dấn thân vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc, làm nên một thời trui rèn trong lửa đỏ kiên cường.
Trong 9 năm kháng chiến đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, học sinh, sinh viên phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và lao động sản xuất, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có một phong trào không chỉ đi vào lịch sử dân tộc mà còn khắc sâu vào trái tim của bao thế hệ, đó là phong trào “xếp bút nghiên lên đường ra trận” của thanh niên, học sinh và sinh viên miền Bắc, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội. Hơn một vạn sinh viên các trường đại học ở Thủ đô đã rời ghế nhà trường, xếp bút nghiên lên đường tòng quân, tham gia đánh giặc. “Xếp bút nghiên” đã vượt ra phạm vi của một cuộc kháng chiến, trở thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ, là minh chứng cho sức mạnh của ý chí và lòng yêu nước.
Tại miền Nam thành đồng Tổ quốc, học sinh, sinh viên luôn được xem là “ngòi pháo phong trào” nổ ra đầu tiên trong hầu hết các cuộc đấu tranh của các giới đồng bào đô thị, với quy mô tổ chức lớn mạnh và lực lượng tham gia hùng hậu, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Các phong trào đấu tranh diễn ra liên tục, phong trào nối tiếp phong trào, người trước anh dũng ngã xuống, người sau kiên cường đứng lên, với mỗi một phong trào đều hết sức quyết liệt, tạo thành một làn sóng không gì cản nổi, góp phần đưa cách mạng ngày càng tiến lên, giành thắng lợi.
* Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
75 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn lịch sử nào, thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam luôn phát huy sức mạnh, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước để xây dựng lớp lớp học sinh, sinh viên sáng tạo, tình nguyện và hội nhập.
Bước vào thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên tiếp tục phát động rộng rãi trong học sinh, sinh viên các phong trào “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt”, phong trào sinh viên tình nguyện, phong trào “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” “Sinh viên 5 tốt”… Các phong trào đã vận động đông đảo học sinh, sinh viên tham gia vào nhiều lĩnh vực mới, địa bàn khó khăn, đòi hỏi sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ.
Nếu như trong điều kiện khó khăn ở các thời kỳ cách mạng, hình ảnh người học sinh, sinh viên anh dũng vượt qua mọi thiếu thốn vật chất để học tập, nghiên cứu, tham gia xoá mù chữ cho đồng bào dưới những căn hầm chật chội, trong lòng địa đạo thời kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã làm cho bạn bè trên thế giới xúc động và ngưỡng mộ. Thì trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong lao động, vươn tới đỉnh cao của khoa học, công nghệ, văn học-nghệ thuật, thể dục thể thao... Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương về kết quả, thành tích các cuộc thi Olympic quốc tế dành cho học sinh. Các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế luôn đạt thành tích xuất sắc, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn dự thi Olympic quốc tế, giành 12 huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc, 10 huy chương Đồng. Tính chung kết quả của giai đoạn 2020-2024, số lượng huy chương Vàng, Bạc và tổng số huy chương đều tăng qua từng năm, vị trí top 10 của Việt Nam ở hầu hết các môn thi được giữ vững, nhiều môn đã vươn lên top 2, top 3 thế giới.
Cùng với đó, học sinh, sinh viên cả nước tích cực hưởng ứng các phong trào, chương trình có ý nghĩa, như: “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, "Sinh viên 5 tốt", “Học sinh 3 tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Mùa hè xanh”, “Hiến máu nhân đạo”, "Tiếp sức mùa thi"… Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch bệnh COVID-19, hàng trăm đoàn viên, sinh viên đã không quản ngại ngày đêm, vượt mọi khó khăn tham gia vào tuyến đầu cùng chung tay góp sức chống dịch.
Từ thực tiễn các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh, sinh viên sống đẹp, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Nhiều học sinh, sinh viên được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, góp phần hình thành một lớp học sinh, sinh viên Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với lòng yêu nước nồng nàn, có bản lĩnh, tri thức, có khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế.
Trong năm học 2023-2024, trên cả nước đã có 553 “Học sinh 3 tốt”, 21 “Học sinh 3 rèn luyện”, 357 “Sinh viên 5 tốt”, 57 “Tập thể sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương và 112 sinh viên là cán bộ Đoàn - Hội nhận giải thưởng “Sao Tháng giêng”. Trong đó, có thể kể đến một số gương mặt học sinh, sinh viên tiêu biểu, như: Phạm Công Minh - học sinh lớp 12A2 Tin học, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), xuất sắc giành hai Huy chương Vàng tại kỳ Olympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương (APIO) và Olympic Tin học Quốc tế (IOI). Với thành tích nổi bật này, Công Minh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đó là Trần Minh Hoàng, lớp 12 Toán 1, trường THPT chuyên Hà Tĩnh, cũng đã được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì, khi đạt Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế năm 2024, Giải Nhất Olympic Hình học Iran năm 2023 và Giải Nhì Học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm học 2023-2024. Là Nguyễn Hòa Kim Thái - Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TP HCM), là Đảng viên, gương “Thanh niên sống đẹp” toàn quốc năm 2024 của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Thủ khoa tốt nghiệp toàn trường năm 2024, đồng thời là tác giả chính và đồng tác giả của hơn 15 công bố khoa học trên các tạp chí khoa học, hội thảo trong và ngoài nước.
Đánh giá cao và biểu dương thành tích xuất sắc của Hội sinh viên Việt Nam và các học sinh, sinh viên tiêu biểu đạt các danh hiệu và giải thưởng Sao tháng Giêng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Đảng ta luôn đề cao vai trò vị trí của thanh niên nói chung, của sinh viên nói riêng. Bối cảnh phát triển mới với sự phát triển nhanh chóng về phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất đang đặt ra cho thế hệ trẻ nước ta trước những yêu cầu không ngừng tích lũy học vấn, tri thức kỹ năng để đại diện, xứng đáng cho lực lượng sản xuất mới dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam; tuyên dương danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” cấp Trung ương và trao giải thưởng “Sao Tháng Giêng” năm 2024 (ngày 5/1/2025), Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Với niềm tin của Đảng gửi trọn vào thế hệ thanh niên, với bối cảnh mới, thời cơ mới, vận hội mới của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tôi kêu gọi mỗi học sinh, sinh viên luôn xác định tinh thần học tập không ngừng, nỗ lực tìm kiếm và chinh phục tri thức, có phương pháp học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, hăng say tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Thông qua các phong trào hành động cách mạng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, học sinh, sinh viên phải là những thanh niên tích cực, đi đầu góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cụ thể hoá và hiện thực hoá “mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.
Phương Phương (tổng hợp)