Cầu Kè là vùng bị địch chiếm đóng sớm, có hơn 80% dân số là người dân tộc Khơme, một số bị địch lợi dụng đưa vào các tổ chức chống phá cách mạng. Cầu Kè tiếp giáp với vùng Hựu Thành, Hoà Bình, là căn cứ giải phóng liên hoàn với vùng giải phóng Tam Bình.
Lực lượng địch trong thị trấn Cầu Kè có 137 quân (có 9 quân Pháp), đóng ở ba vị trí: khu nhà thương, dinh quận và bốt Cò; trang bị gồm: 1 cối 81 mm, 1 cối 60 mm, 1 đại liên, 1 trung liên, còn lại là tiểu liên và súng trường. Ở ngoại vi Cầu Kè có 31 đồn, bốt, trong đó 4 đồn cỡ đại đội (Bát Sa Ma, Phong Phú, Sóc Kha, Bến Cát); còn lại là các bốt cỡ trung đội, tiểu đội và trên 100 chòi gác của bảo an, dân vệ. Để ứng cứu cho lực lượng chiếm đóng, lực lượng cơ động vòng ngoài gồm 1 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn dù.
Chấp hành nghị quyết của Hội nghị quân sự Nam Bộ (9.1949), Bộ chỉ huy Khu 8 quyết định mở một đợt tiến công lớn, phá kế hoạch bình định của địch, tạo thế, tạo đà cho lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh phong trào kháng chiến trên toàn khu. Theo đề nghị của hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Ban chỉ huy Liên trung đoàn 109-111, tháng 10.1949, Bộ chỉ huy Khu 8 quyết định mở Chiến dịch Cầu Kè nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; phá vỡ hệ thống phòng ngự tháp canh của địch trên địa bàn huyện, giải tán bảo an, dân vệ, tề điệp; cắt đường vận chuyển của địch từ Trà Vinh về cầu Kè; tiêu diệt quân ứng cứu, giành lại một phần nhân lực, vật lực và mở rộng vùng căn cứ của Liên trung đoàn 109-111.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 2 tiểu đoàn chủ lực (307, 308), 4 đại đội độc lập (995, 997, 999, 889), 4 trung đội độc lập và dân quân du kích địa phương. Bộ chỉ huy Khu 8 trực tiếp tổ chức, chỉ đạo chiến dịch, Chỉ huy trưởng Nguyễn Hữu Xuyến, Chính ủy Dương Cự Tẩm. Cách đánh chiến dịch được xác định là đánh điểm diệt viện; ý định chiến dịch là tiến công Bát Sa Ma, Phong Phú, bao vây quận lị Cầu Kè để kéo quân cơ động đến ứng cứu, tạo điều kiện đánh địch ngoài công sự trên đường Trà Vinh - Cầu Kè - Cần Thơ.
Để thực hiện ý định trên, lực lượng chiến dịch được tổ chức thành hai mặt trận. Mặt trận A từ sông Hậu đến quận lị Cầu Kè gồm Tiểu đoàn 308, các đại đội 995, 997, 889, 1 trung đội công an xung phong, 1 trung đội dân quân có nhiệm vụ đánh chiếm đồn Chông Nô, các lô cốt xung quanh quận lị, giải tán tề ngụy bảo an, bao vây địch trong quận lị; diệt viện từ sông Bong Bót vào Cầu Kè và chi viện cho Mặt trận B khi cần thiết. Mặt trận B (trên đường Tiểu Cần - Cầu Kè), gồm Tiểu đoàn 307, Đại đội 999 và 1 trung đội độc lập, có nhiệm vụ tiêu diệt đồn Bát Sa Ma và các lô cốt dọc đường Cầu Kè - Tiểu Cần, đánh quân tiếp viện từ Tiểu Cần lên, cùng địa phương phá hoại đường bộ và chi viện cho Mặt trận A khi cần thiết. Chiến dịch diễn ra 3 đợt.
Đợt 1 (7-9.12), ta tiến công các đồn Chông Nô, Bát Sa Ma, bao vây quận lị Cầu Kè để nhử viện. Đêm 7.12.1949, các lực lượng chiến dịch tiếp cận mục tiêu theo kế hoạch. 0 giờ ngày 8, Tiểu đoàn 308 ở Mặt trận A nổ súng mở màn chiến dịch. Đại đội 935 (Tiểu đoàn 308) tiến công lô cốt Trà Khéo, bốt Bà Mi, đồn cảnh sát ở đầu Giồng Lớn xã Hoà An. Đại đội 936 cùng công an xung phong đột nhập thị trấn, bao vây, pháo kích đồn Pháp, dinh quận, bốt Cò ở khu trung tâm. Ta tuyên truyền, địch vận gọi loa, phân phát truyền đơn kêu gọi đoàn kết dân tộc, diệt giặc, giải phóng phum sóc. Quân địch trong các đồn cố thủ, không dám ứng cứu cho nhau. Đại đội 937 (Tiểu đoàn 308) tiến công đồn Chông Nô, vị trí kiên cố nhất ở ngoại vi Cầu Kè.


Chiến dịch Cầu Kè (7-26/12/1949)

Sau 4 giờ vừa tiến công vừa kêu gọi địch ra hàng, ta làm chủ đồn, loại khỏi vòng chiến đấu 20 địch (diệt 5, bắt 15), thu 17 súng và hơn 1 nghìn viên đạn. Sáng 8.12, địch điều 2 trung đội từ Bến Cát, Bần Chát đến ứng cứu, bị ta chặn đánh, diệt hơn 20 địch, số còn lại rút chạy. Ta làm chủ tuyến sông Bong Bót từ sông Hậu vào Cầu Kè.
Tại Mặt trận B, trong đêm 7.12, Tiểu đoàn 307 cùng bộ đội địa phương (Trung đội Liên quân Việt - Miên) nổ súng tiến công đồn Bát Sa Ma (do 1 trung đội địch đóng giữ, được xây dựng cạnh một ngôi chùa lớn của đồng bào Khơme, có thanh niên bảo an được trang bị vũ khí bảo vệ vòng ngoài), nhưng không thành công. Ngày 8.12, tiểu đoàn vừa bao vây, vừa tiến công và vận động binh lính địch ra hàng. 12 giờ ta chiếm được chùa, đưa dân ra ngoài an toàn; 17 địch trong đồn không chống cự nổi buộc phải ra hàng. Nghe tin đồn Bát Sa Ma bị diệt, quân địch ở đồn Phong Phú và các lô cốt Trà Điêu, Ô Tà Tưng, Ông Sư rút chạy hoặc ra hàng. Ta phá cầu Bát Sa Ma và làm chủ đoạn đường 37 từ Tiểu Cần đi Cầu Kè, sau đó, Tiểu đoàn 307 về đứng chân ở giồng Phong Phú sẵn sàng đánh viện. 5 giờ ngày 9.12, địch điều 4 sà lan và 1 tàu hộ tống từ cần Thơ vào sông Bong Bót đổ quân lên Bến Cát nhằm giải toả cho Cầu Kè. Đại đội 889 cùng đội thủy lôi của Liên trung đoàn 109-111 đã tổ chức phục kích kịp thời nổ súng bắn chìm tàu hộ tống và 1 sà lan chở quân diệt 40 địch; số tàu còn lại rút chạy ra sông Hậu.
Đợt 2 (10-12.12), ta triển khai trận địa diệt viện binh địch ở giồng Phong Phú. Trong 2 ngày 9 và 10.12, địch liên tục cho máy bay trinh sát, bắn phá khu vực Bát Sa Ma, Phong Phú. Sáng 11.12, một tiểu đoàn địch từ Tiểu Cần lên chiếm lại Bát Sa Ma; một đại đội từ Cần Thơ xuống Chông Nô và tiến vào Cầu Kè. Dự kiến địch sẽ từ Tiểu Cần đi giải vây cho Cầu Kè, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tổ chức trận địa phục kích ở giồng Phong Phú. Tiểu đoàn 307 (thiếu 2 trung đội) và Đại đội 937 bố trí trên hướng chính tại giồng Phong Phú; Đại đội 935 ở ấp Thơ Đôi sẵn sàng đánh quân đổ bộ từ sông Hậu lên; 2 trung đội của Tiểu đoàn 307 ở Ô Tà Tưng - Châu Điền chặn địch ở hướng Cầu Kè. Trong đêm 11, các đơn vị triển khai thế trận sẵn sàng đánh địch.
8 giờ 30 ngày 12.11, địch cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh Marôc 1 (2/1 RTM) từ Bát Sa Ma hành quân về Cầu Kè. Chờ cho địch lọt vào trận địa của ta ở giồng Phong Phú, các tiểu đoàn 307, 308 đồng loạt nổ súng, xung phong chia cắt đội hình địch. Sau 15 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt hơn 90 địch, bắt 62, thu toàn bộ vũ khí. 9 giờ cùng ngày, 1 đại đội địch ở Cầu Kè tiến về Phong Phú để ứng cứu, đến Châu Điền (cách Phong Phú 3 km) bị Đại đội 933 (Tiểu đoàn 307) chặn đánh, một số bị diệt, số còn lại rút chạy. 11 giờ, địch cho nhiều xe lội nước đến Phong Phú để ứng cứu, ta dựa vào công sự và địa hình có lợi chặn đánh bắn hỏng 2 xe, diệt thêm một số địch.
Đợt 3 (13-26.12), ta tiếp tục bao vây Cầu Kè để diệt viện, kết hợp với đánh giao thông và xây dựng cơ sở ở vùng mới giải phóng. Sau chiến thắng Phong Phú, ta tiếp tục bao vây, quấy rối thị trấn Cầu Kè, đánh giao thông trên đường Trà Vinh - Tiểu Cần, phá hủy 2 cầu; tuyên truyền vận động nhân dân ở vùng Chông Nô, Bát Sa Ma, Phong Phú, Ô Tà Tưng... Đêm 25.12, Tiểu đoàn 308 cùng lực lượng địa phương diệt đồn La Ngà và giải tán tề ngụy ở các làng xóm lân cận. Ngày 26.12, địch cho xe chở quân và máy bay thả 1 đại đội dù xuống khu vực La Ngà để giải toả. Tiểu đoàn 308 chặn đánh diệt nhiều địch. Cùng ngày, Tiểu đoàn 307 diệt lô cốt Tân Đại, Cầu Tre, thu hơn 40 súng.
Kết quả, ta tiêu diệt, bức hàng 17 đồn bốt, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Âu - Phi, 1 đại đội dù, diệt 500, bắt 200 quân, bắn chìm 2 tàu, phá hủy 2 xe lội nước, 4 xe quân sự, thu trên 300 súng các loại, phá tan hệ thống tề ngụy ở hàng chục phum sóc, mở rộng vùng giải phóng liên hoàn của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, góp phần đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm và âm mưu chia rẽ dân tộc, dùng người Việt đánh người Việt của địch. Chiến dịch Cầu Kè là chiến dịch tiến công đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, diễn ra trên vùng đồng bằng nhiều đường sá, kênh rạch. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng linh hoạt cách đánh điểm và vây điểm để diệt viện; chọn hướng, mục tiêu chính xác, bố trí, sử dụng lực lượng hợp lí nên đã giữ vững quyền chủ động từ đầu đến kết thúc chiến dịch. 

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)