78 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 - 9/5/2023): Những chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva năm 1941 và ký ức của nhà báo Mai Quang Huy

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 08/05/2023) Cách đây 37 năm, tháng 10/1986, nhà báo Mai Quang Huy lúc đó là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Moskva, Liên Xô. Ông chơi rất thân với một số đồng nghiệp Liên Xô ở TASS, ở Novosti, ở đài phát thanh “Tiếng nói Moskva”và ở báo “Sự thật”… Ông và các đồng nghiệp Liên Xô khi đó gắn bó với nhau bởi một mối quan tâm chung, một đề tài viết chung trên báo chí hai nước - đó là về những sự kiện, những câu chuyện về tình hữu nghị và đoàn kết giữa Việt Nam và Liên Xô. Một trong những đồng nghiệp Liên Xô khi đó có gặp nhà báo Mai Quang Huy và cung cấp cho ông địa chỉ, nơi lưu giữ những tài liệu có liên quan đến thông tin về những chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô. Lần theo địa chỉ này, nhà báo Mai Quang Huy đã xác định được họ tên đầy đủ của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam tình nguyện tham gia chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô và đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva những năm 1941. Ông gửi thông tin này về Việt Nam và ngay lập tức được báo “Tuần Tin Tức” của Thông tấn xã Việt Nam đăng trong số 43 (179) ra ngày Thứ Bảy, 25/10/1986.

 

 Toàn văn thông tin này như sau:

“Các nhà nghiên cứu lịch sử Liên Xô cho biết: gần đây, với sự cộng tác tích cực của các đồng nghiệp Việt Nam, họ đã tìm được tên của 4 chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô Mát-xcơ-va năm 1941. Đó là: Vương Thục Thoại (bí danh là Lý Thục Chất), Nguyễn Sinh Thân (bí danh là Lý Nam Thanh), Hoàng Phan Tư (bí danh là Lý Anh Tạo) và Vương Thúc Chính.

Theo các nhà nghiên cứu, tháng 7-1926, đồng chí Hồ Chí Minh đã gửi một lá thư cho Chính phủ Liên Xô, đề nghị Liên Xô nhận một số trẻ em - con các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang hoạt động bí mật - sang học tập ở Liên Xô. Chính phủ Liên Xô đã tán thành đề nghị này. Theo thỏa thuận này, một nhóm thiếu nhi Việt Nam tuổi từ 12 đến 15 mà bản thân cũng đã tham gia tích cực trong phong trào bí mật (làm liên lạc) ở trong nước, đã được lựa chọn để sang Liên Xô học. Được một số đồng chí lớn tuổi đi dẫn đường, trải qua những con đường rất phức tạp và nguy hiểm, cuối cùng nhóm thiếu niên Việt Nam này đã tới được Mát-xcơ-va và bắt đầu học tập.

Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô bùng nổ. Các học sinh Việt Nam nằm trong số những công dân nước ngoài đầu tiên có mặt ở Liên Xô lúc đó, đã tình nguyện tham gia chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân và đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va - Thủ đô của nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới.

Các đồng nghiệp ở Ủy ban phát thanh và truyền hình Liên Xô cho biết: Trong chương trình truyền hình phát sang Việt Nam vào ngày 3-11-1986 tới, đài truyền hình Liên Xô sẽ phát một buổi đặc biệt giới thiệu về sự kiện này”.

Ngay sau khi thông tin này được đăng trên báo “Tuần Tin Tức”, thì một độc giả từ Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thư về Tòa soạn cảm ơn Báo và Nhà báo đã cung cấp thông tin mà nhờ đó ông (độc giả) và gia đình mới lần đầu tiên được biết tin tức về người thân là 1 trong 4 chiến sĩ nói trên. Và do độc giả nói trên có nhờ Tòa soạn “chuyển lời cảm ơn sâu sắc đến tác giả bài viết”, Văn phòng Thông tấn xã Việt Nam đã gửi bức thư nói trên sang Moskva cho nhà báo Mai Quang Huy. Ông đã lưu giữ bức thư này như một kỷ niệm vô giá về cuộc đời làm báo của mình.

Năm 1990, khi kết thúc nhiệm kỳ công tác đầu tiên ở Moskva về nước, ông đã đem theo bức thư này về Hà Nội. Năm 1995, khi ông sang lại Moskva để bắt đầu nhiệm kỳ phóng viên thường trú thứ hai (1995-1998), bức thư đó ông để lại trên giá sách của mình ở Hà Nội. Ở nhà gia đình ông sửa nhà, mọi người đã di chuyển và sắp xếp lại đồ đạc của ông. Thế là bức thư ấy bị thất lạc mất.

Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề của nhà báo Mai Quang Huy, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Moskva (từ tháng 12-1983 đến tháng 2-1990)./.