Anh hùng đánh bộc phá Nguyễn Văn Ty

    Nhân vật liên quan

    • Anh hùng, liệt sĩNguyễn Văn Ty

Nguyễn Văn Ty là người anh hùng đánh bộc phá nổi tiếng trong trận đánh đồi Độc Lập của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, lừng lẫy năm châu, anh hùng Nguyễn Văn Ty đã anh dũng hy sinh “không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”, để mở đường cho bộ đội ta tiến lên tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập.

Anh hùng Nguyễn Văn Ty

   * Người chiến sĩ liên lạc dũng cảm

Đồng chí Nguyễn Văn Ty sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (nay là xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Nguyễn Văn Ty có vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt thanh tú. Đến tuổi thanh niên, thấy trai làng tấp nập vào bộ đội, đồng chí cũng ba lần xung phong vào bộ đội nhưng đều bị từ chối. Các đồng chí tuyển quân khuyên: “Em sức khỏe yếu vào bộ đội khó khăn, gian khổ nhiều, hành quân đường dài làm sao mang nổi súng đạn". Nhưng Nguyễn Văn Ty cứ năn nỉ xin vào bộ đội bằng được. Cha mẹ ngăn cản mấy, bạn bè khuyên nhủ nhiều cũng không lay chuyển được quyết tâm đi chiến đấu của chàng trai trẻ. Mãi đến lần thứ tư, ước mong vào bộ đội của đồng chí mới được đơn vị chấp nhận.

Được trở thành anh “Bộ đội Cụ Hồ", đồng chí say sưa luyện tập kỹ thuật, chiến thuật của người lính bộ binh, lại chịu khó luyện tập thể lực nên sức khỏe ngày một dẻo dai. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 chủ lực của quân đội ta thành lập. Nguyễn Văn Ty được đứng trong đội hình của Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308.

Từ ngày nhập ngũ (tháng 2/1949) đến tháng 7/1954, Nguyễn Văn Ty đã tham gia 7 chiến dịch lớn, với 35 trận đánh, trên chiến trường Bắc Bộ. Với tinh thần dũng cảm, táo bạo, trận đánh nào, đồng chí cũng kiên quyết tiến công, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù bị thương vẫn không rời trận địa.

Năm 1950, trong chiến dịch Biên giới, Đại đoàn 308 có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở dãy điểm cao phía Nam Đông Khê, Nà Mục, Chốc Ngà, Khâu Áng, Khâu Luông, phía Đông đường số 4 gần Đông Khê. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt hai ngày đêm (3 và 4/10/1950). Địch từ trên núi cao tập trung hỏa lực bắn xả xuống chân núi như mưa, ngăn cản bộ đội ta tiến công. Nguyễn Văn Ty dũng cảm xung phong dẫn đầu tiểu đội lên chiếm lĩnh điểm cao. Gần đến ụ súng của địch, bị thương vào chân phải, đồng chí lấy chân trái giẫm đè lên vết thương cho máu đỡ chảy và tiếp tục chiến đấu. Còn cách địch 20 mét, Nguyễn Văn Ty dùng hết sức ném lựu đạn vào ụ súng của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 5 tên địch, tạo điều kiện cho đơn vị chiếm lĩnh điểm cao. Tiêu diệt xong địch đồng chí mới băng bó vết thương.

Tháng 12/1951, trong Chiến dịch Hoà Bình, khi đánh trận Tu Vũ mở màn cho chiến dịch, đồng chí làm tổ trưởng tổ thông tin liên lạc. Trận đánh diễn ra gay go, ác liệt. Cả tổ bị thương vong gần hết, chỉ còn mình Nguyễn Văn Ty phải làm nhiệm vụ thay cả 4 người. Dưới làn mưa đạn dữ dội của địch, đồng chí vẫn bình tĩnh, dũng cảm, chạy lên xuống liên tục 18 lần, băng qua cửa mở, truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy chính xác, kịp thời, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ.

   * Anh dũng hy sinh đánh bộc phá mở đường

Quang cảnh chung khu đồi Độc Lập, lá cờ Quyết chiến quyết thắng, phần thưởng cao quý của Hồ Chủ tịch đang được các chiến sĩ xung kích phất cao trên nóc hầm chỉ huy địch sau khi các lực lượng phối hợp tiêu diệt hoàn toàn vị trí này ngày 15/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong trận đánh đồi Độc Lập của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Ty là Tiểu đội trưởng Tiểu đội đánh bộc phá của Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, có nhiệm vụ phụ trách mở cửa, tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập.

3 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ hạ lệnh tiến công. Những khẩu lựu pháo 155mm và sơn pháo 75mm gầm lên, nhả đạn tới tấp vào cứ điểm đồi Độc Lập. Cả ngọn đồi chìm ngập trong khói lửa. Các ổ súng máy của địch hầu như bị tê liệt. Trời tối đen như mực, mưa tầm tã.

Đại đội Tô Văn của Trung đoàn 88 tuy đã dọn trên 100 mét rào dây thép gai, nhưng vẫn chưa tiến vào được bên trong cứ điểm. Trời tối đen như mực, mưa tầm tã, địch lại tập trung hỏa lực bắn dữ dội về hướng cửa mở.

Những quả bộc phá của tiểu đội thứ hai nối tiếp nhau nổ vang, mỗi lúc nhích dần lên tiến gần vào cứ điểm địch. Khi tiểu đội thứ hai hoàn thành nhiệm vụ thì Nguyễn Văn Ty bắt đầu dẫn tiểu đội của mình vượt lên. Trước đó, khi nằm phía cuối Trung đội, theo dõi những ánh lửa bộc phá, đồng chí thấy nó cứ dần dần chếch đi và không khỏi lo lắng, chắc do trời tối lại mưa to nên đường mở bị lệch chăng. Từng làm liên lạc viên cho Ban chỉ huy Đại đội Tô Văn trong các trận đánh đồi Hồi Hạc, Tu Vũ, Nghĩa Lộ, Nguyễn Văn Ty đã thấy rõ tác hại của việc mở sai hướng.

Không chậm trễ, lợi dụng ánh sáng một quả pháo sáng của địch, Nguyễn Văn Ty ngắm chuẩn hướng lô cốt địch, rồi lùa ống bộc phá của mình vào hàng rào dây thép gai thật khéo léo và mau lẹ. Một tiếng nổ vang, đồng chí tiếp tục  dẫn luôn người chiến sĩ đánh bộc phá thứ hai của tổ mình lao lên, đặt tiếp quả thứ hai rồi quả thứ ba, thứ tư, thứ năm… theo đúng hướng mình vừa tự chỉnh lại. Cả 11 chiến sĩ của tiểu đội Nguyễn Văn Ty đều đặt bộc phá đúng hướng lô cốt địch, hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Lô cốt địch hiện ra ngày một gần. Nhưng đúng lúc đó, quân ta hết bộc phá. Trận địa chìm lặng hẳn đi. Bấy giờ pháo binh địch ở Mường Thanh và các cỡ súng của địch trên cứ điểm đồi Độc Lập như được dịp phục hồi, thi nhau bắn phá. Mưa mỗi lúc lại một to hơn. 5 phút, 10 phút rồi 20 phút… vẫn chưa bắt liên lạc được với các bộ phận bộc phá của tiểu đoàn, trung đoàn ở phía sau lên tiếp viện. Rồi 30 phút... Không thể đợi hơn được nữa, Nguyễn Văn Ty quyết định chạy ngược trở lại. Vừa lúc đó, đồng chí gặp Trung đội trưởng đem ba quả bộc phá của các đồng đội bị thương lên. Ngay lập tức, Nguyễn Văn Ty ôm cả ba quả bộc phá chạy lên mở đường.

Một quả nổ như sét đánh, chấm dứt 30 phút căng thẳng của trận đánh. Tới quả thứ hai, đồng chí kiểm tra lại thì thấy kíp nổ đã rơi mất từ bao giờ. Thế là Nguyễn Văn Ty buộc lựu đạn vào, giật nổ thay kíp. Quả bộc phá thứ hai được giật nổ bằng lựu đạn đã quét thêm 2 mét dây thép gai nữa. Đồng chí quay trở lại đem quả bộc phá thứ ba, cũng đã mất kíp nổ phải thay thế bằng một quả lựu đạn, lên đánh tiếp. Nhưng khi nhìn lên, bãi dây thép gai của địch vẫn còn dày tới 20 mét, Nguyễn Văn Ty quyết định chạy ngược trở lại đón bộc phá của tiểu đoàn. Đường hào chật chội, để tranh thủ thời gian, đồng chí cứ băng băng chạy trên miệng hào giao thông mặc cho đạn địch nổ xung quanh mình. Trong đầu lúc này chỉ có mấy tiếng: bộc phá… bộc phá…

Nguyễn Văn Ty chạy về gần tới Sở chỉ huy của tiểu đoàn thì gặp một đơn vị đang tiến lên tiếp viện. Ngay lập tức, đồng chí quay lại dẫn tiểu đội bộc phá trở lên tiếp tục đánh mở đường. Nguyễn Văn Ty dẫn một chiến sĩ lên đặt bộc phá. Quả bộc phá mới nổ một tiếng thật giòn. Và cứ như thế, đến quả bộc phá thứ sáu thì chỉ còn cách lô cốt của địch có 5 mét.

Trong lô cốt địch, một khẩu đại liên bắn loạn xạ ra xung quanh. Các khẩu súng máy của quân ta đem lên tới đó đều bị bùn đất nhồi tắc hết, không thể yểm hộ cho những chiến sĩ lên đánh quả bộc phá cuối cùng nữa. Nguyễn Văn Ty đề nghị Trung đội trưởng cho đồng đội ở phía sau đưa lựu đạn đem lên cho mình. Chỉ ít phút sau, đồng đội đã chuyển lên cho đồng chí gần chục quả lựu đạn. Nguyễn Văn Ty lấy một quả, nhằm thẳng lỗ châu mai của địch đang tóe lửa phía trước, mím môi ném tới. Ổ đại liên địch bị dập tắt. Quả bộc phá thứ 7, rồi thứ 8 nổ xong, hàng rào thép gai trước lô cốt địch chỉ còn cách gần 2 mét.

Nguyễn Văn Ty vừa nói xong với người chiến sĩ đánh quả bộc phá cuối cùng thì bất ngờ một quả lựu đạn nổ tung ở ngay trước mặt. Đồng chí thấy mặt mũi mình rát bỏng, hai mắt tối sầm lại. Máu chảy đầy mặt, mắt trái bị thương, đồng chí dùng tay căng mắt phải cố quan sát phía trước, chỉ huy người chiến sĩ thứ 9 lên đánh quả bộc phá cuối cùng, phá tung lớp hàng rào còn lại, mở thông cửa cho quân ta lao lên diệt gọn lô cốt địch.

Khi quả bộc phá gầm lên một tiếng rung chuyển cả trận địa thì cũng là lúc Nguyễn Văn Ty kiệt sức ngã xuống, anh dũng hy sinh ngay giữa đường mới mở. Đường đã mở thông, bộ đội ta ào lên đánh chiếm các mục tiêu. 6 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm đồi Độc Lập. Cánh cửa thứ hai của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được mở.

Trong quá trình chiến đấu, đồng chí Nguyễn Văn Ty đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba và 4 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 31/8/1955, đồng chí Nguyễn Văn Ty được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

   * Bộc phá của anh hùng Nguyễn Văn Ty

Hiện nay, trong bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang lưu giữ và trưng bày một trong số ống bộc phá mà đơn vị đồng chí Nguyễn Văn Ty dùng trong trận đánh đồi Độc Lập.

Còn vỏ bộc phá bằng sắt gò tròn hình ống, dài 75,5cm, đường kính 4,5cm,  của đồng chí Nguyễn Văn Ty trong trận đánh đồi Độc Lập, đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam quản lý, mang số đăng ký BTQĐ: 2666-K3-804.

Đặc biệt, tháng 4/2024, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Ty được thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đặt tên cho một trong 24 tuyến đường mang tên các Anh hùng được phong tặng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ./.

  Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN;

- Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002;

- Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024.