Bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân
Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Trải qua hàng chục năm đồng hành cùng đất nước, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hi sinh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Ngay sau khi được thành lập, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, tổ chức cứu chữa thành công nhiều vụ cháy xảy ra, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Năm 1965, khi miền Bắc chuyển từ thời bình sang thời chiến, tuy còn non trẻ, phương tiện chữa cháy thiếu thốn nhưng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công xuất sắc. Có thể kể đến các trận chữa cháy tại: Kho dự trữ xăng dầu số 1 và các đám cháy tại cầu Bến Thủy (tỉnh Nghệ An), chữa cháy tại điểm lửa cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), chữa cháy trận địa tên lửa tại Đồng Giao (Ninh Bình), hai lần chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội), chữa cháy tàu chở hàng tại Ga Gôi, Ga Cầu Họ (Nam Định), chữa cháy kho lương thực ở Lệ Thủy, kho quân nhu Binh trạm 26, đoàn 559, Bố Trạch (Quảng Bình) và hàng trăm trận chữa cháy oanh liệt khác... bảo vệ hàng vạn nóc nhà, hàng triệu tấn xăng dầu, lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược, hàng vạn chuyến xe vận chuyển người, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ghi nhận những thành tích, chiến công của cán bộ và chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, ngày 3/8/1966, Bác Hồ gửi thư khen Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Sở công an Hà Nội. Trong thư, Bác dặn dò:
“- Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.
- Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào, để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.
- Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy.
- Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí. “(1)
Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã nhanh chóng tiếp quản, triển khai lực lượng ở các tỉnh phía Nam, kịp thời phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh. Đây là giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, trong thời gian này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã được gửi đi đào tạo về Phòng cháy, chữa cháy ở Liên Xô (cũ), Cộng hòa dân chủ Đức (cũ). Trong số đó, nhiều đồng chí đã trở thành trụ cột của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ nói riêng và ngành Công an nói chung.
Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để công tác Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị chức năng đề xuất các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.
Với chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã được kiện toàn, củng cố từ Trung ương đến địa phương với tổ chức chặt chẽ, chính quy từ cấp Trung ương đến cấp xã.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ và phong trào Toàn dân Phòng cháy, chữa cháy đã có những bước tiến đáng ghi nhận, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã góp phần quan trọng làm chuyển biến về cơ bản ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của người đứng đầu, người lao động và người dân, góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ghi nhận những thành tích, chiến công của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân, cùng nhiều Huân chương và phần thưởng cao quý khác.
Hoàng Yến (tổng hợp)
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2011, tập 15, trang 137 |