Binh chủng Pháo binh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Hà Nội (TTXVN 27/2/2025) Thành lập ngày 29/6/1946, Pháo binh là một trong những binh chủng được hình thành sớm cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu, Binh chủng Pháo binh không ngừng trưởng thành, phát triển cả về tổ chức, lực lượng, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến; sát cánh cùng các lực lượng trên các chiến trường, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, viết nên truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”. Với những đóng góp đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 3/6/1976, Binh chủng Pháo binh được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngay sau khi thành lập, Bộ đội Pháo binh đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục nhiều khó khăn, chế tạo nhiều loại vũ khí pháo binh…, kịp thời trang bị nâng cao khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến của chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại các thủ đoạn chiến thuật trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp.
Bộ đội Pháo binh đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, càng đánh càng trưởng thành nhanh chóng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong các chiến dịch, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu năm 1954. Chiến công của Bộ đội Pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho thấy bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh chiến dịch, mở ra những hướng đầu tiên để quân đội ta xây dựng và biên soạn học thuyết về nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Pháo binh đã không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật và chiến thuật, trình độ tổ chức và chỉ huy, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, chiến đấu dũng cảm, sáng tạo nhiều cách đánh hay phù hợp với đặc điểm điều kiện của từng chiến trường. Đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng, đánh trận địa pháo, đánh kho tàng, đánh sân bay, quân cảng, đánh tàu chiến địch trong các tình huống phức tạp, quyết liệt cả ban ngày lẫn ban đêm trên các địa hình đều giỏi. Phát huy sức mạnh của hỏa lực chủ yếu của lục quân trong các chiến dịch, trong các trận chiến đấu trên các chiến trường ở miền Nam, Lào, Campuchia. Trong chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Bộ đội Pháo binh cũng là lực lượng nòng cốt bắn tàu chiến địch, bảo vệ vùng biển của nước ta.
Binh chủng Pháo binh đã đánh 11.600 trận hiệp đồng, chi viện đắc lực cho các đơn vị bạn đánh địch được thuận lợi; đánh 12.000 trận độc lập, diệt 140.000 tên địch; phá hủy 6.300 máy bay, 5.400 xe các loại, hơn 500 tàu xuồng chiến đấu, 1.100 kho vũ khí, xăng dầu.
Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ đội Pháo binh đã tích cực đánh địch với quy mô rộng lớn vào hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy trên toàn chiến trường miền Nam. Riêng Bộ đội Pháo binh đã diệt hơn 30.000 tên địch, phá hủy hơn 2.000 máy bay, 1.800 xe quân sự (có 250 xe tăng, xe bọc thép), 250 khẩu pháo, 300 kho vũ khí, xăng dầu; bắn chìm, bắn cháy 210 tàu chiến, tàu vận tải.
Đến chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 3/1971), Bộ đội Pháo binh đã vượt qua mọi khó khăn ác liệt, phát huy hỏa lực mạnh mẽ, diệt hầu hết các trận địa pháo, phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn công sự, hầm ngầm của địch, góp phần cùng đơn vị bạn đánh bại cuộc hành quân của địch ra Đường 9 - Nam Lào.
Tại chiến dịch Quảng Trị (1972), Bộ đội Pháo binh đã chuẩn bị chu đáo, tranh thủ, bất ngờ đưa nhiều loại pháo, kết hợp pháo tầm xa với pháo tầm gần vào chiến trường để đánh địch. Quá trình chiến đấu, dù khó khăn ác liệt nhưng Bộ đội Pháo binh vẫn bắn chính xác vào các mục tiêu được giao, làm tê liệt hầu hết các trận địa pháo, sân bay của địch, phá hủy nhiều kho tàng, hầm ngầm, công sự kiên cố, sở chỉ huy của địch ở Quảng Trị. Riêng những trận đánh độc lập, Bộ đội Pháo binh đã diệt hơn 42.000 tên địch; phá hủy 770 máy bay, 970 khẩu pháo, 800 xe quân sự, 378 kho vũ khí, xăng dầu, bắn chìm, bắn cháy 113 tàu xuồng chiến đấu của địch.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bộ đội Pháo binh đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hành quân cơ động chiến đấu trên các chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ đội Pháo binh đã đánh nhiều trận hay, sử dụng pháo tầm xa kết hợp với pháo tầm gần, bắn chi viện cho các cánh quân, bắn chặn đường rút quân của địch, bắn phá các trận địa pháo binh địch, chế áp các sở chỉ huy địch, bắn phá các kho tàng, sân bay, bến cảng, đập tan ý đồ co cụm, lập tuyến phòng thủ mới và kế hoạch chi viện của địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Với những thành tích đạt được trong xây dựng và chiến đấu, Bộ đội Pháo binh đã được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng “Chân đồng - Vai sắt - Đánh giỏi - Bắn trúng”; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Ngày 3/6/1976, Binh chủng Pháo binh được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.
Hoàng Yến (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN; Sách: Chiến dịch Hồ Chí Minh: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005; Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019]