BỐI CẢNH VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Từ 1858 đến 1884, Pháp đã từng bước đánh chiếm và áp đặt ách đô hộ lên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam rồi chia Việt Nam thành ba xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ với ba chế độ cai trị. Năm 1887 Pháp thành lập Liên bang Đông Dương gồm Việt Nam, Campuchia, sau đó sáp nhập thêm Lào năm 1893 và Quảng Châu Loan năm 1900. Cùng với việc đặt ách thống trị, thực dân Pháp hối hả bắt tay vào cuộc khai thác thuộc địa , đàn áp, bóc lột và bóp nghẹt quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Ngay sau khi Pháp nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh rất mạnh mẽ, phản kháng lại sự xâm lược. Nổi bật là phong trào kháng chiến của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân các tỉnh Nam kỳ với các cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Trung Trực, Trương Định làm thủ lĩnh. Sau khi thực dân Pháp chiếm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, phong trào Cần Vương (1885-1896), do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động đã phát triển mạnh mẽ từ Trung kỳ ra tới Bắc kỳ với các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu: Ba Đình, Bãi Sậy, Hương Khê… Cùng thời gian này còn nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, kéo dài đến năm 1913.
Đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước Phan Bội Châu chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật. Ông lập ra Hội Duy tân (1904), tổ chức phong trào Đông Du (1906-1908). Trong khi đó, nhà yêu nước Phan Châu Trinh chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ hợp pháp, làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Ở Bắc kỳ, có việc mở trường học, giảng dạy và học tập theo những nội dung và phương pháp mới, tiêu biểu là trường Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội. Ở Trung kỳ, có cuộc vận động Duy tân, hô hào thay đổi phong tục, nếp sống, kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế (1908). Các phong trào đấu tranh dù là bạo động hay không bạo động, theo tư tưởng phong kiến hoặc dân chủ tư sản cuối cùng đều thất bại. Việc tìm cho dân tộc Việt Nam một con đường giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp ngày càng trở nên cấp thiết.
“Đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam. Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam... Trong mấy mươi năm chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”.
(Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1/1959)