APEC 2017: Dấu ấn Việt Nam
Hà Nội (TTXVN 13/11/2017) Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã kết thúc tốt đẹp, chính thức khép lại một Năm APEC 2017 thành công. Trên cương vị nước chủ nhà, Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn trong tiến trình phát triển không ngừng của APEC, khẳng định rõ vai trò và trách nhiệm đối với nỗ lực tìm ra hướng đi mới cho Diễn đàn 21 thành viên trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động và thách thức. Đồng thời, để lại ấn tượng một Việt Nam thân thiện, mến khách và thanh bình.
* Công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp
Xác định tổ chức tốt các hoạt động của Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao là dịp để Việt Nam một lần nữa khẳng định với bạn bè quốc tế quyết tâm đổi mới đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Theo đó, trong ba năm qua, các bộ, cơ quan và địa phương tham gia chuẩn bị tổ chức Năm APEC 2017 đã tích cực, khẩn trương triển khai đồng bộ các nhóm công tác về: bộ máy-nhân sự, cơ sở vật chất, nội dung, tham vấn các thành viên, đào tạo đội ngũ, truyền thông-văn hóa, lễ tân, an ninh-y tế.
Ủy ban Quốc gia APEC 2017 hoạt động từ tháng 7-2015 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và Thứ trưởng Bộ Công Thương là hai đồng Phó Chủ tịch; và 23 thành viên là lãnh đạo của các bộ, ngành và địa phương liên quan. Giúp việc cho Ủy ban Quốc gia là Ban Thư ký Quốc gia và năm Tiểu ban về Nội dung, Lễ tân, Vật chất và Hậu cần, An ninh và Y tế và Tuyên truyền và Văn hóa.
Nếu như năm 2006 - lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức - APEC mới chỉ có khoảng 50 Ủy ban, nhóm công tác, với các cơ chế hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên và chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư truyền thống. Đến nay, con số này đã tăng lên 80 Ủy ban, nhóm công tác, các mối quan tâm, các vấn đề nảy sinh trong khu vực ngày càng nhiều, đẩy khối lượng công việc tăng theo cấp số nhân. Cũng vì thế, APEC 2006 mới chỉ có khoảng 100 hội nghị quốc tế, thì năm nay, con số đó là gấp đôi. Số lượng đại biểu của các nền kinh tế thành viên đến dự các hội nghị được tổ chức ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước là khoảng gần 10.000 người, cũng tăng gấp đôi so với số lượng đại biểu từ Hội nghị APEC 2006. Những con số cụ thể này là minh chứng rõ ràng nhất về khối lượng công việc mà Việt Nam đã thực hiện so với 11 năm trước đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá rất cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam, đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. "Về công tác tổ chức, Việt Nam đã làm mọi thứ có thể để chúng tôi có thể thoải mái làm việc, tạo ra bầu không khí thuận lợi" - Tổng thống Putin cho biết tại cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc hôm 11-11.
Và dù diễn biến thời tiết trong hầu hết thời gian tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng không được thuận lợi, song, các đại biểu thành viên APEC đã thấy được quyết tâm của nước chủ nhà trong nỗ lực bảo đảm an toàn cho sự kiện. Hình ảnh những người dân Đà Nẵng, Hội An không quản mưa gió dọn dẹp đường phố, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) đã để lại những ấn tượng sâu đậm với nhiều đại biểu và phóng viên quốc tế. Cảm kích trước những gì đã chứng kiến, ông Shiu Raj, Giám đốc Chương trình và Sáng kiến của tổ chức Pacific Islands Forum cho biết: "Trên đường tới đây, tôi thấy biển đang có sóng lớn và gió mạnh, nhưng tôi đã thấy rất nhiều người dân vẫn tích cực làm sạch các con đường, cây cối và khi vào đến bên trong hội trường tôi hiểu rằng các bạn đã rất nỗ lực. Chúng tôi tự hào vì các bạn chủ nhà Việt Nam".
Riêng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả của siêu bão Damrey trong lúc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC. "Bên cạnh việc chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC và đón tiếp khách mời, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và dọn dẹp sau bão" - ông Lý Hiển Long chia sẻ trên mạng Facebook ngay sau khi đến thành phố Đà Nẵng.
* Phát huy tốt vai trò chủ nhà
Qua 2 lần đăng cai tổ chức APEC, Việt Nam không những thể hiện sự chủ động trong công tác hậu cần mà còn chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung, đảm nhận tốt công tác chủ trì, đồng chủ trì các cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác của APEC, tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn chính sách. Việt Nam cũng đã phát huy tốt vai trò chủ nhà trong việc khởi xướng, dẫn dắt và điều phối để hợp tác APEC đem lại những kết quả thực chất. Nhiều đề xuất, sáng kiến cụ thể do Việt Nam đưa ra đã được các nền kinh tế thành viên ghi nhận, đánh giá cao.
Với tinh thần vì một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, chủ đề của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã được lựa chọn. Nhiều sáng kiến, hoạt động do Việt Nam đề xuất nhằm cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các nền kinh tế thành viên. Bởi đó là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đó là những định hướng về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, du lịch bền vững, thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, dịch vụ, phát triển đô thị ở nông thôn, phụ nữ và kinh tế, an ninh lương thực, khởi nghiệp...
Với vai trò chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam cũng đã thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của mình cho định hướng tương lai hợp tác đa phương của khu vực với việc tổ chức thành công Đối thoại nhiều bên về tương lai APEC sau năm 2020. Những khuyến nghị của Đối thoại đã đáp ứng kỳ vọng của các thành viên trong bối cảnh việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 bước vào giai đoạn nước rút.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard khẳng định: "Dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong việc đăng cai Năm APEC 2017 là duy trì sự tồn tại của các sáng kiến quan trọng tại thời điểm quá trình toàn cầu hóa đang hết sức phức tạp, có quan ngại về những hướng đi khác nhau và thúc đẩy các sáng kiến này theo hướng tương đối bao trùm giữa các nền kinh tế khác nhau".
* Để lại nhiều ấn tượng đẹp
Bên cạnh những dấu ấn trong các cuộc thảo luận, Tuần lễ Cấp cao APEC còn có những điểm nhấn bên ngoài phòng họp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và các đại biểu tham dự APEC.
Đối với các nguyên thủ trên thế giới thì việc đảm bảo an toàn trong các chuyến công du luôn là ưu tiên hàng đầu. Vậy mà khi đặt chân đến Việt Nam, họ không ngần ngại dạo quanh khu phố cổ, chạy bộ vào buổi sáng sớm hay ngồi quán vỉa hè nhâm nhi ly cafe đậm chất Việt…
Giữa lịch trình bận rộn của một nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Canada Justin Trudeau có phút thảnh thơi ngồi uống cafe vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay chạy bộ ở đường Hoàng Sa, bên bờ kênh Nhiêu Lộc.
Còn Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lại có một trải nghiệm thú vị khác tại một con phố nhỏ ở Đà Nẵng. Tự tay mua bánh mỳ và ngồi ăn cùng người dân trong quán, Thủ tướng Turnbull đã khởi đầu ngày mới một cách rất Việt Nam, trước khi bắt đầu hàng loạt cuộc họp quan trọng của APEC.
Hay phu nhân, phu quân của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC/Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC đã có buổi tham quan phố cổ Hội An cổ kính, thanh bình, thân thiện.
Hình ảnh một Việt Nam mặc dù tất bật ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 12, song vẫn hết mình để Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra suôn sẻ, vừa bảo đảm sự trọng thị mà không kém phần thân tình, có lẽ sẽ là khó quên đối với bất kỳ ai tham dự. Năm APEC 2017 chính thức khép lại nhưng dư âm về một diễn đàn năng động, đầy sức sống và trách nhiệm cũng như một Việt Nam đổi mới, tích cực và giàu lòng mến khách vẫn tiếp tục lan tỏa rộng khắp./.
Anh Anh