Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 1/11/2023) Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam với mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Một trong những sự ghi nhận đó là việc ngày 11/10/2022 Việt Nam được bầu chọn làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

* Con người là trung tâm trong mọi quyết sách

Ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người đã được khẳng định không thể tách rời quyền của dân tộc "Tất cả các dân tộc trên thế giới, đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Từ đó đến nay, quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu".

- Thành tựu giảm nghèo ấn tượng

Người dân xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu, đẩy mạnh cơ giới hóa máy nông nghiệp trong sản xuất. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Trong một thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào.

Một trong các chỉ dấu thể hiện rõ nét vấn đề này là chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục tăng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. 30 năm qua, chỉ số phát triển con người liên tục được cải thiện… tăng 40% so với năm đầu tiên tham gia khảo sát. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) về phát triển con người toàn cầu 2021-2022, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc bảo đảm quyền con người, chỉ số phát triển quyền con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu năm 2021. Chỉ số phát triển con người năm 2021 của Việt Nam đạt 0,7; đưa Việt Nam vào nhóm phát triển con người ở mức cao và xếp thứ 115/191 quốc gia. Bà Caithlin Wiesen, nguyên Trưởng đại diện UNDP tại Viêt Nam khẳng định: Tôi thực sự cảm thấy Việt Nam đã thực hiện những cam kết của chính phủ về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của LHQ... Tôi nghĩ điều này đã được chú trọng ở mọi khía cạnh và thể hiện trong những chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội.

Còn theo báo cáo nghèo đa chiều năm 2021 được công bố vào tháng 7/2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020, nhờ vào tăng việc làm năng suất cao, Cải thiện các dịch vụ xã hội, Mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Theo ông Johnathan pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam: ''Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi thước đo nghèo dựa trên thu nhập sang một thước đo nghèo đa chiều. Lý do là thước đo mới sẽ hỗ trợ được nhiều người hơn''.

- Quyền trẻ em luôn được đảm bảo

Sau hơn 30 năm tham gia công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư nguồn lực, sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội để bảo vệ, bảo đảm trẻ em có cuộc sống an toàn và phát triển. Tại Phiên họp thứ 91 (tháng 9/2022), Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) đã hoan nghênh thành tựu của Việt Nam trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách bảo vệ quyền trẻ em.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990. Với cam kết chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các nhóm quyền của trẻ em ở mọi miền đất nước không ngừng được bảo đảm. Vì vậy, sau 33 năm thực thi CRC, quyền sống của trẻ em Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn trên thực tế. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 ca đẻ sống đã giảm còn 20,5‰ vào năm ngoái. Trẻ em của các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Quyền được phát triển của trẻ em cũng được nâng cao. Tỷ lệ nhập học đúng  độ tuổi ở cấp trung học cơ sở của Việt Nam đạt 98,5% vào năm ngoái. Bình đẳng trong giáo dục được quan tâm thông qua việc ban hành các chính sách và vận động xã hội hỗ trợ trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống trong các gia đình nghèo đi học.

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn

Đêm hội được tổ chức với ý nghĩa thiêng liêng cao cả, nhằm cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đang ngày càng được bảo đảm tốt hơn đặc biệt là từ sau khi Luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ 1/1/2018. Chỉ tính trong gần 20 năm qua (2003-2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự...

Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo (cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố); tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo luôn đồng hành và tham gia tích cực vào đời sống chính trị-xã hội đất nước. Quốc hội khóa XV, có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh...

Cùng với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn với hàng trăm ấn phẩm báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, báo và tạp chí điện tử, trang, cổng thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác. 

* Việt Nam - thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Không chỉ đạt được những thành tựu đáng kể về đảm bảo quyền con người ở trong nước, Việt Nam cũng nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu. Tại phiên họp tháng 7/2022, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã biểu quyết thông qua Nghị quyết do Việt Nam tham gia xây dựng, về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền con người đã và đang được Việt Nam thực hiện bằng nhiều biện pháp, với những nỗ lực để người dân được sống trong một môi trường trong lành. Đã có hơn 4.200 căn nhà an toàn, chịu được bão và lũ lụt đã được xây khắp các tỉnh ven biển trong hơn 3 năm qua.

Và khi quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước nhận thức đúng đắn, hành động tích cực, thiết thực, cũng đồng nghĩa nhận được kết quả ủng hộ Việt Nam, công nhận Việt Nam của cộng đồng quốc tế khi liên tục Việt Nam được bầu vào các thiết chế bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Sau 7 năm (từ năm 2007) Việt Nam chỉ có vị trí pháp lý là quan sát viên tại Hội đồng nhân quyền, nhưng nhờ tích cực tham gia vào các hoạt động, đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề lớn như tăng cường hiệu quả của hội đồng, đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh như bảo hiểm y tế, bình đẳng xã hội, chính sách giáo dục, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh con người…

Việt Nam đã ứng cử và được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu bầu cao nhất trong 14 quốc gia được bầu chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, khi mức thu nhập đầu người của Việt Nam năm 2014 mới hơn 2.000 USD thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia cùng thời điểm có GDP bình quân đầu người đã trên 10.000, 20.000 USD. Điều này đã minh chứng mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân.

Ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. Đây là đối tác chỉ ký kết hiệp định thương mại với các quốc gia về cơ bản bảo đảm được các điều kiện về nhân quyền. Đó là minh chứng Việt Nam thực sự coi trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người - một trong ba trụ cột hoạt động chính của Liên hợp quốc, bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển. Trong Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đã khẳng định: “Đây là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế... Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 11/10/2022, Việt Nam một lần nữa trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ).

Lá phiếu của mỗi quốc gia bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một trong những minh chứng rõ ràng nhất và là sự khẳng định, tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã bảo đảm thực hiện quyền con người cho người dân Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách trách nhiệm, tích cực, thành tâm vô điều kiện, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Mỗi lá phiếu của các quốc giađã nói lên Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện đúng, có hiệu quả các Công ước quốc tế có liên quan quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn. Mỗi lá phiếu của các quốc gia trên thế giới nói chung, các nước trong khu vực ASEAN nói riêng là sự tin tưởng vào Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sau khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tiếp tục “là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ hợp tác với chúng tôi trong việc thúc đẩy quyền con người” như lời của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương ông Daniel Kritenbrink chúc mừng Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại buổi họp báo chiều 12/10/2022./.

Phương Dung (tổng hợp)