AIPA: Hợp tác liên nghị viện vì người dân ASEAN
Ngày 2/9/1977 (10 năm sau khi ASEAN được thành lập), Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) ra đời để thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên nhằm đạt được những mục tiêu của ASEAN là xây dựng Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thể gia nhập AIPO với tư cách là thành viên hoặc quan sát viên đặc biệt sau khi họ trở thành thành viên của ASEAN.
Đến kỳ Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 được tổ chức tại thành phố Cebu, Philippines năm 2006, Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) quyết định đổi tên thành Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA). Cùng với việc đổi tên, AIPO 27 đã bổ sung các điều lệ mới về tổ chức và các nghị quyết khẳng định cam kết của các nước trong việc tăng cường cơ hội thương mại, đầu tư nội khối; bảo vệ môi trường và sức khoẻ người dân; chống khủng bố thông qua đối thoại giữa các tôn giáo, tín ngưỡng. Thêm vào đó là tăng cường việc giám sát thực hiện các nghị quyết đã được ban hành với việc định ra cơ chế báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện nghị quyết của nghị viện các nước thành viên lên Đại hội đồng…
Trải qua mấy chục năm hoạt động, AIPO trước đây và cũng là AIPA ngày nay đã không ngừng được củng cố và phát triển. Từ 5 thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan (năm 1977), đến nay đã có thêm các thành viên là: Việt Nam (năm 1995), Lào (năm 1997), Campuchia (năm 1999), Brunei (năm 2009) và Myanmar (năm 2011). Mục tiêu, mục đích trên hết của AIPA là thúc đẩy đoàn kết, hiểu biết, hợp tác và mối quan hệ khăng khít giữa các nghị viện các nước thành viên ASEAN và các nghị viện, tổ chức nghị viện khác trên thế giới; nghiên cứu, thảo luận và gợi ý các giải pháp cho những vấn đề có lợi ích chung cũng như thể hiện quan điểm về những vấn đề đó nhằm giúp các thành viên AIPA có những hành động và phản ứng kịp thời; phát huy những nguyên tắc về nhân quyền, dân chủ, hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở ASEAN.
Thực tế cho thấy, AIPA đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện, trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, một nền kinh tế sôi động và hội nhập cao, một cộng đồng bao trùm, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, là đối tác tin cậy đối với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới.
Trong hành trình phát triển đó, các Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA với vai trò là những nhà lập pháp, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN đã và đang góp phần xây dựng nền tảng pháp lý chung cho ngôi nhà ASEAN, đưa AIPA trở thành hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác nội khối. Các Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN ứng phó với các khó khăn, thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát, tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân. Kết quả của sự hợp tác đó là minh chứng rõ ràng cho cam kết của AIPA đối với việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN.
Theo Điều lệ hàng năm, Đại hội đồng của AIPA sẽ họp một lần do Nghị viện một quốc gia thành viên đăng cai tổ chức tại nước mình, luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh của tên các nước thành viên. Từ năm 1978 cho đến nay, AIPA đã có 43 kỳ họp Đại hội đồng được tổ chức. Tại mỗi kỳ Đại Hội đồng, AIPA đều có cuộc gặp gỡ với những đối tác đối thoại như Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Papua New Guinea, Nga, Ấn Độ và Nghị viện Châu Âu. Sự tham gia của các đối tác trên cùng với những chuyến thăm trao đổi đã giúp thiết lập một mạng lưới các mối quan hệ, các cuộc tiếp xúc gần gũi và hiểu biết hơn giữa các nghị sĩ.