Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến nắng nóng cực đoan trên thế giới
Hà Nội (TTXVN 26/07/2023) Nhiều nước trên thế giới đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng cực đoan. Báo cáo của một nhóm nhà khoa học quốc tế khẳng định biến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng kỷ lục trên thế giới.
* Thế giới hứng chịu tháng 7 nóng nhất lịch sử
Theo các công cụ đo lường của Liên minh châu Âu (EU) và Đại học Maine (Mỹ) thu thập từ dữ liệu vệ tinh và mặt đất, thế giới đang trên đà trải qua tháng 7 nóng kỷ lục với các mức nhiệt độ cao ghi nhận. Từ đầu tháng 7, nắng nóng khắc nghiệt đã hoành hành trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á khi nền nhiệt đã phá vỡ mức kỷ lục, gây ra nhiều vụ cháy rừng, thiếu thốn nước sinh hoạt và gia tăng trường hợp nhập viện do các bệnh liên quan đến nắng nóng. Điển hình là các vụ cháy rừng đang lan rộng ở một số đảo của Hy Lạp, nhất là cháy rừng ở đảo Rhodes, khiến hàng nghìn du khách phải đi sơ tán. Nguyên nhân gây ra những vụ cháy rừng này là do nắng nóng kỷ lục ở Hy Lạp.
Ngày 22/7, Hy Lạp đương đầu với kỳ nghỉ cuối tuần tháng 7 nóng nhất trong 50 năm qua, với nhiệt độ vượt mức 40 độ C. Viện nghiên cứu thời tiết quốc gia Hy Lạp cảnh báo đợt nắng nóng này sẽ chưa chấm dứt trong vài ngày tới, đánh dấu đợt nắng nóng lâu nhất mà quốc gia này từng trải qua.
Tây Ban Nha cũng chịu ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao, lên tới hơn 40 độ C, dẫn tới nhu cầu sử dụng điều hòa tăng đột biến. Ngày 18/7, Tây Ban Nha đã ban bố các cảnh báo "nguy hiểm cực độ" do nắng nóng tại 3 khu vực ở nước này, gồm Figueres ở vùng Catalonia, quần đảo Balearic và Aragon, với nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Nắng nóng cũng gây ra các trận cháy rừng nghiêm trọng tại quần đảo Canary của nước này.
Tại Pháp, Cơ quan Thời tiết Meteo France đã ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ tại một số trạm quan trắc thời tiết ở miền Nam, trong đó có các vùng núi Alps và Pyrenees. Theo Meteo France, nhiệt độ lên tới 29,5 độ C tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Alpe d'Huez trên dãy Alps, dù khu này nằm ở độ cao 1.860 m so với mực nước biển. Tại Verdun nằm ở chân dãy núi Pyrenees, lần đầu tiên ghi nhận mốc nhiệt 40,6 độ C. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện các kỷ lục nhiệt độ cục bộ khác ở Renno nằm trên các ngọn đồi thuộc đảo Corsica (38,3 độ C), hay tại Aups (38,6 độ C) và Vauvenargues (37,3 độ C) ở cực Nam của Pháp.
Nước Đức đang chứng kiến những ngày nắng nóng oi bức với nhiệt độ quanh mức 35 độ C, đặc biệt nhiệt độ ở bang Bavaria có nơi lên đến 38,8 độ C, mức cao nhất ở nước này từ trước đến nay.
Khu vực Nam Âu cũng đang vật lộn với đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa cao điểm du lịch Hè, khiến nhà chức trách phải ban bố cảnh báo người dân về nguy cơ gia tăng các vấn đề sức khỏe và thậm chí tử vong. Tại Italy, đợt nắng nóng bất thường đã khiến nhiều thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục vào ngày 18/7, trong đó nhiệt độ tại thủ đô Rome lên tới mức cao mới là 42 độ C. Khu vực Sardinia ghi nhận mức nhiệt lên đến 47 độ C và nhiệt độ trên đảo Sicily là 45-46 độ C. Ngày 19/7, Bộ Y tế Italy đã ban bố cảnh báo thời tiết "màu đỏ" đối với 23/27 thành phố lớn của nước này.
Tại Mỹ, trong tháng 7 này, khoảng 110 triệu người Mỹ đã bị ảnh hưởng do đợt nắng nóng cực đoan hoành hành khu vực rộng lớn từ miền Nam bang California đến thành phố Miami. Trong ngày 20/7, nhiệt độ tại thành phố Phoenix, ở bang Arizona, là 116 độ F (47 độ C). Đây là ngày thứ 21 liên tiếp nhiệt độ tại đây tăng lên hơn 110 độ F và là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay tại thành phố này. Theo Cơ quan quản lý Công viên Quốc gia, tại Thung lũng Chết ở bang California, nơi có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất với mức nhiệt 56,7 độ C vào tháng 7/1913, một cụ ông 71 tuổi đã tử vong vào ngày 18/7 khi nền nhiệt tăng lên tới 49 độ C. Đây là trường hợp thứ hai tử vong được ghi nhận trong mùa Hè này do nắng nóng tại Thung lũng Chết. Trước đó, một cụ ông 65 tuổi đã tử vong ngày 3/7. Do nắng nóng khắc nghiệt, khu vực phía Nam bang California đã bùng phát nhiều đám cháy rừng, trong đó đám cháy rừng ở hạt Riverside đến nay đã thiêu rụi hơn 3.000 ha và buộc nhà chức trách phải ban bố lệnh sơ tán. Canada, quốc gia láng giềng phía Bắc của Mỹ, cũng đang trải qua những ngày nắng nóng khi mức nhiệt lên tới hơn 40 độ C ở phần lớn các khu vực của nước này, đặc biệt ở 2 tỉnh bang Ontario và Quebec.
Tại châu Á, nhiệt độ ở khu vực miền Đông Nhật Bản đạt 38-39 độ C trong ngày 16-17/7, phá vỡ kỷ lục ghi nhận trước đó. Chính phủ Nhật Bản ngày 16/7 đã đưa ra cảnh báo nguy cơ bị say nắng do nhiệt độ cao gần như kỷ lục thiêu đốt nhiều vùng của đất nước.
Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này - nơi nhiệt độ lên tới 52,2 độ C ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương (Xinjiang), cao hơn tới gần 2 độ C so với mức kỷ lục 50,6 độ C ghi nhận 6 năm trước. Thủ đô Bắc Kinh trải qua 18 ngày nhiệt độ cao trên 35 độ C trong thời gian từ 5/7. Đây là đợt nắng nóng dài ngày nhất Bắc Kinh ghi nhận trong cùng kỳ kể từ khi đài khí tượng này được xây dựng năm 1951. Tương tự, Đài Khí tượng Thủy văn tại tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, cũng ban bố cảnh báo đỏ, với nhiệt độ tại một số nơi lên tới 40-43 độ C trong ngày 6/7. Cục Khí tượng Trung Quốc ban bố cảnh báo cam, mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo, chủ yếu tại miền Bắc với nhiệt độ vượt 40 độ C. Cảnh báo màu cam cũng được ban bố trên khắp miền Trung và Đông Bắc Trung Quốc như khu tự trị Nội Mông, các tỉnh Thiểm Tây, Hà Nam và Sơn Đông.
Nhà khí hậu học hàng đầu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Gavin Schmidt nhận định tháng 7/2023 có thể sẽ là tháng nóng nhất của thế giới "trong hàng tram năm, thậm chí hàng nghìn" năm qua.
* Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính
Trong đánh giá đưa ra ngày 25/7, nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới khẳng định biến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng cực đoan trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á trong tháng 7 này.
Theo nghiên cứu, mặc dù hiện tượng El Nino có thể là nguyên nhân gây ra nắng nóng gay gắt ở một số khu vực, song nhân tố chính vẫn là sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sinh ra từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. Các nhà khoa học ước tính sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nền nhiệt ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á tăng thêm lần lượt là 2,5 độ C, 2 độ C và 1 độ C. Nhóm nghiên cứu cảnh báo các đợt nắng nóng cực đoan có nguy cơ gia tăng nếu con người không cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Các nhà khoa học ước tính những giai đoạn nắng nóng cực đoan kéo dài có thể sẽ xảy ra 2 đến 5 năm một lần nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu ước tính đã tăng hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhà khoa học Friederike Otto của Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu Grantham (Anh) cho rằng nắng nóng cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng.
Nắng nóng cực đoan là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về hệ lụy của đợt nắng nóng đang ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất làm việc, hệ sinh thái và nền kinh tế ở cả 3 châu lục Á-Âu-Mỹ. Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra ở Dubai vào tháng 11 tới đây, phải là một sự kiện mang tính quyết định và giúp ích cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thanh Lâm (tổng hợp)
- Từ khóa:
- biến đổi khí hậu
- El Nino