Chiến dịch Đắk Lắk (Chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch nam Tây Nguyên, 7-9/1950)
Sau khi chiếm được Tây Nguyên, Pháp xây dựng bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến buôn làng, củng cố và mở rộng hệ thống đồn bốt cũ, xây đồn bốt mới. Từ đầu năm 1949, quân Pháp tăng cường càn quét, nhằm ngăn chặn các đường tiến quân của ta, đẩy lùi các đội gây cơ sở đang tiến sâu vào Tây Nguyên. Lực lượng Pháp trong khu vực có khoảng 9 đại đội, trong đó 1/3 là Âu - Phi, đóng trên một số đồn dọc các tuyến đường 14, đường 7, đường 21; hoạt động chủ yếu là càn quét bắt lính, quấy rối vùng tự do, thăm dò phát hiện lực lượng chủ lực ta.
Giữa năm 1950, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh Liên khu 5 mở Chiến dịch Đắk Lắk ở nam Tây Nguyên với mục đích: phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu. Mục tiêu chính của chiến dịch là phát triển cơ sở chính trị và khu du kích tam giác Cheo Reo - Buôn Hồ - Ma Đrắk để tiến tới xây dựng căn cứ địa vùng Buôn Hồ.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Trung đoàn 803 (Liên khu 5) có 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội công binh, một đại đội trợ chiến; Trung đoàn 84 có 6 đại đội độc lập (12,13,14,17,21,22), 5 đại đội được trên tăng cường (11, 18, 19, 20, 1) và 9 đội vũ trang tuyên truyền (121, 122, 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129). Ngoài ra, liên khu còn điều động nhiều cán bộ chính trị đi cùng các đội vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở chính trị và huy động hàng chục nghìn dân công cùng 500 ngựa thồ từ hai tỉnh Bình Định, Phú Yên phục vụ chiến dịch. Bộ chỉ huy mặt trận (mật danh Mặt trận 84) gồm Chi huy trưởng Nguyễn Đôn, Chính ủy Trương Quang Giao (Bí thư ban cán sự Đắk Lắk).
Địa bàn trọng điểm là khu vực Cheo Reo - Buôn Hồ - Ma Đrắk (bắc thị xã Buôn Ma Thuột, nay là thành phố Buôn Ma Thuột), phía đông giáp với huyện Đồng Xuân - Phú Yên, phía tây giáp Campuchia. Các đường giao thông chính: đường 14 chạy dọc từ bắc xuống nam nối Pleiku với Buôn Ma Thuột; đường 21 nối Buôn Ma Thuột với Khánh Hoà; đường Prôten nối Buôn Hồ (trên đường 14) với Chư Cúc (đường 21); đường 21 kéo dài nối Ma Đrắk với Củng Sơn (Phú Yên); đường 7B nối Cheo Reo (trên đường 7) với đường 14 qua Thuần Mẫn. Để bảo đảm cho chiến dịch, từ tháng 5 ta bắt đầu vận chuyển vũ khí, lương thực. Chiến dịch diễn ra 2 đợt.
Đợt 1 (tháng 7 và 8.1950), Bộ chỉ huy mặt trận sử dụng hai tiểu đoàn của Trung đoàn 803 tập trung đánh các cứ điểm địch trên đường 7 để thu hút địch, hỗ trợ cho các đại đội địa phương, các đội vũ trang tuyên truyền và các đoàn dân công vận chuyển tiến lên Buôn Hồ, đi sâu vào vùng địch hậu gây cơ sở. Đêm 15.7.1950, Tiểu đoàn 365 (Trung đoàn 803) tổ chức tiến công đồn Ma Phu mở màn chiến dịch. Tiểu đoàn 39 và một bộ phận của Trung đoàn 84 làm nhiệm vụ chặn viện. Mặc dù có nhiều thời gian chuẩn bị, triển khai tiếp cận đúng kế hoạch nhưng sau 30 phút nổ súng, Tiểu đoàn 365 (lần đầu tiên sử dụng bom phá do liên khu chế tạo) vẫn không mở được cửa mở; địch chống cự quyết liệt, bộ đội bị thương vong nhiều, tiểu đoàn phải tổ chức lui quân. Kết quả, hoả lực ta chỉ phá sập được một số căn nhà, loại khỏi vòng chiến đấu một số địch.
Ngày 16, Tiểu đoàn 39 tổ chức phục kích đánh địch từ Aêriêng ra ứng cứu, nhưng địch không đi theo hướng ta dự kiến, nên ta không diệt được và để địch chạy thoát. Sau hai trận đánh tập trung không thành công, Trung đoàn 803 cùng các đại đội của Trung đoàn 84 phân tán đánh địch ở Ma Đrik (Blang), Blôi, Blá, đường 7, đường 21 để hỗ trợ cho các đội vũ trang tuyên truyền đi sâu vào vùng địch hậu hoạt động. Ngày 17, Đại đội 19 (Trung đoàn 84) cùng dân công đang vận chuyển gạo lên Buôn Hồ đã đánh bại một đại đội địch càn ở buôn Ma Rít diệt chỉ huy địch, thu được một số vũ khí, đạn dược và tài liệu mật. Ngày 19.7, Trung đoàn 84 phục kích xe địch từ Ma Lăk về buôn Ma Rốc diệt 25 quân (trong đó có 1 trung úy, 24 lính), bắt 2 tù binh. Trong thời gian này, Tiểu đoàn 39 đã phục kích diệt được một xe quân sự trên đường 21 bis, loại khỏi vòng chiến đấu 4 địch trong đó có đồn trưởng đồn Ma Đrắk, thu 1 trung liên, 1 súng ngắn, 20 súng trường và nhiều lương thực, thực phẩm.
Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, các đội vũ trang tuyên truyền phát động nhân dân tham gia kháng chiến. Tại Cheo Reo, đêm 20.8, bộ đội và dân quân bao vây, uy hiếp đồn Blac, Cà Lúi hỗ trợ cho nhân dân vào đồn rải truyền đơn, kêu gọi binh lính trở về nhà làm ăn. Tiếp đó, được sự giúp đỡ của cơ sở, 2 đại đội 1 và 18 (Trung đoàn 84) tập kích vào thị xã Cheo Reo làm chủ một đêm, giải thoát được một số người của ta bị địch giam giữ ở đây. Các lực lượng ở Ma Đrắk liên tục đánh địch trên đường 21, phá cầu từ buôn Lê Điêm đi Buôn Đức, bộ binh và công binh phục kích đánh mìn, tiêu hao 1 đại đội địch, thu vũ khí. Đội vũ trang tuyên truyền ở Buôn Hồ phát triển đến kilômét 54 trên đường 21, bắt liên lạc được với công nhân các đồn điền Ôgiê, Mecquya, Cađa, Ricacđôni... và xây dựng được một số cơ sở trong nội thị. Đội vũ trang tuyên truyền 125 vượt qua nhiều chặng đường núi nguy hiểm vào xây dựng cơ sở ở 5 xã Đắk Lô, Đắk Đam, Đắk La, Đắk Sua, Bu Rua; thành lập được một trung đội dân quân, vận động nhân dân đào hầm chông, làm bẫy đá, rào buôn chống địch càn quét. Ở hướng huyện Lắk, các đội vũ trang tuyên truyền và Đại đội 17 (Trung đoàn 84) đã diệt được các toán quân địch ở Chư Pheng, Yang Reh, xây dựng được một số cơ sở ở khu vực đông huyện Lắk, dọc sông Krông Bông...
Đợt 2 diễn ra trong tháng 9. Do điều kiện khó khăn, Bộ chỉ huy mặt trận chỉ đạo các đơn vị chủ lực tập trung đánh địch càn quét vào Ma Đrắk - Cheo Reo bảo vệ các đoàn dân công vận chuyển trên các đường hành lang, đánh giao thông trên đường 21, tạo điều kiện cho các đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch hậu gây cơ sở. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, các đoàn vận chuyển đã vận chuyển được nhiều muối, gạo theo 3 đường hành lang lên các vùng rừng núi Tây Nguyên. Các đội vũ trang tuyên truyền phối hợp mở rộng khu du kích Buôn Hồ, tiến sâu vào các vùng quanh thị xã Buôn Ma Thuột, vùng Bản Đôn, bốt Đà Lạt. Kết quả, sau gần ba tháng hoạt động, ta đã diệt 120 địch (trong đó có 14 lính Âu - Phi), làm bị thương 51, bắt 6 tù binh, thu 37 súng các loại, phá huỷ 1 súng cối 81 mm, 1 máy vô tuyến điện, 2 xe quân sự.
Chiến dịch Đắk Lắk không đạt chỉ tiêu diệt sinh lực địch, nhưng đã đạt được mục tiêu phát triển và xây dựng cơ sở vùng sau lưng địch, phát triển chiến tranh du kích trên địa bàn nam Tây Nguyên. Ta đã tạo được một khu căn cứ ở vùng tam giác Cheo Reo – Buôn Hồ - Ma Đrắk, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích ở Buôn Hồ, tạo bàn đạp vượt qua phía tây đường 14 tới Bản Đôn, vùng ba biên giới sang Đông Bắc Campuchia. Về nghệ thuật chiến dịch, đây là chiến dịch nhỏ trong thời kì quá độ tác chiến du kích lên tác chiến chính quy. Thành công của chiến dịch là đã áp dụng phương thức dùng lực lượng tập trung tiến công, kiềm chế các cứ điểm địch, hỗ trợ cho các đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm gây cơ sở, phát động nhân dân tham gia kháng chiến, điều mà các năm trước đó Liên khu 5 chưa làm được ở địa bàn Tây Nguyên.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)