Ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”

Nhắc đến Nhạc sỹ Tôn Thất Lập, người ta sẽ nhớ ngay đến ca khúc nổi tiếng đầu tiên của ông: “Hát cho dân tôi nghe” đã mở đầu cho một phong trào tranh đấu tranh âm nhạc có một không hai mang tên “Hát cho đồng bào tôi nghe” thời đất nước còn bị chiến tranh chia cắt.

"Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang..."

Ca khúc được viết theo thể hành khúc mang màu sắc ngũ cung. Bài ca vừa có sức sống của dân tộc, vừa có âm hưởng rõ nét của dòng nhạc Cách mạng.

"Hát cho dân tôi nghe” được nhạc sỹ trẻ viết trong những ngày sôi sục khí thế tranh đấu của phong trào sinh viên, học sinh tại Huế cuối năm 1966.

Nghe ca khúc "Hát cho dân tôi nghe"

Giai điệu và lời ca của ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” đã mở đầu cho phong trào tiếng hát tranh đấu “Hát cho đồng bào tôi nghe” của giới học sinh-sinh viên miền Nam, trở thành ngòi pháo của các giới đồng bào, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử năm 1975.

Nhà văn Trần Bạch Ðằng từng nói: “Phong trào ‘Hát cho đồng bào tôi’ nghe làm run rẩy cả một chế độ. Nó đưa cả một khí thế quần chúng dữ dội, thực sự dấn thân, cả trong tù."

Ngoài “Hát cho dân tôi nghe,” nhiều nhạc phẩm khác của Nhạc sỹ Tôn Thất Lập viết trong thời kỳ này cũng được phổ biến rộng rãi trong phong tranh đấu của học sinh, sinh viên miền Nam như: “Xuống đường,” “Hát trong tù,” “Lúa reo trên khắp đồng bằng…”

Không chỉ sáng tác những ca khúc tranh đấu, Nhạc sỹ Tôn Thất Lập còn sáng tác những bản tình ca rất lôi cuốn. Những bài hát về tuổi trẻ, tình yêu của ông đầy ắp sự lãng mạn, nồng nàn, giai điệu trẻ trung, tươi sáng, chứa chan tình yêu quê hương, đất nước.

(TTXVN/Vietnam+)