Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc

Hà Nội (TTXVN 1/3/2024) Ngay từ khi mới thành lập, tuy trang bị còn thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động xa xôi, khí hậu khắc nghiệt... nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) (nay là Bộ đội biên phòng (BĐBP)) đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, xây dựng cơ sở chính trị, vận động đồng bào biên giới xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, kịp thời ngăn chặn và dập tắt âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động ở khu vực biên giới.

 

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê (737), tỉnh Đắk Lắk tuần tra khu vực vành đai biên giới. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

* Xây dựng phòng tuyến Nhân dân, tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời (1959-1965)

Một trong những trọng tâm của nhiệm vụ bảo vệ an ninh miền Bắc giai đoạn 1959-1965 là tiêu diệt phỉ, trấn áp phản cách mạng và đánh bắt gián điệp, biệt kích; trong đó, tiễu phỉ, dẹp bạo loạn được xác định là nhiệm vụ cấp bách. Trong giai đoạn này, các đơn vị CANDVT đã phối hợp với các lực lượng tiêu diệt hàng chục toán gián điệp, biệt kích; phát hiện và xử lý hàng trăm đối tượng hoạt động thu thập tình báo, hàng chục tổ chức phản động; tiến hành sưu tra, xác minh hàng chục nghìn đối tượng, hàng nghìn vụ việc nghi vấn; tập trung cải tạo hàng nghìn đối tượng và di chuyển hàng nghìn đối tượng ra khỏi khu vực biên giới để làm trong sạch địa bàn...

Khi mới thành lập, tuy trang bị còn rất thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi, hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt... nhưng cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã đoàn kết một lòng, nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, vận động Nhân dân định canh, định cư, dựng làng, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội.

Tiêu biểu trên lĩnh vực xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới giai đoạn này có Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ, thuộc Đồn 5, CANDVT tỉnh Lai Châu cũ (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP tỉnh Điện Biên) đã nêu cao tấm gương “Trung với Đảng, tận tụy với dân” hết lòng vì hạnh phúc của Nhân dân. Anh đã sống mãi với đồng bào các dân tộc biên giới nói chung và đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Điện Biên nói riêng.

Tiêu biểu trên mặt trận tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến là CANDVT các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ (Yên Bái), Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, các đồn CANDVT: Cửa Tùng, Cù Bai (Quảng Trị), Keng Đu (Nghệ An), Quang Chiểu, Pù Nhi (Thanh Hóa), Pha Long (Lào Cai), đại đội 1 cơ động (Hà Giang), đại đội 1 cơ động (Cao Bằng), Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 12, Đoàn Thanh Xuyên)...

Tiêu biểu trên lĩnh vực bảo vệ Đảng, Nhà nước và nội địa là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Trung đoàn 254 và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Nhỏ (Trung đoàn 600)… Các tập thể, cá nhân anh hùng thời kỳ này mãi ngời sáng tấm gương hy sinh, tận tụy với dân, “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang thường xuyên tổ chức triển khai xây dựng các cụm dân cư biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

* Bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc và chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam (1965-1975)

Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ-ngụy, giải phóng dân tộc, các đơn vị CANDVT tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị CANDVT thường xuyên bám trụ ở những điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ... Các cán bộ, chiến sĩ luôn kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chiến đấu bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu quan trọng ở nội địa và chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam. Nhiều đồng chí đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua bom đạn cứu dân, cứu tài sản Nhà nước; tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới và các mục tiêu nội địa, góp phần bảo vệ an toàn tuyến hành lang vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển).

Từ năm 1965 đến năm 1975, toàn lực lượng trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ và chi viện trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho An ninh vũ trang miền Nam. Ngoài ra, các đơn vị CANDVT Miền Bắc còn cử nhiều đội công tác đặc biệt sang giúp bạn Lào xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia quân đội, ủng hộ cách mạng Lào và tổ chức tuyên truyền đặc biệt, tấn công chính trị, chiến đấu vũ trang phá nhiều cụm phỉ ở mặt trận K5 (đối diện tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) và các tỉnh của Lào đối diện 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị...

Trên chiến trường miền Nam, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã bám dân, bám đất, diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục (cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng miền Nam), bảo vệ vùng giải phóng. Lực lượng an ninh vũ trang miền Nam được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét, biệt kích, thám báo để bảo vệ các khu căn cứ và Trung ương Cục. Mặc dù phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian nan, ác liệt, với chiến thuật kìm kẹp “tìm diệt” vô cùng hiểm độc và tàn bạo của Mỹ-ngụy, nhưng lực lượng an ninh vũ trang miền Nam luôn phát huy truyền thống sắt son, kiên trung với Đảng, với cách mạng, kiên trì, bền bỉ, bám đất, bám dân, trụ vững giữa lòng địch, xây dựng cơ sở, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù, tiến hành công tác binh địch vận, phá vỡ nhiều tổ chức tình báo, mật vụ cài cắm ở các thôn ấp, hỗ trợ đắc lực cho các cuộc nổi dậy của quần chúng phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; táo bạo “xuất quỷ nhập thần” giữa sào huyệt địch, mưu trí tiến công phá hủy nhiều căn cứ quân sự, mục tiêu quan trọng của Mỹ, ngụy và tiêu diệt bọn ác ôn, đầu sỏ, thám báo, biệt kích bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương Cục, các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy ở miền Nam.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được sự chi viện của CANDVT miền Bắc, lực lượng an ninh vũ trang miền Nam đã phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu bắt sống, tiêu diệt nhiều tên gián điệp nằm vùng khét tiếng, tiêu hao sinh lực địch và tham gia dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiêu biểu là các đơn vị an ninh vũ trang Sài Gòn-Gia Định, Sóc Trăng, Phú Yên, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Trung đoàn 180..., tấm gương hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ: Phạm Thành Lượng, Lê Hồng Nhị, Trương Thành Chỏi, Trần Thị Tính, Nguyễn Kim Vang, Nguyễn Đình Xướng, Đỗ Nam, Phan Ngọc Nhân, Ngô Tiến Dũng và các anh hùng: Nguyễn Thị Hồng Châu, Kiều Văn Niết, Nguyễn Văn Điện, Phạm Văn Vàng, Hoàng Thức Bảo, Trần Phong, Đỗ Văn Quả, Hồ Văn Lý, Cao Văn Trung, Lý Hữu Trí, Trần Văn Sỹ, cùng nhiều đồng chí ưu tú khác.

Có thể thấy, dù chiến đấu trong hoàn cảnh nào, CANDVT đều tỏ rõ bản chất của một đội quân cách mạng, đội cận vệ trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần chủ chốt, quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia./.

Minh Hiếu (tổng hợp)

Nguồn: Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng

Bài 1 - Sự ra đời của Bộ đội biên phòng

Bài 3 - Mưu trí, dũng cảm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh