Chiến dịch Phòng không Hà Nội- Hải Phòng (Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, 18- 29/12/1972)
Ngày 22.10.1972, chiến dịch đánh phá quy mô lớn mang mật danh “Lainơbêchcơ” (Linebacker) của không quân và hải quân Mĩ ở miền Bắc kết thúc mà không đạt mục đích đề ra (xem Chiến dịch Lainơbêchcơ, 6.4- 22.10.1972), Tổng thống Nichxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra nhằm xoa dịu dư luận và phục vụ cho việc tái tranh cử tổng thống nhiệm kì 2 ờ Mĩ. Đồng thời tại bàn đàm phán Hội nghị Pari, phía Mĩ cũng nhất trí với dự thảo văn bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa binh ở Việt Nam”. Tuy nhiên, sau khi trúng cử Tổng thống, Nichxơn cố tình kéo dài đàm phán để chuẩn bị cho hành động phiêu lưu quân sự giành thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, buộc ta chấp nhận các điều kiện có lợi cho Mĩ. Ngày 14.12, Tổng thống Nichxơn chính thức phê chuấn kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng mang mật danh chiến dịch “Lainơbêchcơ II” (Operation Linebacker II), đồng thời tiếp tục ra lệnh thả thuỷ lôi phong toả cảng Hải Phòng. Thực hiện kế hoạch trên, Mĩ huy động hầu hết máy bay thuộc Tập đoàn Không quân chiến lược 8, gồm các liên đội 43 và 76 ở Guam, Liên đội 307 ở Utapao (Thái Lan), với tổng số 193 chiếc B-52 (chiếm 50% số máy bay B-52 trong biên chế); 2 đại đội máy bay F-111A (gồm 48 chiếc), 999 máy bay chiến đấu các loại bố trí ở Thái Lan, miền Nam Việt Nam và trên 6 tàu sân bay ở Biển Đông. Ngoài ra, còn một số máy bay tiếp dầu KC-135 và các máy bay bảo đảm khác, về lực lượng hài quân, Mĩ tăng cường tàu chiến hoạt động ở vịnh Bắc Bộ từ 18 lên 66 chiếc (chiếm 60% tổng số tàu chiến đấu và tàu đổ bộ của Hạm đội 7). Toàn bộ lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Bộ chì huy tập đoàn quân không quân chiến lược lâm thời 57, sở chỉ huy ở căn cứ Guam.
Trước âm mưu của địch, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định Mĩ sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và có nhiều khả năng sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Trên cơ sở đó Quân chủng Phòng không - Không quân được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ yểu, tập trung mọi khả năng tiêu diệt máy bay B-52. Ngày 24.11.1972, kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bàng máy bay B-52 được Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn, trong đó xác định: tập trung cao nhất lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, với đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52 và quyết tâm bắn rơi B-52 tại chỗ. Các trung đoàn tên lửa sử dụng 2 đến 3 tiểu đoàn bố trí đội hình đánh máy bay địch bao gồm vòng trong và vòng ngoài, tập trung hỏa lực tiêu diệt B-52; các tiểu đoàn, trung đoàn pháo phòng không tập trung đánh máy bay cường kích bổ nhào và bay thấp bảo vệ các mục tiêu trọng điểm và trận địa tên lửa...; không quân dùng lực lượng nhỏ bí mật, bất ngờ đánh từ phía sau, bên sườn và chặn đánh máy bay B-52 ngoài vùng hoả lực của tên lửa và pháo phòng không; các đơn vị rađa sử dụng hỗn họp các loại máy, kết hợp tuyến ngoài và tuyến trong phát hiện mục tiêu sớm, từ xa, thông báo nhanh, chuẩn xác, bảo đảm dẫn đường cho không quân ta cất cánh đánh B-52; các đơn vị dân quân tự vệ tập trung đánh máy bay bay thấp, theo dõi bắt phi công Mĩ nhảy dù khi máy bay bị bắn rơi...
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Sư đoàn Phòng không 361 có 3 trung đoàn tên lửa (12 tiểu đoàn), 5 trung đoàn pháo phòng không; Sư đoàn Phòng không 363 có 2 trung đoàn tên lửa (8 tiểu đoàn), 1 trung đoàn pháo phòng không; Sư đoàn Phòng không 375 có 1 trung đoàn tên lửa, 4 trung đoàn pháo phòng không; 3 trung đoàn phòng không trực thuộc quân chủng, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn pháo phòng không của Quân khu Việt Bắc; 1 trung đoàn và 7 tiểu đoàn pháo phòng không của Quân khu Tả Ngạn, 12 tiểu đoàn pháo phòng không của Quân khu Hữu Ngạn; 4 trung đoàn và 1 tiểu đoàn không quân; 4 trung đoàn rađa. Ngoài ra, còn có 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của tp Hà Nội và các tỉnh Hà Tây (thuộc Hà Nội ngày nay), Hoà Bình, Vĩnh Phú (Phú thọ và Vĩnh Phúc ngày nay), Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên ngày nay), Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), Bắc Thái (Bắc Kạn và Thái Nguyên ngày nay). Chiến dịch do Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức, chỉ huy; Tư lệnh Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, đến 4.12.1972 các lực lượng phòng không - không quân cùng với quân dân Hà Nội, Hải Phòng cũng như quân và dân các tỉnh miền Bắc nói chung đã sẵn sàng đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược của Mĩ. Căn cứ vào tình hình chiến trường, ngày 17.12, Bộ tổng tham mưu lệnh cho lực lượng phòng không - không quân chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Sáng 18.12 (giờ Hà Nội), Chính phủ Mĩ gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thực chất là tối hậu thư ép Việt Nam phải chấp nhận những yêu sách của Mĩ ở Hội nghị Pari. Đồng thời, Tổng thống Nichxơn lệnh cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương tạm ngừng các phi vụ B-52 trên các chiến trường Đông Dương, để tập trung lực lượng cho cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng. Chiến dịch diễn ra 2 đợt.
Đêm 19 rạng 20.12, không quân Mĩ sử dụng 87 lần chiếc B-52 và 165 lần chiếc máy bay chiến thuật tập trung đánh phá các đầu mối giao thông, kho tàng ở phía bắc ngoại thành Hà Nội. Trong ngày 20.12, sử dụng trên 80 lần chiếc máy bay chiến thuật tiếp tục đánh phá các mục tiêu ở phía bắc Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong các trận chiến đấu này, ta bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó Hà Nội bắn rơi 2 máy bay B-52, nhưng hiệu quả chiến đấu của các đơn vị chưa cao. Sau khi kịp thời rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân hạn chế, Bộ tư lệnh Chiến dịch gấp rút tổ chức lại đội hình chiến đấu, đồng thời điều 2 tiểu đoàn tên lửa từ Hải Phòng và 2 trung đoàn pháo phòng không từ Nam Định, Thanh Hoá về tăng cường bảo vệ Hà Nội... Đêm 20 và cả ngày 21.12 không quân Mĩ sử dụng 93 lần chiếc B-52 cùng số lượng lớn máy bay chiến thuật liên tục đánh phá nhiều mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái, trong đó B-52 chủ yếu tập trung đánh phá Hà Nội và một số mục tiêu ở Bắc Thái. Mặc dù địch thay đối quy luật và thủ đoạn hoạt động, sử dụng máy bay chiến thuật triệt phá các sân bay và trận địa tên lửa của ta để dọn đường cho B-52 vào đánh phá mục tiêu, đồng thời tăng cường nhiễu và sử dụng các tốp B-52 giả, nhưng với thế trận chủ động và cách đánh hiệu quả các lực lượng phòng không và không quân đã phối hợp chiến đấu thắng lợi, bắn rơi 7 máy bay B-52 (trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ) và 7 máy bay chiến thuật.
Bị thiệt hại nặng trong đêm 20 và ngày 21.12, địch chuyển sang đánh phá quy mô nhỏ ra các địa bàn xa Hà Nội nhằm bảo đảm an toàn và nghi binh, chuẩn bị cho đợt tập kích bất ngờ vào Hà Nội với quy mô lớn hơn. Đêm 21.12 địch sử dụng 24 lần chiếc B-52 đánh khu vực Văn Điển, Giáp Bát thuộc ngoại thành Hà Nội; 22.12 dùng 52 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh Việt Trì; rạng sáng 23.12, sử dụng 24 lần chiếc B-52 đánh Hải Phòng; ngày 24.12 đánh phá Nhà máy Điện Cao Ngạn, thị xã Hòn Gai... Sau 6 ngày đêm tập trung lực lượng liên tục đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác mà không đạt mục đích đề ra, còn bị ton thất nặng, 24 giờ ngày 24.12 lấy cớ nghỉ lễ Nôen, Tổng thống Mĩ ra lệnh tạm ngừng cuộc tập kích. Kết quả đợt 1 chiến dịch, các lực lượng phòng không và không quân ta đã bắn roi 53 máy bay, trong đó có 18 chiếc B-52.
Đợt 2 (26-29.12), tranh thủ thời gian địch tạm dừng đánh phá, ngày 25.12 Bộ tư lệnh Chiến dịch tổ chức rút kinh nghiệm và gấp rút chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới. Theo đó triển khai thêm lực lượng trên các hướng đông bắc và tây nam Hà Nội, tập trung lực lượng pháo phòng không bảo vệ các trận địa tên lửa, nhanh chóng bảo đảm cơ số đạn tên lửa để đánh liên tục, đồng thời điều chỉnh lại đội hình chiến đấu, đưa các tiểu đoàn tên lửa 71 và 72 từ Hải Phòng lên tăng cường cho phía đông bắc Hà Nội... Với sự điều chỉnh như trên, vào thời điểm này lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội có 13 tiểu đoàn, về phía địch, sau khi sử dụng máy bay chiến thuật hoạt động trinh sát, săn tìm, đánh phá các trận địa tên lửa, sân bay và nhiều mục tiêu khác ở các khu vực Hà Nội, Hoà Bình, Hải Phòng, Sơn Tây, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), Bắc Thái..., từ 21 giờ 49 phút đến 23 giờ 12 phút ngày 26.12, không quân Mĩ sử dụng 105 lần chiếc B-52 và 90 lần chiếc máy bay chiến thuật cùng lúc đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Thái, trong đó tập trung 66 lần chiếc B-52 đánh phá ác liệt khu vực nam Hà Nội, phá huỷ nhiều khu dân cư trong nội thành như phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai... Do phán đoán đúng âm mưu, thủ đoạn của địch và chuẩn bị trước thế trận, lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội (nòng cốt là các tiểu đoàn tên lửa) bằng cách đánh tập trung nhiều tiểu đoàn vào cùng một đường bay, phối hợp chặt chẽ các lực lượng, phát hiện và cản phá thành công mọi thủ đoạn nghi binh, đánh phá, gây nhiễu dày đặc của không quân Mĩ, bắn rơi 5 máy bay B-52. Đồng thời, tại Hải Phòng, Tiểu đoàn tên lừa 81 phối hợp với Trung đoàn 252 bắn rơi 2 máy bay B-52; tại Bắc Thái, Trung đoàn pháo phòng không 256 bắn rơi 1 máy bay B-52. Với kết quả bắn rơi 18 máy bay, trong đó có 8 máy bay B-52, các lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái đã hoàn thành thắng lợi trận then chốt quyết định của chiến dịch, đánh thắng trận huy động B-52 cao nhất của không quân Mĩ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng (xem thêm Trận chiến đấu phòng không 26.12.1972). Đêm 27.12, máy bay địch tiếp tục đánh các vùng ngoại vi Hà Nội và Hải Phòng, Lạng Sơn, trong đó có 36 lần chiếc B-52 đánh vào Hà Nội, 18 lần chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ (Lạng Sơn). Trong trận đánh này, ta bắn rơi 5 máy bay B-52, trong đó phi công Phạm Tuân bắn rơi 1 chiếc, là chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi. Đêm 28.12, không quân Mĩ đánh phá hạn chế khu vực ngoại thành Hà Nội, bị bắn rơi 2 chiếc, trong đó phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi 1 máy bay B-52 (xem thêm Trận chiến đấu không quân 28.12.1972). Ngày và đêm 29.12, địch giảm cường độ hoạt động, chủ yếu đánh phá một số mục tiêu ở thành phố Thái Nguyên, Đồng Mỏ (Lạng Sơn) và ngoại thành Hà Nội; 23 giờ 16 phút, Tiểu đoàn tên lửa 79 đánh trận cuối cùng bắn rơi 1 chiếc B-52, kết thúc chiến dịch. Sau 2 đợt tập kích đường không quy mô lớn, với lực lượng không quân chiến lược được huy động cao nhất trong lịch sử tiến hành chiến tranh của quân đội Mĩ bị tổn thất nặng mà không đạt mục đích đề ra, 7 giờ ngày 30.12, Tổng thống Mĩ Nichxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp tục đàm phán, tiến tới kí Hiệp định Pari. Kết quả, trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4D, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105,4 máy bay AD-6, 1 máy bay trực thăng HH-53 và 1 máy bay không người lái, bắt nhiều phi công Mĩ.
Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mĩ, là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B-52, giáng cho không quân Mĩ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, góp phần buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược, được coi là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, tạo bước ngoặt quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến cách mạng, cứu nước, về nghệ thuật chiến dịch, đây là lần thứ hai Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn bảo vệ yếu địa, nổi bật là nghệ thuật quân sự thể hiện ở khả năng phân tích và đánh giá đúng tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và quy luật đánh phá của không quân chiến lược Mĩ; tổ chức và sử dụng hợp lí lực lượng phòng không ba thứ quân đánh thắng các loại máy bay của địch. Đặc biệt, ta xác định đúng khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội, xác định đúng đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52; sử dụng lực lượng tên lửa phòng không chủ yếu đánh B-52; thực hiện tốt nghệ thuật hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng trong Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng của lực lượng phòng không ba thứ quân; kết hợp đánh địch kiên quyết với tổ chức phòng tránh và sơ tán tốt, tiêu diệt nhiều máy bay địch và hạn chế được tổn thất của ta.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)