“Bản án chế độ thực dân Pháp” đóng góp vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam

“Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921-1925 và được xuất bản đầu tiên năm 1925 tại Paris (Pháp), do Thư quán Lao động (Librairie du Travail) ấn hành.

(Thư viện quốc gia Việt Nam)

Năm 1946, ở Việt Nam, tác phẩm này đã xuất bản bằng tiếng Pháp tại Hà Nội. Năm 1960, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản bằng tiếng Việt lần thứ nhất và đã in trong tuyển tập của Hồ Chí Minh.

Bản án là một bản cáo trạng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp không chỉ ở Đông Dương, ở Việt Nam mà ở khắp các thuộc địa: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Tây-Phi…

Bản án ra đời là một mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong ý thức cách mạng của nhân dân Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam về một đường lối sáng suốt và đúng đắn, để thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ về phương hướng và mục tiêu cách mạng.

Bản án là một đóng góp sáng tạo có ý nghĩa lịch sử lớn lao vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Với tác phẩm này, ánh sáng của chân lý cách mạng của thời đại đã soi dọi vào tâm trí nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức…

Tác phẩm gồm 12 chương:

Chương I: Thuế máu

Chương II: Việc đầu độc người bản xứ

Chương III: Các quan thống đốc

Chương IV: Các quan cai trị

Chương V: Những nhà khai hóa

Chương VI: Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị

Chương VII: Bóc lột người bản xứ

Chương VIII: Công lý

Chương IX: Chính sách ngu dân

Chương X: Chủ nghĩa giáo hội

Chương XI: Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ

Chương XII: Nô lệ thức tỉnh.

Và phần Phụ lục: Gửi thanh niên An Nam.

Với cách thành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chính trường Châu Âu”, đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”; các thống sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ…

Tác phẩm còn giới thiệu Lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nông dân lao động các thuộc địa, giới thiệu Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa, trong đó có đoạn viết:

“Anh em phải làm thế nào để được giải phóng?

Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em.

Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy!”.

Cuối sách là phần Phụ lục: Gửi thanh niên Việt Nam. Bức thư đã cảnh tỉnh thanh niên Việt Nam đang an phận làm nô lệ. Bức thư nêu gương thanh niên một số nước đang đấu tranh cho nền độc lập ngày mai của họ.

Kết luận, bức thư viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”

Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam./.

[Nguồn: Thư viện quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh]