Bác Hồ - Bác Tôn: biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Hà Nội (TTXVN 18/08/2018)

Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng là hai tên tuổi lớn gắn liền với lịch sử Cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Không chỉ có nhiều điểm chung trong lý tưởng, hoài bão về con đường giải phóng dân tộc; là hai vị Chủ tịch nước (của hai thời kỳ khác nhau), hai Bác còn là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời là một biểu tượng trong sáng, đẹp đẽ của tình bạn chiến đấu gắn bó, thủy chung.          

* Hai người bạn chiến đấu thân thiết

Giữa lúc đất nước chìm trong đen tối, nhân ta phải sống cảnh lầm than của thân phận người dân mất nước, thì tại cù lao Ông Hổ (tỉnh An Giang), ngày 20/8/1888, Tôn Đức Thắng ra đời. Hai năm sau, vào ngày 19/5/1890, Nguyễn Sinh Cung ra đời tại làng Sen (Nghệ An). 

Tuy cách nhau vài tuổi, nhưng Tôn Đức Thắng và Nguyễn Sinh Cung đều sinh ra bối cảnh nước mất, nhà tan, ngay từ tuổi thiếu niên đã tận mắt chứng kiến những tội ác man rợ của thực dân Pháp đối với đồng bào mình. Yêu nước thương dân, đau nỗi đau của dân tộc, cả hai đều sớm nuôi trong lòng hoài bão cứu nước.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, TP Sài Gòn, lên tàu Admiral Latouche Treville hướng về nước Pháp. Trước ngày lên đường, anh nói với người bạn thân: "Tôi muốn ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác họ làm ăn như thế nào, sau đó trở về giúp đồng bào chúng ta". Năm ấy Nguyễn Tất Thành 21 tuổi.

Hơn một năm sau, từ bến cảng Nhà Rồng, Tôn Đức Thắng, lên tàu La Coóc và cũng sang Pháp. Cuộc hành trình của người thanh niên 24 tuổi Tôn Đức Thắng vừa để tránh sự truy nã sau cuộc đình công, bãi khoá đầu tiên ở hãng Ba Son và trường Bách nghệ Sài Gòn, mà anh là một trong số những thanh niên đắc lực trong ban lãnh đạo, vừa để thực hiện "mong mỏi học tập được thật nhiều để về nước đấu tranh có hiệu quả hơn".

Hai thanh niên nước Việt, Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, từ những con sông quê hương -  dòng sông Lam xanh mát ở Nghệ An và dòng sông Hậu hiền hòa êm ả trên đất An Giang đã vượt trùng dương, đến những bến bờ để mở tầm mắt, tìm cho được chân lý.

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp và gửi đến Hội nghị Véc-xây bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Một năm sau, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận với bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin. Cuối năm đó, Quốc tế cộng sản họp tại thành Tua nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tán thành Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp.

Trên đất Pháp, Tôn Đức Thắng nhiều lần tìm gặp Nguyễn Ái Quốc nhưng không thành. Năm 1920, Tôn Đức Thắng trở lại Sài Gòn, tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân; bí mật liên lạc với những người bạn cũ và là một trong số những người sáng lập Công hội bí mật, tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc vô cùng vui mừng trước việc ra đời của tổ Công hội bí mật và sự chuyển mình của lực lượng công nhân trong nước. Ở trong nước, Tôn Đức Thắng đọc các bài báo, các tài liệu Nguyễn Ái Quốc gửi về với tất cả niềm phấn khởi, tin tưởng, đặc biệt là các bài viết về cách mạng Nga, về Lê-nin vĩ đại.

Tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc sáng lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, ra báo Thanh Niên, mở các lớp huấn luyện cho các cán bộ ưu tú. Kết thúc lớp huấn luyện chính trị đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc cử hai học viên Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi về Sài Gòn hoạt động và căn dặn "Phải tìm cho được anh thợ máy Tôn Đức Thắng!".

15 năm bị địch giam cầm ở Côn Đảo, Tôn Đức Thắng vẫn giữ vững khí tiết, tích cực tham gia hoạt động trong tổ chức của những người tù cộng sản.

Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình-Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bác Tôn được đón về đất liền. Đầu năm 1946 được bầu là đại biểu Quốc hội ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Với tất cả tấm lòng trân trọng và kính yêu đối với Bác Hồ, Bác Tôn nói: "Vinh dự của tôi là do Bác Hồ đem lại".

* Hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc

 Đầu năm 1946, Bác Tôn được Đảng điều động về Trung ương. Tại đây Bác Tôn đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Từ đó hai Bác luôn sát cánh bên nhau lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Trong phiên họp ngày 8/11/1946, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, khi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh nói lời từ chức, trao quyền để Quốc hội lựa chọn người đứng ra thành lập Chính phủ mới, thì đại biểu Nam Bộ Tôn Đức Thắng lập tức đứng lên, dõng dạc phát biểu: “Tôi xin giới thiệu Cụ Hồ Chí Minh, tức nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc là người xứng đáng hơn ai hết, đứng ra thành lập Chính phủ mới!”. Lời Bác Tôn là tiếng nói đại diện cho Nam Bộ đang anh dũng chiến đấu bảo vệ độc lập, thống nhất của nước Việt Nam mới; là ý chí và quyết tâm xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất và giàu mạnh của toàn dân Việt Nam. Với sự tín nhiệm của quốc dân đồng bào và sự giới thiệu của Bác Tôn, Quốc hội đã hoàn toàn tín nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và ủy nhiệm Người thành lập Chính phủ mới.

Tháng 6/1948, Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Trước đó, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định cử Bác Tôn, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Trưởng ban Trung ương vận động Thi đua ái quốc. Tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ thường mời Bác Tôn đến gặp để đàm đạo, trao đổi ý kiến về những công việc cụ thể nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc…

Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ, Bác Tôn cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội; bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Năm 1958, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Bác Tôn, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất. Tại lễ trao tặng, trước khi gắn tấm Huân chương Sao Vàng lên ngực áo Bác Tôn, Bác Hồ rất xúc động phát biểu: “...Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu để gìn giữ hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. … Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng là Huân chương caọ nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.

Bác Tôn xúc động đáp từ: “Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay sẽ mãi mãi khuyến khích tôi trung thành đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất của đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc và yên vui của toàn thể nhân loại”.

Đến năm 1968, Bác Tôn tròn 80 tuổi, Bác Hồ đã đến chúc thọ người bạn già và tặng Bác Tôn hai câu thơ:

          “Càng già, chí khí càng dai,
          Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn Già”

Sau khi Bác Hồ qua đời, trong phiên họp đặc biệt trung tuần tháng 9-1969, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước. Khi nhận trọng trách này, Bác Tôn xúc động phát biểu: “Được kế tiếp chức vụ của Hồ Chủ tịch là điều rất vinh quang đối với tôi”. 

Sáng 15/5/1975, tại lễ mừng chiến thắng lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, Bác Tôn đọc lời chào mừng quân và dân cả nước, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong cuộc đời mình, Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung. Hai Bác đã đi hết cuộc đời mình một cách trọn vẹn trong cuộc chiến đấu của dân tộc và trở thành những tấm gương trong sáng về mọi mặt cho các thế hệ Việt Nam noi theo.

Ngày nay, mỗi chúng ta đều học tập ở hai Bác về những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, về tấm lòng tận tụy với dân tộc, với nhân dân. Sự gặp gỡ của hai Bác đã để lại dấu ấn trong lịch sử về hai con người mà cả nhân loại đều biết đến./.

                                                                        Minh Duyên tổng hợp