Biến đổi khí hậu: Thế giới cần hành động khi chưa quá muộn

Hà Nội (TTXVN 09/08/2023) Thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử. Chuỗi kỷ lục nhiệt độ toàn cầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu khiến giới chuyên gia khuyến cáo thế giới cần hành động khi chưa quá muộn.

* Toàn cầu ghi nhận tháng 7 nóng nhất trong lịch sử
Ngày 8/8, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, đến năng suất lao động, gây thiệt hại quy mô lớn đối với mùa màng và chăn nuôi, đè nặng lên các hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia.
Theo Copernicus, với các đợt nắng nóng và hỏa hoạn trên khắp thế giới, nhiệt độ trung bình trong tháng 7 vừa qua cao hơn 0,33 độ C so với mức nhiệt kỷ lục 16,63 độ C thiết lập vào tháng 7/2019 và cao hơn 0,72 độ C so với mức trung bình của tháng 7 giai đoạn 1991-2020. Nắng nóng đã xảy ra ở nhiều khu vực của Bắc bán cầu, trong đó có Nam Âu, tại khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Một số quốc gia ở Nam Mỹ và gần Nam cực cũng chứng kiến nhiệt độ trong tháng 7 cao hơn mức trung bình.
Khu vực Địa Trung Hải - nơi hứng chịu nhiệt độ kỷ lục trong tháng 7 này - lâu nay cũng được coi là "điểm nóng" của biến đổi khí hậu. Theo Viện Khoa học Đại dương của Tây Ban Nha, nhiệt độ trên biển Địa Trung Hải đã lên mức cao kỷ lục (28,71 độ C) vào ngày 24/7, trong bối cảnh nắng nóng cực đoan ở châu Âu.
Các đại dương trên thế giới cũng đã lập kỷ lục nhiệt độ mới trong tháng 7, làm dấy lên lo ngại về tác động dây chuyền đối với các cộng đồng cư dân ven biển và hệ sinh thái biển. Theo dữ liệu của Copernicus, nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương đã tăng lên 20,96 độ C vào ngày 30/7, vượt mức kỷ lục trước đó là 20,95 độ C vào tháng 3/2016.
Cũng theo cơ quan trên, mức dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 có thể là mức cao thứ ba được ghi nhận, theo đó ở mức cao hơn 0,43 độ C so với giai đoạn 1991-2020, cao hơn 0,49 độ C của năm 2016 và cao hơn 0,48 độ C của năm 2020. Mức chênh lệch nhiệt độ giữa năm 2023 và 2016 dự báo sẽ thu hẹp trong những tháng tới, do những tháng cuối năm 2016 tương đối mát mẻ, trong khi những tháng cuối năm 2023 dự báo sẽ tương đối ấm áp khi hiện tượng El Nino xảy ra.
Các nhà khoa học trước đó đã cảnh báo rằng tháng 7 năm nay có thể phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ ghi nhận trước đó khi sức nóng như thiêu đốt ngày càng gia tăng trên toàn cầu gây ảnh hưởng đến hàng chục triệu người.

* Biến đổi khí hậu - nhân tố chính gây nắng nóng cực đoan 
Theo đánh giá của một nhóm nhà khoa học quốc tế, biến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng cực đoan phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ ghi nhận trên khắp thế giới trong tháng 7. Các nhà khoa học ước tính sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nền nhiệt ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á tăng thêm lần lượt là 2,5 độ C, 2 độ C và 1 độ C. Theo nghiên cứu, mặc dù hiện tượng El Nino diễn ra trong năm nay và sự ấm lên của nước biển khu vực xung quanh vùng cân bằng nhiệt độ của Thái Bình Dương có thể là nguyên nhân gây ra nắng nóng gay gắt ở một số khu vực, song nhân tố chính vẫn là sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhóm nghiên cứu cảnh báo các đợt nắng nóng cực đoan có nguy cơ gia tăng nếu con người không cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Các nhà khoa học ước tính những giai đoạn nắng nóng cực đoan kéo dài có thể sẽ xảy ra 2 đến 5 năm một lần nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu ước tính đã hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chủ yếu do con người sử dụng các nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ và khí đốt) khi ngành công nghiệp này đang góp phần khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử. Nhà khoa học Friederike Otto của Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu Grantham (Anh) cho rằng nắng nóng cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Theo ông, những con số kỷ lục về nhiệt độ sẽ bị “xô đổ” trong tương lai do tác động của khủng hoảng khí hậu. 

* Cần hành động khi chưa quá muộn
Biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, cuộc sống của con người và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo thế giới cần hành động khi chưa quá muộn.
Theo Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường của Đại học Pennsylvania (Mỹ), ông Michael E. Mann, hiện khí hậu chưa rơi vào giai đoạn mất kiểm soát, nhưng đang ngày càng xấu đi và tình hình rất nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn mà các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tăng đến mức không thể kiểm soát và cũng chưa có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đã vượt qua "ngưỡng không thể quay lại", nhưng điều này có nguy cơ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nung nóng hành tinh. Do đó, ông cho rằng thế giới vẫn còn thời gian để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất xảy ra nếu hành động ngay từ bây giờ. Ông nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là tốc độ giảm phát thải. Đó là lý do Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đề cập việc giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, để có thể hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C. Đây là mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và "vách đá" này hoàn toàn có thể vượt qua.
Trong khi đó, bà Mari Pangestu, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mang tính khẩn cấp và trên quy mô lớn đồng thời ước tính các nước đang phát triển sẽ cần hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm để đáp ứng mục tiêu khí hậu. Bà nhấn mạnh từ khóa ở đây là sự chuyển đổi, tức là cách thức chuyển đổi từ mức phát thải cao sang năng lượng sạch và điều này đòi hỏi nỗ lực lớn hơn từ tất cả bên liên quan. Theo nhận định của cựu quan chức WB, một phần nỗ lực sẽ phải đến từ nguồn lực của chính các quốc gia đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngân hàng phát triển đa phương và các nguồn khác.
Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber, cũng kêu gọi các nước đoàn kết và hợp tác nhằm tăng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo, khử carbon toàn diện hệ thống năng lượng. Ông khẳng định đối diện với biến đổi khí hậu, không có bất cứ quốc gia hoặc cá nhân nào được thiếu tinh thần tập thể, các nước cùng hợp tác là lựa chọn sáng suốt. Hành động trước mắt là cần phải ủng hộ quá trình đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại Hội nghị COP28 sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), vì đây là khuôn khổ đa phương duy nhất để phối hợp hành động toàn cầu.

                                                                                                                          Thanh Lâm (tổng hợp)