Chiến dịch Đường 3 (25/7-12/8/1948)

Sau thất bại ở Việt Bắc (Thu - Đông 1947), quân Pháp đánh chiếm Bắc Kạn, Ngân Sơn, Cao Bằng và tuyến đường 4 từ Cao Bằng đi Lạng Sơn, thiết lập và củng cố hệ thống chiếm đóng nhằm tiếp tục bao vây, chia cắt căn cứ địa Việt Bắc của ta. Đi đôi với hoạt động quân sự, Pháp sử dụng nhiều biện pháp, thủ đoạn chia rẽ dân tộc để thực hiện chủ trương “dùng người Việt đánh người Việt”, lập bộ máy tề điệp làm lực lượng hậu thuẫn bảo vệ các vị trí và khu vực chiếm đóng.
Về phía ta, để phá thế bao vây của địch, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương mở chiến dịch tiến công vào tuyến phòng thủ đường 3 của Pháp để cô lập, uy hiếp, tiến tới bức địch phải rút khỏi Bắc Kạn. Chỉ huy trưởng chiến dịch Thanh Phong (Chỉ huy phó Liên khu 1), Phó chỉ huy Lâm Kính (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308). Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 2 tiểu đoàn 11,54 (Trung đoàn chủ lực 308 của Bộ); Tiểu đoàn 45 (Trung đoàn 17); Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) và Tiểu đoàn 73 (Trung đoàn 74) của Liên khu 1; 2 đại đội độc lập; 1 đại đội pháo binh (Tiểu đoàn 410); 1 đại đội công binh cùng dân quân du kích địa phương. Lực lượng địch trên địa bàn tương đương 3 tiểu đoàn, bố trí ở thị xã Bắc Kạn 2 đại đội; Phủ Thông -1 đại đội; Nà Phặc - 1 đại đội; Ngân Sơn - 2 trung đội; Tài Hồ Sìn - 1 trung đội... Các vị trí của địch được xây dựng khá vững chắc nhưng ở cách xa nhau nên khi ta tiến công, dễ bị cô lập, khó ứng cứu cho nhau.
Chiến dịch diễn ra trên vùng rừng núi, độc đạo với nhiều đèo, dốc hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Những điều kiện tự nhiên và xã hội nói trên tạo thuận lợi cho ta bí mật vận động tiếp cận, phát huy cách đánh sở trường là tập kích, phục kích nhưng cũng gây khó khăn cho việc vận chuyển, tiếp tế đảm bảo cho chiến dịch. Căn cứ vào sự chỉ đạo của trên và tình hình thực tế chiến trường, Bộ chỉ huy Chiến dịch xác định quyết tâm tiến công tiêu diệt các vị trí Phủ Thông, Bằng Khẩu trên đường 3, đồng thời phục kích đánh địch ứng cứu, tăng viện, tiếp tế từ Bắc Kạn lên. Tiểu đoàn 11 được giao nhiệm vụ diệt đồn Phủ Thông, Tiểu đoàn 73 đảm nhiệm tiến công đồn Bằng Khẩu; 2 tiểu đoàn 54, 55 chặn đánh quân viện từ Bắc Kạn lên, từ Ngân Sơn, Nà Phặc xuống; các đại đội độc lập cùng du kích địa phương tổ chức phục kích ở Đèo Giàng, hoạt động quấy rối ở Nà Phặc, Ngân Sơn, thị xã Bắc Kạn.
18 giờ 30 phút ngày 25.7.1948, Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên), được tăng cường đại đội pháo binh (2 khẩu sơn pháo 75 mm) và một bộ phận của đội du kích Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) tiến công đồn Phủ Thông (bắc thị xã Bắc Kạn 20 km), một vị trí quan trọng được xây dựng vững chắc trên đường 3, do Đại đội 2 thuộc Trung đoàn Bộ binh 3 Lê dương (3èREl) và 1 trung đội trợ chiến đóng giữ (khoảng 150 quân). Sau khi pháo bắn chuẩn bị, tiểu đoàn chia thành hai mũi dùng thang ván vượt rào, xung phong vào đồn diệt các ụ súng, tỏa ra đánh chiếm gần hết các lô cốt, diệt và làm bị thương gần 100 quân (trong đó có đại úy đồn trưởng và trung úy đồn phó); số địch còn sống sót dựa vào hầm ngầm và lô cốt góc tây bắc chống cự quyết liệt. Trận đánh kéo dài đến 23 giờ, ta không chuẩn bị thuốc nổ để phá hầm ngầm, bị thương vong nhiều, không dứt điểm được trận đánh, phải lui quân (xem Trận Phủ Thông, 25.7.1948). Trận đánh không giành thắng lợi trọn vẹn nhưng đã đóng góp nhiều kinh nghiệm quý, mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm bằng phương pháp cường tập của quân đội ta. Sau trận này, Tiểu đoàn 11 được tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”.

Cũng trong đêm 25.7, Tiểu đoàn 73 hành quân vào đánh đồn Bằng Khẩu nhưng do tổ chức không chu đáo, vận động chậm, 3 giờ ngày 26.7 mới bắt đầu tiến công, chỉ phá được một số hàng rào thì trời sáng, bị địch trong đồn dùng hoả lực bắn chặn dữ dội, phải rút quân. Sáng 26.7, địch cho 8 xe chở 1 đại đội từ Bắc Kạn lên tiếp viện cho Phủ Thông. Tiểu đoàn 54 tổ chức phục kích nhưng để lộ trận địa, chỉ đánh được trung đội đi đầu, diệt một số địch nhưng cũng bị thương vong nhiều. Phối hợp với hướng chính, đêm 25.7, các đại đội độc lập và du kích địa phương hoạt động quấy rối ở Nà Phặc, Ngân Sơn. Riêng ở thị xã Bắc Kạn, do địch đã tăng cường phòng thủ, đêm 26.7 ta mới đột nhập được. Ngày 27.7, Bộ chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 11 tiến công Phủ Thông lần hai, nhưng do truyền đạt mệnh lệnh không rõ ràng, tiểu đoàn chỉ đưa 1 trung đội và một bộ phận hoả lực đến quấy rối. Cùng ngày địch cho 30 xe chở 2 đại đội từ Cao Bằng xuống tăng viện, ngày 28 đến Bằng Khẩu, sáng 29 tới Phủ Thông, ta không nắm chắc tình hình địch nên bỏ lỡ thời cơ đánh viện.
Trong khi địch đã tăng cường lực lượng phòng thủ các vị trí Phủ Thông, Bằng Khẩu, Ngân Sơn và bộ đội ta lại đang gặp khó khăn về hậu cần, tiếp tế phải sử dụng một bộ phận làm nhiệm vụ vận chuyển, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định không tiếp tục đánh điểm, chuyển sang hoạt động phá hoại giao thông trên đường 3. Từ ngày 29.7 đến 6.8, Tiểu đoàn 55 tổ chức phục kích và phá hoại trên đoạn Nà Phặc - Bắc Kạn; các tiểu đoàn 11,54 dùng lực lượng nhỏ hoạt động quấy rối ở Phủ Thông và thị xã Bắc Kạn, đại bộ phận lực lượng chuyển về Chợ Rã, chuẩn bị cho đợt tác chiến tiếp sau.
Do hoạt động phá hoại của ta chỉ đạt kết quả hạn chế, đến ngày 8.8.1948, địch đã đánh thông được đường 3. Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định mở đợt hoạt động mới: sử dụng Tiểu đoàn 73 tiếp tục tiến công đồn Bằng Khẩu; các tiểu đoàn 55, 11,45 phục kích, đánh giao thông trên đường Bắc Kạn - Phủ Thông - Nà Phặc. Thực hiện quyết định trên, ngày 10.8, Tiểu đoàn 73 tập kích đồn Bằng Khẩu lần hai nhưng vẫn không thành công, chỉ tiêu hao được một bộ phận địch. Các đơn vị làm nhiệm vụ đánh giao thông phá được một số đoạn đường, diệt được một số ít địch đi tuần tra. Do việc vận chuyển, tiếp tế gặp nhiều khó khăn, sức khoẻ bộ đội giảm sút, ngày 12.8.1948, Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch.
Sau hơn nửa tháng chiến đấu, ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc củng cố tuyến phòng thủ đường 3 và khu vực chiếm đóng Bắc Kạn. Các trận đánh đồn đều không dứt điểm, đánh viện đạt hiệu quả thấp, bỏ lỡ nhiều thời cơ tiêu diệt địch, không thực hiện được mục tiêu đề ra là uy hiếp, bức địch rút khỏi Bắc Kạn. Nguyên nhân: trước hết là do việc xác định mục tiêu chiến dịch quá cao so với yêu cầu nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn “tích cực cầm cự”; so sánh lực lượng giữa ta và địch. Việc chọn hướng chiến dịch tại đường 3 là chính xác nhưng trong tư tưởng chỉ đạo không xác định rõ trọng điểm, không quán triệt “lấy tiêu diệt sinh lực địch làm chính”, nên sử dụng lực lượng phân tán, không bảo đảm tập trung thực hiện bằng được ý định đã đề ra; từ đó cả đánh điểm và diệt viện đều không đạt kết quả mong muốn.
Chiến dịch Đường 3 là một trong những chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, kết quả còn hạn chế; nhưng từ thực tiễn chiến dịch có thể rút ra những kinh nghiệm cần thiết về xác định mục tiêu và tổ chức, thực hành chiến dịch trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)