[Photo] Ảnh tư liệu về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam, là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc.
Ngày 23/11/1940, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ ở nhiều tỉnh Nam Bộ. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ là "những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc,” là cuộc tổng diễn tập lần thứ hai cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931 tuy thất bại nhưng đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam, là cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Trong ảnh: Ngày 14/8/1945, đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi, cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Đội du kích Ba Tơ thành lập ngày 14/3/1945 sau ngày khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) nổ ra và giành thắng lợi (11/3/1945), thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia chiến đấu trong tổng khởi nghĩa ở miền Trung, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Đồng bào Sài Gòn hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Năm 1945-1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Trong ảnh: Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Sài Gòn, tháng 9/1945. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lán Nà Nưa (Tuyên Quang) - nơi Bác Hồ làm việc trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc. Những văn kiện, chỉ thị, các chủ trương kế hoạch đều được Bác khởi thảo từ căn lán này. Tại đây, Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4/6/1945, quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng Việt Bắc, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời và thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong ảnh: Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi diễn ra Đại hội Quốc dân do Việt Minh triệu tập, ngày 16/8/1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Quần chúng nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, ngày 19/8/1945. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định những tư tưởng về quyền con người đã được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789: Dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc; Không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)