Chân Mộng - Trạm Thản, chiến thắng của một vùng đất anh hùng

Hà Nội (TTXVN 14/11/2014) Ngày 17/11/1952 cách đây 62 năm là một mốc son lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quân và dân Phú Thọ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc, tạo tiền đề để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

* Chiến thắng của một vùng đất anh hùng

Phú Thọ là cửa ngõ quan trọng nối liền Việt Bắc với liên khu 3 và liên khu 4, nối liền miền trung du Việt Bắc với miền thượng du Tây Bắc, có nguồn nhân lực vật lực dồi dào. Vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Thọ là một chiến trường vô cùng ác liệt và là một trong những mục tiêu chính trong kế hoạch đánh chiếm khu Tây Bắc của thực dân Pháp.

Năm 1952, địch mở cuộc hành quân mang tên Loren, huy động hơn 30.000 quân đánh lên Phú Thọ-Yên Bái nhằm kéo chủ lực ta phải quay về giữ căn cứ, để cứu nguy cho tuyến phòng thủ còn lại của chúng ở Tây Bắc không bị uy hiếp. Sau khi phân tích đánh giá tình hình, phán đoán âm mưu và hành động của địch, ban chỉ huy mặt trận Phú Thọ cùng ban chỉ huy trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn quân tiên phong 308 quyết định tổ chức trận địa phục kích táo bạo trên quốc lộ số 2, đoạn Chân Mộng - Trạm Thản (thuộc hai huyện Phù Ninh và Đoan Hùng). Đêm ngày 16-11-1952, được sự giúp đỡ của nhân dân và dân quân du kích địa phương, các đơn vị của trung đoàn 36 lần lượt vào chiếm lĩnh trận địa. Tiểu đoàn 72 bộ đội địa phương Phú Thọ điều đại đội 310, chia thành 3 trung đội phối hợp và dẫn đường cho các tiểu đoàn chủ lực. Đại đội 319 phục kích ở đoạn đường Phú Hộ, đại đội 319 phục kích ở khu vực Phú Lộc cùng nhân dân cản đường, đánh kiềm chế giam chân địch trên đường chúng rút lui, tạo thời cơ để bộ đội chủ lực tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Các trận địa phục kích của ta từ hai bên đường độc đạo đã bố trí xong lực lượng, lặng lẽ chờ địch. Đúng như kế hoạch tác chiến của ta, 10h20 phút ngày 17-11-1952, đội hình hành quân của địch lọt vào trận địa phục kích. Các chiến sĩ Trung đoàn 36 anh dũng xông lên, chụp lửa xuống đoàn xe địch. Cuộc tháo chạy của địch bị cắt làm đôi, số địch đi đầu thoát chết chạy thẳng về Phú Hộ. Số còn lại nằm gọn trong tầm bắn của bộ đội ta. Máy bay địch lồng lộn gầm rú nhưng chỉ dám bắn đường sá vì sợ bắn nhầm vào quân của chúng. Với phương châm đánh nhanh, diệt gọn, chỉ sau 1 ngày chiến đấu quyết liệt, quân ta đã tiêu diệt hơn 400 tên địch, phá hủy 44 xe cơ giới, trong đó có 17 xe tăng, xe bọc thép, thu nhiều quân trang, quân dụng của địch. Có thể nói, trận đánh Chân Mộng – Trạm Thản đã đi vào lịch sử chiến đấu oai hùng của quân đội ta, của trung đoàn 36, đại đoàn quân tiên phong 308 và của quân và dân Phú Thọ.

Đây là trận chiến đấu oanh liệt, phá hủy được nhiều xe cơ giới nhất ở Đông Dương kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến. Trận đánh đã bẻ gãy cuộc hành quân Loren của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đem lại chiến thắng trong chiến dịch Tây Bắc và tạo tiền đề làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ huy sáng suốt của các cấp uỷ Đảng và của Bộ tư lệnh chiến dịch; là khúc ca hùng tráng về ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu dũng cảm và kiên cường, đoàn kết một lòng, hợp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Và đặc biệt là nhân dân Phú Thọ đã đem hết sức mình chiến đấu một cách kiên cường, quả cảm, sát cánh cùng bộ đội quyết tâm giành thắng lợi đến cùng.

* Phú Thọ vững bước đi lên
Phát huy tinh thần chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, ngay từ những ngày đầu được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh; đồng thời, dốc toàn lực để vượt qua những khó khăn, thử thách trong những ngày đầu thành lập. Từ một tỉnh miền núi vốn thiếu lương thực, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, độc canh cây lúa, đến nay, Phú Thọ đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số 11 tỉnh vùng Đông - Bắc Bộ, về sản xuất lương thực và là trung tâm sản xuất giấy và chè của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm và là một trong số các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Các ngành dịch vụ phát triển khá toàn diện, từng bước khai thác được lợi thế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Giáo dục - đào tạo của tỉnh cũng có sự phát triển vượt bậc, theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá. Nhiều năm gần đây, Phú Thọ luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện các tiêu chí giáo dục cũng như thành tích trong giảng dạy, học tập…

Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua cùng với biết bao biến động của lịch sử, thiên nhiên, đời sống kinh tế xã hội… song hào khí của chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản vẫn ngời sáng và cổ vũ đưa Phú Thọ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh, xứng đáng là mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi phát tích của một thời Hùng Vương dựng nước./.

Thông tin tư liệu