Ấn tượng thể thao Việt Nam qua các kỳ SEA Games
Trong tiến trình hình thành và phát triển của thể thao khu vực, thể thao Việt Nam đã có nhiều đóng góp và tạo được những dấu ấn khó quên trên đấu trường SEA Games, ngày càng khẳng định chỗ đứng trên bảng xếp hạng tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực.
* Những dấu ấn tại đấu trường khu vực
Đoàn thể thao Việt Nam đã tham dự SEA Games từ những ngày đầu thành lập. Trong đó, thời kỳ trước năm 1975, miền Nam Việt Nam trước đây đã là một trong những thành viên sáng lập Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á và liên tục đưa đoàn thể thao tham dự từ Đại hội lần thứ nhất (năm 1959) đến Đại hội lần thứ 7 (năm 1973).
Trong 7 kỳ SEA Games đầu tiên mà Việt Nam tham dự (thời điểm đó gọi là SEAP Games), thể thao Việt Nam cũng đã ghi được những dấu ấn rất đặc biệt. Dấu ấn lớn nhất của thể thao Việt Nam thời kỳ ấy chính là chiếc HCV môn bóng đá nam. Cho đến nay, đã 64 năm trôi qua, chiếc HCV ở môn bóng đá nam vẫn luôn là niềm tự hào của thể thao Việt Nam ở đại hội thể thao lớn nhất khu vực này. Sau chiếc HCV ấy, đội tuyển bóng đá Việt Nam còn đoạt thêm 2 HCB, 2 HCĐ ở các kỳ đại hội tiếp theo để khẳng định một thời vàng son của bóng đá Việt.
Ngoài bóng đá, trong những kỳ đại hội đầu tiên còn có nhiều thành tích mà đến giờ vẫn là niềm khao khát của lớp hậu bối. Đó là bóng chuyền - một trong những môn được xem là hấp dẫn nhất của thể thao Việt Nam sau bóng đá, với chiếc HCV của đội nam đoạt được từ SEA Games lần 4 năm 1967.
Điều đáng chú ý là thể thao Việt Nam thời điểm ấy không tham dự nhiều môn và hầu hết số huy chương giành được tại các kỳ đại hội đều thuộc về các môn trong hệ thống thể thao Olympic như bóng đá, bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền, xe đạp, quần vợt, judo, bắn súng, quyền Anh... Ngoài ra, thời điểm ấy SEAP Games cũng chưa phát triển nhiều môn thể thao "mới, lạ" như bây giờ và vẫn tuân thủ nghiêm túc những tiêu chí phát triển vững mạnh thể thao Đông Nam Á nhằm vươn tầm ra châu lục lẫn thế giới.
Thời kỳ sau năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, trải qua một thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã từng bước tham gia trở lại vào sinh hoạt chung của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Năm 1989, sau 14 năm (từ SEAP Games 8-năm 1975 đến SEA Games 14-năm 1987 không tham dự), Đoàn thể thao Việt Nam đã hòa nhập trở lại đấu trường khu vực (SEA Games 15-năm 1989).
Đây thực sự là những dấu mốc đáng nhớ của thể thao Việt Nam bởi từ đây, thể thao Việt Nam có mặt đều đặn tại sân chơi SEA Games, cũng như ASIAD và nhiều sân chơi quốc tế khác, khẳng định sự góp mặt của thể thao Việt Nam trong mọi hoạt động của làng thể thao thế giới. Thể thao Việt Nam không ngừng mở rộng và phát triển. Từ việc chỉ tham dự các cuộc thể thao quốc tế với mục tiêu hoà nhập, học hỏi bạn bè quốc tế, các vận động viên Việt Nam đã dần tự tin đạt những mục tiêu cao hơn.
Nếu như sân chơi SEA Games năm 1989 vẫn còn là “rộng lớn” với thể thao Việt Nam, thì qua mỗi kỳ SEA Games, thành tích của chúng ta lại ngày càng cải thiện và nâng cao, dần vươn lên trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực.
Tại SEA Games lần thứ 15, 16, đoàn Thể thao Việt Nam mới chỉ xếp thứ 7 khu vực, thì đến SEA Games 21, đoàn Thể thao Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 4 khu vực, và đứng thứ nhất ở kỳ SEA Games 22 (với tư cách là nước chủ nhà). Từ đó đến nay, kết quả các kỳ SEA Games đã chứng minh tiềm lực của thể thao Việt Nam khi chúng ta luôn xuất hiện trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games. Riêng kỳ SEA Games 25 và SEA Games 30, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng tổng kết. Và tại SEA Games 31, Việt Nam lần thứ hai đánh dấu mốc đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Đáng chú ý là tấm HCV bóng đá nam “trong mơ” cũng đã về tay đoàn thể thao Việt Nam vào năm 2019 và 2022.
Đặc biệt, trong hai lần đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 22 năm 2003 và SEA Games 31 năm 2022), Việt Nam đã tổ chức thành công 2 kỳ đại hội, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè khu vực và thế giới về năng lực tổ chức, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật. Đáng chú ý, trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch COVID-19, với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31 (từ ngày 12 đến 23/5/2022, lùi lại 1 năm so với kế hoạch tổ chức ban đầu), thể hiện trọn vẹn một Việt Nam thân thiện, hội nhập, trách nhiệm với bạn bè quốc tế; góp phần quan trọng để gắn kết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; một Việt Nam tỏa sáng với tinh thần thể thao cao thượng; với bản sắc văn hóa đậm đà và tình đoàn kết toàn dân tộc.
* Thành tích của Việt Nam qua các kỳ SEA Games
- SEAP Games 1 (1959) tại Thái Lan: Việt Nam đứng thứ 5/6 trong bảng xếp hạng với 5 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ.
- SEAP Games 2 (1961) tại Myanmar: Việt Nam đứng thứ 4/7 trong bảng xếp hạng với 6 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ.
- SEAP Games 3 (1965) tại Malaysia: Việt Nam đứng thứ 6/7 trong bảng xếp hạng với 5 HCV, 7 HCB, 7 HCĐ.
- SEAP Games 4 (1967) tại Thái Lan: Việt Nam đứng thứ 5/6 trong bảng xếp hạng với 6 HCV, 10 HCB, 17 HCĐ.
- SEAP Games 5 (1969) tại Myanmar: Việt Nam đứng thứ 5/6 trong bảng xếp hạng với 9 HCV, 5 HCB, 8 HCĐ.
- SEAP Games 6 (1971) tại Malaysia: Việt Nam đứng thứ 6/7 trong bảng xếp hạng với 3 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ.
- SEAP Games 7 (1973) tại Singapore: Việt Nam đứng thứ 6/7 trong bảng xếp hạng với 2 HCV, 13 HCB, 9 HCĐ.
- SEA Game 15 (1989) tại Malaysia: Việt Nam đứng thứ 7/9 trong bảng xếp hạng với 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ.
- SEA Game 16 (1991) tại Philippines: Việt Nam đứng thứ 7/9 trong bảng xếp hạng với 7 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ.
- SEA Game 17 (1993) tại Singapore: Việt Nam đứng thứ 6/9 trong bảng xếp hạng với 9 HCV, 6 HCB, 19 HCĐ.
- SEA Game 18 (1995) tại Thái Lan: Việt Nam đứng thứ 6/10 trong bảng xếp hạng với 10 HCV, 18 HCB và 24 HCĐ
- SEA Game 19 (1997) tại Indonesia: Việt Nam đứng thứ 5/10 trong bảng xếp hạng với 35 HCV, 48 HCB, 50 HCĐ.
- SEA Game 20 (1999) tại Brunei: Việt Nam đứng thứ 6/10 trong bảng xếp hạng với 17 HCV, 20 HCB, 27 HCĐ.
- SEA Game 21 (2001) tại Malaysia: Việt Nam đứng thứ 4/10 trong bảng xếp hạng với 33 HCV, 35 HCB, 64 HCĐ.
- SEA Game 22 (2003) tại Việt Nam: Việt Nam đứng thứ 1/11 trong bảng xếp hạng với 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ.
- SEA Game 23 (2005) tại Philippines: Việt Nam đứng thứ 3/11 trong bảng xếp hạng với 71 HCV, 68 HCB, 89 HCĐ.
- SEA Game 24 (2007) tại Thái Lan: Việt Nam đứng thứ 3/11 trong bảng xếp hạng với 64 HCV, 58 HCB, 82 HCĐ.
- SEA Game 25 (2009) tại Lào: Việt Nam đứng thứ 2/11 trong bảng xếp hạng với 83 HCV, 75 HCB, 57 HCĐ.
- SEA Game 26 (2011) tại Indonesia: Việt Nam đứng thứ 3/11 trong bảng xếp hạng với 96 HCV, 92 HCB, 101 HCĐ.
- SEA Game 27 (2013) tại Myanmar: Việt Nam đứng thứ 3/11 trong bảng xếp hạng với 73 HCV, 86 HCB, 86 HCĐ.
- SEA Game 28 (2015) tại Singapore: Việt Nam đứng thứ 3/11 trong bảng xếp hạng với 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ. Tại kỳ SEA Games này, vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên gây ấn tượng khi giành 6 huy chương vàng và lập 7 kỷ lục mới của Đại hội thể thao Đông Nam Á.
- SEA Game 29 (2017) tại Malaysia: Việt Nam đứng thứ 3/11 trong bảng xếp hạng với 58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ.
- SEA Game 30 (2019) tại Philippines: Việt Nam đứng thứ 2/11 trong bảng xếp hạng với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ.
- SEA Game 31 (2022) tại Việt Nam: Việt Nam đứng thứ 1/11 trong bảng xếp hạng với 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ
- SEA Game 32 (2023) tại Campuchia: Việt Nam đứng thứ 1/11 trong bảng xếp hạng với 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ./.
An An (tổng hợp)