Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (20/1- 15/7/1968)
Cuối năm 1967, trước sự uy hiếp ngày càng mạnh của lực lượng vũ trang ta trên toàn chiến trường, đồng thời phát hiện ta tăng cường lực lượng xung quanh Khe Sanh, đẩy mạnh vận chuyển trên tuyến 559, Bộ chỉ huy quân Mĩ buộc phải tạm dừng cuộc phản công chiến lược lần 3, đưa quân về giữ các vùng trọng điểm,tăng quân cho Vùng chiến thuật 1, củng cố tuyến phòng thủ đường 9. Đến tháng 11/1967, ở khu vực đường 9, địch có 45 nghìn quân (28 nghìn Mĩ), gồm: 3 trung đoàn tăng cường (10 tiểu đoàn bộ binh) thuộc Sư đoàn Lính thủy đánh bộ 3 (từ 4/1968 có thêm Sư đoàn Kị binh bay 1) Mĩ, 1 chiến đoàn dù, nhiều đơn vị biệt động và bảo an quân đội Sài Gòn, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới. Lực lượng địch tổ chức phòng ngự thành 3 khu vực: khu đông là khu vực phòng ngự chủ yếu gồm các cứ điểm 31, Dốc Miếu, cồn Tiên, Gio Linh, Quán Ngang, miếu Bái Sơn, phía sau có Đông Hà, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị; khu giữa gồm các cứ điểm Tân Lâm, Cà Lu, điểm cao 241; khu tây gồm các cứ điểm Hướng Hoá, Làng Vây, Huội San và cụm cứ điểm Tà Cơn. Lực lượng địch ở Tà Cơn có Trung đoàn Lính thủy đánh bộ 26 Mĩ, Tiểu đoàn Biệt động quân 37 quân đội Sài Gòn, 24 pháo, 2 trung đội xe tăng.
Chấp hành nghị quyết Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 12/1967), Bộ Tổng tư lệnh xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược Xuân - Hè 1968, trong đó nêu rõ “có một đòn tiến công chiến lược của bộ đội chủ lực nhằm tiêu diệt, phân tán lực lượng chủ lực của địch mà chiến trường chính là hướng đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường khác, trước hết là Trị Thiên - Huế hoàn thành nhiệm vụ tiến công và nổi dậy đồng loạt”. Thực hiện chủ trương trên, ngày 6/12/1967, Bộ tư lệnh Chiến dịch được thành lập: Tư lệnh, Thiếu tướng Trần Quý Hai (Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam); Chính ủy, Thiếu tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị). Địa bàn chiến dịch được xác định từ Cửa Việt - Đông Hà (phía đông) đến biên giới Việt - Lào (phía tây), phía bắc giáp cồn Tiên - Dốc Miếu; trong đó hướng tây (khu vực Khe Sanh) là hướng chính.
Yêu cầu đề ra cho chiến dịch là diệt 20-30 nghìn địch, trong đó diệt 5-7 tiểu đoàn Mĩ, 2-3 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn; kéo được 2-3 sư đoàn (có 2 sư đoàn Mĩ) ra đường 9 kìm chân tiếp tục tiêu diệt. Phương châm chỉ đạo tác chiến lấy đánh địch ngoài công sự làm chính, đánh địch trong công sự khi cần thiết và chắc thắng; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh liên tục, rộng khắp, tạo điều kiện cho đánh lớn; phối hợp chặt chẽ ba thứ quân, kết hợp, chính trị và địch vận. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 304, 320, 324, 325 (từ tháng 5/1968, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 264 vào thay cho các sư đoàn 324 và 325 chuyển chiến trường khác), Trung đoàn 270 (Vĩnh Linh), 2 tiểu đoàn địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204, 675), 3 trung đoàn pháo phòng không (128,282,241), 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn hoá học, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang địa phương các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Kế hoạch tác chiến: hướng tiến công chủ yếu (hướng tây), sử dụng 2 sư đoàn bộ binh (304, 305), 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địa phương, 2 trung đội pháo binh (45,675), 1 trung đoàn pháo phòng không (241), 1 tiểu đoàn xe tăng PT-76 (thiếu 1 đại đội), 1 đại đội và 1 trung đội công binh, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn thông tin, 1 đại đội súng phun lửa và 6 tiểu đoàn vận tải. Hướng tiến công thứ yếu (hướng đông), sử dụng 2 sư đoàn bộ binh (320,324), Trung đoàn Bộ binh độc lập Vĩnh Linh, 1 tiểu đoàn và 2 đại đội địa phương huyện Gio Linh, Đoàn đặc công B5 và 2 đại đội đặc công hải quân, 3 trung đoàn pháo binh (84, 64, 204), 1 tiểu đoàn tên lửa vác vai A-72, 2 trung đoàn pháo phòng không (128, 282), 1 tiểu đoàn xe tăng PT-76 (thiếu 1 đại đội). Đêm 20/1/1968, 10 ngày trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân bắt đầu, Chiến dịch Đường 9 Khe Sanh mở màn và diễn ra 4 đợt.
Đợt 1 (20/1-7/2), ta tiêu diệt các cứ điểm phía tây, đưa lực lượng vào vây hãm Tà Cơn. Đêm 20/1, được pháo binh chiến dịch chi viện, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66, Sư đoàn 304) nổ súng tiến công đánh chiếm quận lị Hướng Hóa do 1 đại đội bảo an đóng giữ. Phần lớn quân địch bị tiêu diệt, một số rút chạy vào cụm cứ điểm Tà Cơn. Cùng đêm, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 325) tiến công điểm cao 832 nhưng không thành công, phải chuyển sang bao vây, kiềm chế địch. Ngày 21/1, địch cho 1 đại đội bảo an từ Quảng Trị đổ bộ xuống ngã ba Cu Bốc bị ta tiêu diệt. Đến trưa 22/1, ta hoàn toàn làm chủ phía nam Tà Cơn, tổ chức chốt giữ quận lị Hướng Hóa, điểm cao 471 và ngã ba Cu Bốc. Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tiếp tục tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Huội San trên biên giới Việt - Lào để tăng sức ép từ hướng tây, mở đường vào Làng Vây, kéo địch ra tăng viện. Đêm 23/1, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 304) được tăng cường một đại đội xe tăng tiến công cụm cứ điểm Huội San do Tiểu đoàn 33 quân đội Phái hữu Lào phòng giữ. Do ta bao vây không chặt nên gần 400 quân địch rút chạy về Làng Vây cũ. Ta làm chủ Huội San và cô lập Làng Vây.
Sau 3 ngày chiến đấu, địch vẫn không tăng viện. Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định tiến công tiêu diệt Làng Vây, một cứ điểm mạnh do 4 đại đội biệt kích và thám báo quân đội Sài Gòn đóng giữ, nhằm khai thông đường 9 từ Khe Sanh đến biên giới Việt - Lào, tăng thêm áp lực vây hãm Tà Cơn, buộc địch phải tăng viện. 23 giờ 30 phút ngày 6/2, Trung đoàn 24 được tăng cường Tiểu đoàn xe tăng 198 bất ngờ thực hành tiến công trong hành tiến, đột phá cứ điểm Làng Vây từ ba hướng, đến 10 giờ ngày 7/2, hoàn toàn làm chủ cứ điểm, diệt 400 địch, bắt 253 (có 5 Mĩ) (xem Trận Làng Vây, 6-7/2/1968). Ở hướng đông, đêm 19/1, Trung đoàn 270 vào chốt ở Lâm Xuân, Bạch cầu, Hoàng Hà, phối hợp với đặc công phong toả đường sông từ Cửa Việt đi Đông Hà, buộc địch phải đưa quân giải toả. Trong 3 ngày (20-22/1), Tiểu đoàn 47 (Trung đoàn 270) đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Ngày 24/1, địch điều Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn lính thủy đánh bộ 1 Mĩ) lên Cửa Việt để giải toả; ta chặn đánh, diệt nhiều địch. Đến cuối tháng 1, địch chiếm được chốt Bạch Cầu và Lâm Xuân. Đêm 31/1, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) tiến công quận lị Cam Lộ không thành công. Sau 19 ngày chiến đấu, ta chủ động kết thúc đợt 1.
Đợt 2 (10/2-31/3), vây lấn Tà Cơn. Bị uy hiếp mạnh ở Thừa Thiên - Huế và Đường 9 - Khe Sanh, đầu tháng 2/1968, Mĩ thành lập sở chỉ huy nhẹ ở đường 9 do Abram, Phó Tư lệnh Mĩ ở Nam VN trực tiếp phụ trách, điều Sư đoàn Kị binh bay 1 và Chiến đoàn Dù 3 quân đội Sài Gòn ra Quảng Trị để sẵn sàng ứng phó với ta ở đường 9. Tại Tà Cơn, địch cho quân chiếm giữ các điểm cao 550 ở phía bắc, 595 và 573 ở phía tây nhằm hoàn chỉnh trận địa cố thủ và tập trung hoả lực không quân, pháo binh đánh phá các trận địa vây ép của ta.
Ngày 18/2, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định từ vây hãm phát triển lên vây lấn Tà Cơn, đưa lực lượng vào áp sát, xây dựng công sự trận địa vững chắc, đẩy mạnh tiến công, cắt tiếp tế đường không và đường bộ của địch, dùng hoả lực bắn phá mạnh vào Tà Cơn, buộc địch phải ra ứng cứu, giải toả. Ở hướng tây, Sư đoàn 325 dùng 3 tiểu đoàn bao vây uy hiếp các điểm cao 845, 832, Động Tri, 4 tiểu đoàn khác sẵn sàng đánh quân ứng cứu, giải tỏa. Sư đoàn 304 tổ chức vây lấn ở nam Tà Cơn, cắt giao thông đường 9. Giữa tháng 2, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) vào thay thế Sư đoàn 325 được điều vào Tây Nguyên. Từ 25/2 đến 31/3, các trận địa vây lấn của ta xung quanh Tà Cơn áp sát hàng rào và liên tục mở các mũi tiến công vào tiền duyên phòng ngự địch. Chiến sự tại đây diễn ra rất quyết liệt, ta đẩy lui 4 đợt phản kích của địch. Địch dùng pháo binh và không quân (kể cả máy bay chiến lược B-52) với 110 nghìn tấn bom, 100 nghìn đạn pháo 175 mm, đánh vào khu vực Khe Sanh nhằm tiêu diệt trận địa và đội hình vây lấn của ta. Ở hướng đông, cuối tháng 2 đầu tháng 3, Sư đoàn 320 dùng một bộ phận tiếp tục bao vây cồn Tiên (thay cho Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 324 được lệnh chuyển vào Thừa Thiên), cắt giao thông trên đoạn Cam Lộ - Tân Lâm, buộc địch phải đưa quân đi giải tỏa. Sư đoàn 320 chuẩn bị tiến công Quán Ngang nhưng do địch tăng cường lực lượng không đánh được. Trung đoàn 270 đánh một số trận nhỏ ở đông đường 1. Sau 50 ngày đêm vây lấn Tà Cơn, đợt 2 kết thúc.
Đợt 3 (1-30/4), đánh địch ứng cứu giải tỏa. Trước tình thế Khe Sanh bị vây ép dài ngày, từ 1/4, địch buộc phải điều Sư đoàn Kị binh bay 1 Mĩ và Chiến đoàn Dù 3 quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân Ngựa bay, nhằm ứng cứu giải tỏa và thay quân cho Tà Cơn, đồng thời chuẩn bị cho việc rút khỏi Khe Sanh sau này (xem Hành quân Ngựa bay, 1/4- 7/5/1968).
Về ta, hướng đông do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Phạm vi chiến dịch tập trung vào Khe Sanh (hướng tây), lực lượng tham gia gồm: Sư đoàn 304, Tiểu đoàn Bộ binh 8 độc lập, 1 tiểu đoàn pháo 122 mm, 1 trung
đoàn pháo ĐKB và 1 trung đoàn pháo phòng không. Từ 11 giờ 30 phút ngày 1/4, sau khi pháo bắn chuẩn bị vào vùng nam, bắc Rào Quán và Sa Mưu, Lữ đoàn 3 (Sư đoàn Kị binh bay 1) đổ 1 tiểu đoàn xuống Đồng Cho, Úc Nghi, Bồng Kho, Sa Mưu, 1 tiểu đoàn xuống khu vực Làng Cát, 1 tiểu đoàn và sở chỉ huy lữ đoàn xuống Sa Mưu, chốt giữ các điểm cao hai bên đường 9 (đoạn từ Cà Lu đến Rào Quán) để yểm hộ cho công binh làm đường. Ngày 3/4, Lữ đoàn Kị binh 2 đổ quân xuống Húc Thượng, điểm cao 471. Sáng 4/4, 1 tiểu đoàn của Lữ đoàn Kị binh 3 nhảy xuống đông nam Cu Bốc, nhằm phối hợp với lực lượng ở Tà Cơn đánh ra chiếm ngã ba Cu Bốc. Ta đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội, bắn rơi 5 máy bay trực thăng; đến cuối ngày ta chủ động rút khỏi điếm cao 471. Ngày 5-6/4, Lữ đoàn Kị binh 1 đổ xuống khu vực Pa Ca, Húc Hạ phối hợp với các lữ đoàn 2, 3 đánh chiếm ngã ba Cu Bốc, Làng Khoai, nối thông với sân bay Tà Cơn, giải toả đoạn đường 9 từ Khe Sanh đi Đông Hà. Sư đoàn 304 và Tiểu đoàn 8 phối hợp với các binh chủng đánh một số trận ở Làng Khoai, điểm cao 471, diệt nhiều địch nhưng cũng để mất một số trận địa và đài quan sát pháo binh ờ nam và tây nam Tà Cơn.
Ngày 7/4, Chiến đoàn Dù 3 đổ quân xuống giải toả phía tây nam Tà Cơn; pháo binh ta tập kích, diệt 250 địch. Cùng ngày, Lữ đoàn Kị binh 1 đánh chiếm Làng Con - Húc Hạ. Đêm 8/4, Chiến đoàn Dù 3 cụm lại ở điểm cao 400; ta tập kích diệt 320 địch. Từ ngày 10-12/4, địch tập trung lực lượng kể cả dùng chất độc hóa học để tiến công Làng Vây; ta đánh bại 3 đợt xung phong, diệt hàng trăm địch, đến 16 giờ ngày 12/4, được lệnh rút khỏi Làng Vây. Sau khi chiếm được Làng Vây, Lữ đoàn Kị binh 1 đổ quân chiếm Pa Ca, Làng Con, Làng Troài, Bi Hiên, khôi phục lại hình thái cũ. Chiến đoàn Dù 3 bị đánh thiệt hại 40% quân số đến chiều 14/4 phải rút về Huế. Trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ Mĩ ở Tà Cơn được Lữ đoàn Kị binh 3 vào thay thế đã nống ra phía tây Tà Cơn nhằm cải thiện thế phòng ngự, nhưng bị ta đánh thiệt hại nặng phải quay lại.
Từ 14 đến 20/4, Trung đoàn Lính thủy đánh bộ 9 của Mĩ vào thay Trung đoàn 26 chiếm giữ Tà Cơn. Trong quá trình thay quân, bị ta chặn đánh liên tục, đường 9 và sân bay Tà Cơn bị bắn phá hỏng nặng, địch gặp nhiều khó khăn trong việc rút Sư đoàn Kị binh bay 1 và Trung đoàn Lính thủy đánh bộ 26 ra khỏi Khe Sanh. Ngày 21-23/4, địch ở Tà Cơn mở các đợt phản kích ra xung quanh nhằm đẩy lực lượng ta ra xa, nhưng đều bị ta chặn đánh quyết liệt. Trên đường 9, ta liên tiếp phục kích các đoàn xe vận chuyển, buộc địch phải đưa 2 tiểu đoàn ra chốt giữ. Ta tiếp tục bám đánh, áp sát các vị trí địch còn chiếm giữ, khống chế sân bay. Trong hơn 1 tháng đánh địch ứng cứu, giải tỏa Khe Sanh, ta đánh trên 50 trận, diệt hơn 5 nghìn địch, bắn rơi 82 máy bay các loại, nhưng không có trận then chốt, chưa thực hiện được mục tiêu diệt gọn tiểu đoàn Mĩ và còn bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch.
Đợt 4 (8/5-15/7), khôi phục thế vây lấn Tà Cơn, đánh địch rút chạy khỏi Khe Sanh. Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương tiếp tục đánh mạnh để khôi phục thế vây lấn, uy hiếp Tà Cơn, buộc địch phải ra giải toả lần hai hoặc rút chạy. Từ 8 đến 19/5, ta tập kích diệt 3 đại đội Mĩ ở điểm cao 552, đánh một số trận tập kích ở nam Làng Khoai, diệt hơn 300 địch, phục kích diệt 1 đại đội và 3 xe tăng khi địch nống ra phía tây, buộc địch phải co về phòng thủ, ta khôi phục lại thế vây lấn Tà Cơn. Bộ điều thêm Sư đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 36) vào chiến đấu ở Khe Sanh để tăng sức ép với địch. Từ 28 đến 31/5, Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) hai lần tiến công quân địch ở điểm cao Làng Cát, nhưng đều không dứt điểm. Phát hiện ta tăng cường lực lượng và trước nguy cơ Khe Sanh bị vây chặt, địch điều động 4 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn lính thủy đánh bộ 3 Mĩ mở cuộc hành quân Xcôtlen II để giải toả Khe Sanh (x. Hành quân Xcôtlen II, 6/1968).
Từ 1 đến 18/6, các đơn vị của Sư đoàn 308 đón đánh địch đổ quân xuống Pa Trang, Húc Cốc Giang, tập kích các cứ điểm địch mới chiếm như Rô Mơ, Húc Thượng, Hô Le, Phu Nhoi, điểm cao 635..., đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 4) lính thủy đánh bộ Mĩ. Giữa tháng 6, Trung đoàn 246 vào thay Sư đoàn 304 tiếp tục bao vây kiềm chế địch ở tây Tà Cơn. Ngày 18-19/6, địch co về giữ đường 9 và nam Tà Cơn, rút bớt lực lượng về Đông Hà và Cửa Việt đang bị ta uy hiếp, kết thúc cuộc Hành quân Xcôtlen II. Lúc này, lực lượng địch ở Khe Sanh chỉ còn 5 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ. Từ ngày 20/6, địch rải quân bảo vệ đường 9, càn quét ở khu vực cách Cà Lu 2 km về phía tây nam, đồng thời rút bớt một sổ trang bị kĩ thuật nặng khỏi Tà Cơn. Trước tình hình địch có dấu hiệu rút khỏi Khe Sanh, Bộ tư lệnh Chiến dịch lệnh các đơn vị bám sát đánh địch rút chạy. Trung đoàn 246 vây ép các điểm cao 832, 845, 639, nhưng do lực lượng ít không phá vỡ được đội hình địch rút chạy. Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308) chặn đánh địch ở Làng Khoai, Cu Bốc, nhưng gặp lực lượng mạnh của địch án ngữ ở nam đường 9 nên không đánh được vào đội hình chính của địch. Ngày 26/6, địch tuyên bố rút khỏi Khe Sanh. Sáng 8/7, ta vào làm chủ Tà Cơn. Ngày 15/7, địch rút hết quân về tập trung ở Tân Lâm - Cà Lu; ta làm chủ đường 9 từ Lao Bảo đến sát Cà Lu.
Ngày 15/7/1968, chiến dịch kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 địch (phần lớn là Mĩ), bắn rơi 197 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 80 tàu vận tải, phá hủy 78 xe quân sự (có 8 xe tăng), 46 pháo, cối; phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ đường 9 của địch; giải phóng huyện Hướng Hoá với gần 10 nghìn dân, mở rộng hành lang chiến lược Bắc - Nam; thu hút, giam chân được một lực lượng lớn quân Mĩ, tạo thuận lợi cho các chiến trường, trước hết là Thừa Thiên - Huế thực hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Thành công của chiến dịch là: chọn đúng khu vực tác chiến chủ yếu (phía tây đường 9); xác định chính xác phương châm chỉ đạo tác chiến (lấy đánh địch ngoài công sự làm chính); kiên quyết liên tục tiến công và vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật đế giành thắng lợi. Tuy nhiên, chiến dịch cũng có mặt hạn chế là chưa tạo và nắm thời cơ để tập trung lực lượng đánh những trận then chốt tiêu diệt từng tiểu đoàn quân Mĩ như yêu cầu đã đề ra.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)